Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Nửa năm, doanh số tiêu thụ của Thực phẩm Sao Ta đạt 99,1 triệu USD
Hồng Phúc - 02/07/2021 16:29
 
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm 2021 với doanh số tiêu thụ đạt 99,1 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, lượng tôm đông lạnh thành phẩm được sản xuất (bao gồm cả Sao Ta và công ty thành viên Khang An) đạt hơn 9.780 tấn (tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2020); lượng tôm được tiêu thụ là trên 8.880 tấn (27,9% so cùng kỳ năm 2020).

Doanh số tiêu thụ chung của Sao Ta trong nửa đầu năm nay đạt 99,1 triệu USD, tăng 29% so cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động kinh doanh tôm của doanh nghiệp này tăng trưởng tốt (29%), hơn hẳn tốc độ chung của ngành (khoảng 15%).

Lĩnh vực nông sản tuy tiêu thụ tốt, một phần từ thành phẩm còn tồn cuối năm 2020.

Khách hàng mảng này chủ yếu lĩnh vực dịch vụ ở Nhật Bản, đang hạn chế do Covid-19 khiến nhiều nhà hàng chưa trở lại bình thường, nhưng có tăng trưởng tiêu thụ so năm 2020 được đánh giá là tín hiệu tốt.

Ban lãnh đạo Công ty cho biết lĩnh vực nuôi tôm là thành quả tốt nhất của công ty ở giai đoạn này và mức lợi nhuận trong nửa đầu năm nay sẽ tốt hơn cùng kỳ năm 2020. 

Theo một báo cáo công bố vào giữa tháng 6/2021, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, Sao Ta là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đứng thứ 3 tại Việt Nam với diện tích vùng nuôi cũng như hệ thống nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam. 

Thị trường Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản chiếm hơn 80% doanh thu xuất khẩu năm 2020. 

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ 01/08/2020, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cho các doanh nghiệp sang thị trường châu Âu. 

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã công bố mức thuế chính thức cho Sao Ta trong lần rà soát hành chính (POR) lần thứ 16 là 0%. Đây là cơ hội để Sao Ta có thể tiếp tục phát triển tại hai thị trường quan trọng nêu trên. 

.
Người lao động làm việc trong nhà máy chế biến tôm của Sao Ta (Nguồn: Sao Ta).

Doanh nghiệp này đã mở rộng vùng nuôi lên 270 ha trong năm 2020 và tiếp tục mở rộng thêm 100 ha trong năm nay để nâng tỷ lệ tự chủ vùng nguyên liệu đạt mức 30% tính đến cuối năm. 

Bên cạnh nhà máy có công suất hiện tại đạt 30.000 tấn/năm, Sao Ta đang đầu tư xây dựng 2 nhà máy mới là nhà máy thủy sản Sao Ta với công suất 15.000 tấn/năm và nhà máy chế biến tôm Tam An công suất 5.000 tấn/năm. 

Hai nhà máy này được hoàn thành trong năm 2022, để nâng tổng công suất tăng gần 70% so với hiện tại, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, doanh nhân Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết, việc thực hiện 5K ít nhiều làm giảm năng suất và tăng nhẹ chi phí. Tuy nhiên, tác động lớn nhất đến tình hình xuất khẩu của cả ngành nói chung là cước tàu quốc tế.

“Giá cước đi EU từ 1.700 lên 8.000-10.000 USD, đi Hoa Kỳ từ 5.000 lên 10.000 USD ( bờ đông)”, ông Lực cho biết.

Thách thức với doanh nghiệp trong ngành nuôi trồng, chế biến thuỷ sản nói chung là diễn biến Covid-19 phức tạp và khó lường.

Cùng với đó, chi phí đầu vào cho nuôi và chế biến tăng cao; tình trạng thiếu container rỗng và cước tàu vận chuyển quốc tế còn tăng nóng và thời gian thông quan nước nhập khẩu cũng lâu hơn trước khi đại dịch xảy ra (từ 1-2 tuần tuỳ thời điểm, tuỳ cảng, tuỳ nước).

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/7, cổ phiếu FMC tăng 1,4% lên 37.300 đồng/cổ phiếu.

Xuất khẩu thuỷ sản nửa đầu năm 2021 đạt hơn 4,1 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt hơn 4,1 tỷ USD. Mục tiêu đạt từ 8,8-9 tỷ USD trong cả năm được cho là con...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư