-
Tự ý bó lá chữa gãy xương: Bài học từ ca bệnh thuyên tắc phổi nguy hiểm -
Công nghệ 3D giúp loại bỏ biến chứng cho bệnh nhân sau khi thay khớp háng -
Vingroup và Bệnh viện Bạch Mai hợp tác toàn diện, thúc đẩy mô hình bệnh viện xanh -
Khoảng 20% người Việt sống chung với bệnh lý viêm xoang -
Hà Nội phấn đấu 100% các trường học có phòng y tế riêng -
Mối lo ngại về an toàn thực phẩm trước cổng trường học
TS. Hà Thị Thanh Hương nhận Giải thưởng Quả cầu vàng lĩnh vực công nghệ y - dược |
Thay đổi cách nghĩ về sức khỏe tâm thần
Mở đầu cho hành trình nghiên cứu công nghệ y - dược, TS. Hà Thị Thanh Hương, Trưởng phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM) nhớ lại, trong những năm học phổ thông, khi theo người thân mắc bệnh trầm cảm khám bệnh ở bệnh viện tâm thần, nhận thấy những hạn chế của hệ thống chăm sóc sức khỏe, chứng kiến nỗi đau đớn do căn bệnh này, chị ấp ủ mong muốn nghiên cứu chuyên sâu về thần kinh học, đem các hiểu biết sinh học và kỹ thuật của mình đến với lĩnh vực này.
“Thời đó, các bạn tôi ở Trường Năng khiếu đi du học và theo nghiệp nghiên cứu rất nhiều. Thầy cô cũng là các nhà nghiên cứu từ Trường đại học Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội và nhân văn qua thỉnh giảng, nên tôi nghĩ, có lẽ, đây là một con đường cho phép mình giải quyết bài toán liên quan sức khỏe tâm thần cho người thân của mình và những người dân Việt Nam khác”, Thanh Hương chia sẻ.
TRÒ CHUYỆN VỚI TS. HÀ THỊ THANH HƯƠNG
Đâu là cơ duyên để chị phấn đấu học tập và nghiên cứu?
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi may mắn được theo học PGS-TS. Hồ Huỳnh Thùy Dương, GS-TS. Nguyễn Linh Thước và rất nhiều giáo sư đầu ngành tại Trường đại học Khoa học tự nhiên. Chính ngọn lửa đam mê nghiên cứu của các thầy, cô đã thôi thúc tôi tiến bước.
Và khi đến Trường đại học Stanford (Mỹ) để bắt đầu hành trình du học ngành thần kinh học, tôi thực sự được trui rèn để có được bản lĩnh đi trên con đường nghiên cứu này.
Với những cống hiến hết mình, chị có mong muốn gì để ngành y tiếp tục phát triển, thế hệ tiếp nối có nhiều cơ hội học hỏi, thưa chị?
Mong ước hiện nay của tôi là bản thân có thể tiếp tục công việc nghiên cứu và truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ. Tôi hy vọng có thể đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực khoa học thần kinh để tạo ra những thay đổi tích cực trong việc đối phó với các bệnh lý và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người thông qua các công trình nghiên cứu của mình.
Năm 2007, Hương trúng tuyển ngành Công nghệ sinh học (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM). May mắn được theo học nhiều giáo sư đầu ngành tại trường, Thanh Hương thỏa sức đam mê khi được tiếp thu nhiều kiến thức về sinh học phân tử, tế bào gốc, công nghệ sinh học và trở thành thủ khoa của ngành sau 4 năm học.
Sau khi tốt nghiệp, Hương làm trợ lý 6 tháng cho một nhóm nghiên cứu về bệnh sa sút trí tuệ do HIV/AIDS gây ra tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU) tại Việt Nam. Cũng trong thời gian này, chị ứng tuyển học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) để tới Đại học Stanford (Mỹ).
Không chỉ trúng tuyển, Hương còn nhận thêm học bổng của cựu sinh viên Đại học Stanford, trở thành nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học, với trọng tâm nghiên cứu về bệnh tự kỷ. Hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành Thần kinh học tại Đại học Stanford năm 2018, TS. Thanh Hương quay về Việt Nam với mong muốn cải thiện việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh.
“Trước khi đi du học, tôi đã có ý định trở về Việt Nam, vì động lực đi du học của tôi là mong muốn góp phần thay đổi cách xã hội hiểu về sức khỏe tâm thần, để mọi người biết rằng, tâm thần là bệnh lý, chứ không phải do người bệnh muốn như vậy”, TS. Thanh Hương chia sẻ.
Theo nghiên cứu của TS. Thanh Hương, trong não của người bệnh thực sự có sự thay đổi về các phân tử, các chất hóa học, khiến người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, cư xử và hành động khác đi so với trước khi bị bệnh.
“Bạn không thể đơn thuần gặp một người trầm cảm mà nói là bớt trầm cảm, bớt buồn bã đi hay gặp một bệnh nhân rối loạn lo âu và bảo họ bớt lo âu đi…, bởi vì họ thực sự không làm được như vậy. Tôi muốn về Việt Nam để thay đổi quan điểm đó, cũng như đóng góp vào quá trình thay đổi”, TS. Thanh Hương chia sẻ.
Đó cũng là động lực để chị nỗ lực học tập và quay về Việt Nam, theo đuổi các nghiên cứu giải quyết những vấn đề liên quan sức khỏe não bộ, nhất là các bài toán đặc trưng cho bối cảnh ở Việt Nam.
Nỗ lực cống hiến cho y học nước nhà
Trở về nước năm 2018 với hành trang chỉ có trong tay 2 bài báo khoa học, Thanh Hương quyết định làm việc tại Trường đại học Quốc tế, Khoa Kỹ thuật y sinh và sau đó cùng với đồng nghiệp thành lập một phòng thí nghiệm chuyên về nghiên cứu thần kinh mang tên Phòng thí nghiệm nghiên cứu sức khoẻ não bộ (Brain Health Lab).
Chị cho biết, để có được những kết quả “ít ỏi” này là điều không dễ dàng và đôi khi còn có sự “chênh vênh” và chị vẫn phải nhờ những điểm tựa là cha mẹ, gia đình, thầy cô - những người từng truyền lửa, truyền kiến thức và dạy dỗ từ khi dưới mái trường phổ thông, đại học và nghiên cứu sinh sau này.
“Đến nay, Phòng thí nghiệm tập trung nghiên cứu theo 2 hướng, gồm các kỹ thuật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu thần kinh học và nghiên cứu sinh học phân tử để phát triển các phương pháp chẩn đoán mới cho các bệnh thần kinh”, TS. Thanh Hương thông tin.
Đối với hướng nghiên cứu thứ nhất, Phòng thí nghiệm có các nhóm nghiên cứu về tương tác điện não máy tính, ứng dụng AI trong phát triển phần mềm chẩn đoán bệnh Alzheimer và u não, ứng dụng can thiệp bệnh Alzheimer cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm.
Theo TS. Thanh Hương, Alzheimer là căn bệnh gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu giải bài toán này với hướng tiếp cận đa chiều, ứng dụng AI vào phân tích ảnh MRI để phát triển các công cụ giúp tăng cao độ chính xác, giảm tính xâm lấn, giảm giá thành và thời gian cho chẩn đoán bệnh Alzheimer.
Phần mềm Brain Analytics giúp phân biệt người bệnh Alzheimer và người bình thường thông qua sự bất thường về cấu trúc não dựa trên ảnh chụp, được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. Ngoài ra, phần mềm có thể đưa ra kết quả nhanh (trong vòng 7 giờ), giúp các bác sĩ tiết kiệm thời gian trong quá trình chẩn đoán.
Ngoài nghiên cứu ứng dụng trong các bệnh thần kinh, Phòng thí nghiệm còn có các nhóm nghiên cứu các chủ đề liên quan sức khỏe tinh thần như stress và phản ứng của cảm xúc, tác dụng của thiền hoặc nhạc alpha lên sức khoẻ thần kinh.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu có dự định mở rộng hướng nghiên cứu sang phát triển kit test định lượng protein P-Tau 127 nhằm chẩn đoán bệnh Alzheimer với giá thành thấp và ít xâm lấn.
Không chỉ dừng ở nghiên cứu lý thuyết, công bố bài khoa học, TS. Thanh Hương còn có những sản phẩm, thiết bị cụ thể đang được thử nghiệm để ứng dụng vào thực tiễn. Nhóm nghiên cứu của Thanh Hương có một sản phẩm đang thử nghiệm tại Bệnh viện Quân y 175. Đó là ứng dụng “Brain Train” (ứng dụng về rèn luyện nhận thức).
Những kết quả nghiên cứu trong thời gian qua cũng như hướng mà TS. Thanh Hương tiếp tục thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu về lĩnh vực này.
Trái ngọt
Trong suốt quá trình công tác và nghiên cứu khoa học, TS. Thanh Hương đã có nhiều công bố trong nước và quốc tế. Có thể kể đến 3 bài báo trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Q1; 2 bài trên tạp chí Q2; 4 bài trên tạp chí Q3; một bài trên tạp chí Q4…
Năm 2023, TS. Thanh Hương và đồng sự đề xuất Dự án “Phần mềm Brain Analytics phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh trong vòng 7 giờ”, được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%.
Dự án trên giúp lan tỏa tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài toán y khoa, đồng thời đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, như Giải ba Cuộc thi GIST-Catalyst ASIA; Giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; Giải nhì Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM.
Trong năm 2023, TS. Thanh Hương là một trong 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc giành Giải thưởng Quả cầu vàng 2023; được vinh danh là một trong 200 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2023; đạt danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2023; giành giải thưởng Phụ nữ tương lai Đông Nam Á 2023.
“Năm 2023 như một năm gặt hái sau thời gian trồng cây, chăm bón. Đây là những thành quả được tích lũy trong quá trình dài nghiên cứu, giảng dạy. Thành quả này có dấu ấn của nhiều thầy cô, đồng nghiệp, học trò ở Khoa Kỹ thuật y sinh”, TS. Thanh Hương chia sẻ.
Trước đó, TS. Thanh Hương là một trong 3 nhà khoa học nữ được vinh danh Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 (L’Oréal-UNESCO For Women in Science Awards) với các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng, như “Hệ thống đo điện não từ xa tích hợp điều khiển tự động kích thích siêu âm”; “Xây dựng mô hình học máy để ước tính mức độ căng thẳng của mỗi học sinh”.
Năm 2020, TS. Thanh Hương là một trong 15 nhà nghiên cứu trẻ trên toàn thế giới được trao tặng Giải thưởng sự nghiệp trẻ (Early Career Award) của Tổ chức Nghiên cứu não quốc tế (International Brain Research Organization) có trụ sở tại Pháp. Đây là lần đầu tiên, một nữ tiến sĩ tại Việt Nam được nhận giải thưởng này.
“Một số người hỏi tôi, một phụ nữ bình thường, nhưng vì sao lại có thể theo đuổi nghiên cứu với khó khăn muôn trùng như vậy? Thực sự, đúng là nghiên cứu rất khó, viết báo cũng ‘khoai’, xin quỹ tài trợ nghiên cứu khó khăn, tìm kiếm đối tác từ phía lâm sàng cũng rất vất vả… Nhưng bù lại, mỗi lần được nhìn thấy ánh mắt sáng rực của các em sinh viên, thấy các em ngày một trưởng thành hơn, theo đuổi được ước mơ du học của mình, hay khi hay tin bệnh nhân dùng sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi tại Bệnh viện Quân y 175 có tiến triển tốt…, thì tôi cảm thấy mọi thử thách đều xứng đáng”, TS. Thanh Hương chia sẻ.
-
Gánh nặng bệnh lý gan tại Việt Nam và khuyến cáo của chuyên gia y tế hàng đầu -
Hà Nội phấn đấu 100% các trường học có phòng y tế riêng -
Tưởng trầm cảm sau sinh, đi khám phát hiện u não -
Tin mới y tế ngày 23/11: Phát triển dược liệu cho đồng bào dân tộc thiểu số -
Ngành Dược từ năm 2025: Bước chuyển mình toàn diện với Luật Dược sửa đổi -
Kháng thuốc đang là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu -
Nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim do tập luyện thể thao cường độ cao
-
1 Xử lý dự án bất động sản gặp khó: Làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm” -
2 Lợi nhuận giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp gấp rút xin đổi kế hoạch năm -
3 Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường -
4 Tập đoàn Luxshare đầu tư thêm 2 dự án tại Nghệ An -
5 Đất đấu giá vùng ven Hà Nội dần “hạ nhiệt”
- Vietnam Airlines Group thuê thêm 4 máy bay phục vụ Tết Ất Tỵ 2025
- Sandoz triển khai chương trình cộng đồng phòng chống đề kháng kháng sinh tại Việt Nam
- Thu thập sinh trắc học trên Agribank Plus - Cơ hội rinh iPhone 16 và nhiều quà hấp dẫn
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị