Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Núi việc đang chờ Chính phủ và doanh nghiệp
Khánh An - 02/08/2017 08:02
 
Không một văn bản nào được ký kết tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017, nhưng công việc chắc chắn sẽ dày đặc hơn trong lịch làm việc của cả Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân.

Cùng đòi hỏi

Tỷ lệ đóng góp 50% trong GDP của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay mà ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT đại diện cho VPSF 2017 cam kết đã không được Thủ tướng Chính phủ đồng tình.

“Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động thì doanh nghiệp (DN) tư nhân cũng phải hành động, phải bỏ cách làm ăn kiểu cũ - rập khuôn, thiếu chuẩn mực, phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, bằng lòng. Chính phủ yêu cầu khu vực kinh tế tư nhân phải tăng tỷ lệ đóng góp trong GDP, không phải là 50%, mà phải là 60%”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước hơn 1.000 đại biểu dự VPSF 2017.

Các cam kết của Thủ tướng Chính phủ, động thái của các cơ quan Chính phủ tại Diễn đàn VPSF 2017 đã tác động không nhỏ tới nhiều doanh nhân. Ảnh: Chí Cường
Các cam kết của Thủ tướng Chính phủ, động thái của các cơ quan Chính phủ tại Diễn đàn VPSF 2017 đã tác động không nhỏ tới nhiều doanh nhân. Ảnh: Chí Cường

So với tỷ lệ đóng góp bình quân trong 5 năm qua là 43%, thì để đạt được con số trên là không đơn giản.

Trước khi đưa ra cam kết tăng mức đóng góp trong GDP, nghĩa là phải đạt được tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân là 15%, thay vì 7,54% như trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, ông Bình và các DN tham gia VPSF đã không ngần ngại chỉ ra hàng loạt rào cản đang ghìm chân họ trong nỗ lực tăng trưởng mạnh hơn.

Ông Bình nhắc tới tiến độ thực hiện cam kết của Việt Nam trong Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại còn rất chậm.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Vina Capital thì đặt dấu hỏi về niềm tin kinh doanh khi vẫn có những dòng tiền được chuyển ra ngoài để mua nhà.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình cho rằng, chi phí hoạt động của DN quá cao, như chi phí các loại cho người lao động lên tới 34% tổng chi phí, chi phí logistics cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực... nên rất khó cạnh tranh.

“Chúng tôi đã chọn kinh doanh là sự nghiệp của mình và buộc phải hành động để kinh doanh hiệu quả, vì không còn con đường nào khác. Nhưng để đi xa hơn, đóng góp nhiều hơn, chúng tôi cần các chính sách đúng và thực thi chính sách có hiệu quả”, ông Tiền thẳng thắn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nhìn thấy phần việc nặng hơn trong chính bộ máy Chính phủ tới đây khi đặt yêu cầu trên.

“Sự phát triển của kinh tế tư nhân đòi hỏi nỗ lực phối hợp hành động có trách nhiệm của các tác nhân liên quan. Chính phủ cam kết cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, an toàn, thân thiện, đảm bảo DN đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp thuận lợi”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cam kết.

Việc cũng được giao cho các bộ, ngành ngay tại VPSF 2017. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe và đối thoại định kỳ với DN, giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn.

“Chúng ta sẽ phải luôn đồng hành với DN, xem những khó khăn của DN là khó khăn của bộ, ngành mình. Phải có cả tâm lẫn tài. Tâm thôi không đủ, phải nâng cao năng lực quản lý để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi của kinh tế tư nhân”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Sức ép từ niềm tin

Phải thẳng thắn, những cuộc khảo sát ngắn ngay tại VPSF 2017 đã tạo sức ép không nhỏ lên chính các cơ quan Chính phủ.

Theo kết quả khảo sát DN có mặt tại VPSF, 48% DN cho rằng, trên 50% kiến nghị của họ sẽ được Chính phủ giải quyết; 38% DN nhận định, tăng trưởng GDP năm 2017 có thể đạt 6,5 - 6,7%; 52% DN tin vào con số 1 triệu DN Việt Nam vào năm 2020. Đặc biệt, 65% DN đã chọn “hành động” khi được hỏi về mong muốn ưu tiên nào trong Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.

So với kết quả Chỉ số niềm tin doanh nhân (CEO.CI) năm 2017, cũng do VPSF thực hiện khảo sát ngay trước thềm VPSF 2017, các chỉ số đều có vẻ nhích hơn.

“Các cam kết của Thủ tướng Chính phủ, các động thái của các cơ quan Chính phủ tại Diễn đàn đã tác động không nhỏ tới nhiều doanh nhân. Nhiều người đã thay đổi nhận định của mình ngay tại Diễn đàn”, ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

lý giải.

Nhưng, ông Vương cũng thừa nhận, các DN tư nhân rất... “thực dụng”. “Chúng tôi thực hiện khảo sát trước sự chứng kiến của Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành, địa phương, để chuyển tải thông điệp rằng, niềm tin này chỉ có thể duy trì khi các cam kết được thực hiện đúng”, ông Vương nói.

Điều này có nghĩa, hàng loạt đầu việc mà VPSF 2017 đã liệt kê, gửi các bộ, ngành liên quan đến nhóm ngành kinh tế số, nông nghiệp và du lịch sẽ tiếp tục được đeo bám.

Đó là việc thực thi Nghị quyết 36a/NQ-CP (năm 2015) về Chính phủ điện tử; các đề xuất về tăng cường vốn ngân sách trong ứng dụng công nghệ thông tin. Đó là đề xuất giải pháp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, lấy DN làm trung tâm; thay đổi chính sách thương mại cho nông nghiệp theo hướng thị trường. Đó là xem xét lại chính sách thị thực, các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia...

Cũng phải nói thêm, các đề xuất trên đã được các nhóm công tác của VPSF làm việc suốt 1 năm qua, kể từ tháng 6/2016, khi VPSF lần thứ nhất chính thức khởi động. Các nhóm công tác này có thể sẽ còn phải tiếp tục nhóm họp nhiều hơn trong thời gian tới.

“DN phải đảm bảo năng lực cạnh tranh, làm việc được với DN nước ngoài. Chúng tôi mong muốn các bộ, ngành giảm tối đa thủ tục, nếu cần đặt điều kiện thì phải rõ ràng, minh bạch, cụ thể, thực hiện ngay, tránh làm mất thời gian và công sức của DN. Chúng tôi cũng mong các cam kết sửa đổi quy định phải thực hiện ngay trong năm 2017”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I đề xuất.

Ý kiến - Nhận định

Các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hoàn tất trong tháng 10/2017

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Việc miễn thuế cho các DN tổ chức không gian làm việc chung và các quỹ mạo hiểm khởi nghiệp đều có trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo 4 dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nhỏ và vừa, trong đó có hướng dẫn liên quan đến quỹ đầu tư khởi nghiệp, sẽ lấy ý kiến cộng đồng DN để hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10/2017, để kịp ban hành ngay trong năm nay.

Liên quan đề nghị thí điểm trước thời điểm hiệu lực của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân tôi ủng hộ.

Sẽ có 400 - 500 tỷ đồng/năm để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Các DN đã nêu trúng và đúng các điểm nghẽn của du lịch Việt Nam phải đối mặt, chúng tôi đồng tình với các ý kiến của DN. Về chính sách thị thực, đã đề xuất gia hạn tiếp cho khách đến từ khu vực Tây Âu, thí điểm cấp visa điện tử, song các giải pháp này là chưa đủ so với thế giới.

Trong năm 2017, Quỹ Phát triển du lịch sẽ ra đời, dự kiến có nguồn vốn 400 - 500 tỷ đồng/năm. Chúng ta sẽ có nguồn kinh phí quan trọng để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch một cách tập trung, bài bản.

Cần có cơ quan quảng bá du lịch tầm quốc gia

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh

Chính phủ cần giải ngân ngay quỹ 200 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến du lịch năm 2017. Thành lập Hội đồng Quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý và vận hành quỹ trên nền tảng công - tư. Hội đồng này sẽ điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, địa phương có điểm đến du lịch trong việc quảng bá.

Sẽ điều chỉnh Nghị quyết 36a, song chưa thể xóa bỏ phí viễn thông công ích

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Nghị quyết 36a cần được chỉnh sửa theo tinh thần kinh tế tư nhân có quyền tham gia nhiều hơn vào các công việc của Nhà nước. Tôi khẳng định điều này.

Nhưng chưa thể xóa bỏ phí viễn thông công ích bởi vì nguồn kinh phí đó để Nhà nước xây dựng hạ tầng viễn thông ở những vùng sâu, vùng xa, giúp giảm bớt, dần xoá bỏ khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, có thể sẽ điều chỉnh giảm từ 1,5% xuống 0,7% doanh thu.

Cần sự bình đẳng trong tiếp cận các quy định về viễn thông

- Ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Nhóm công tác kinh tế số (VPSF), Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc FPT

Cần sự bình đẳng trong tiếp cận các quy định về viễn thông cho DN tư nhân. Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử có nội dung, theo chúng tôi, chưa bình đẳng với DN tư nhân. Đó là quy định Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các DN công nghệ thông tin lớn, có giải pháp huy động, tập hợp các DN công nghệ thông tin vừa và nhỏ tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin để phục vụ quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới DN, người dân.

Ngoài ra, DN viễn thông đang phải gánh 2 loại phí là phí dịch vụ viễn thông công ích (1,5% doanh thu) và phí thương quyền (0,5% doanh thu). Mức này quá sức với DN, đề nghị bỏ phí dịch vụ viễn thông công ích.

Đề nghị cho phép quỹ đầu tư khởi nghiệp thực hiện thí điểm

- Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Nhưng trong thời gian này, đề nghị cho phép quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực hiện thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Lý do là, các quỹ này đang phải hoạt động theo Luật Chứng khoán, nên có nhiều quy định không phù hợp, khiến các quỹ khó hoạt động.

VPSF 2017: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 60% GDP
Nhắc lại câu nói của người xưa rằng “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu kinh tế tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư