Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Nước Thủ Dầu Một và Biwase: Cá bé nuốt cá lớn hay cuộc chơi đổi vận?
Duy Bắc - 19/05/2022 11:06
 
Sau khi biến Biwase từ "mẹ thành con", Nước Thủ Dầu Một mở rộng tham vọng sở hữu các công ty trong ngành cấp nước.

Nước Thủ Dầu Một lớn nhanh nhờ Biwase

Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (mã TDM – sàn HOSE) được thành lập năm 2013 với ngành nghề chính là kinh doanh nước sạch, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. 

4 cổ đông sáng lập của Công ty là gồm Công ty TNHH một thành viên cấp nước – Môi trường Bình Dương (Hiện tại là Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương - Biwase, mã BWE – sàn HOSE), Công ty TNHH Thương mại N.T.P, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật D&B và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh Phúc với cam kết nắm giữ tối thiểu 3 năm sau khi thành lập.

Được biết, khi thành lập Nước Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Thiền là Chủ tịch HĐQT Nước Thủ Dầu Một, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Biwase.

Tính tới 12/1/2016, cơ cấu cổ đông của Nước Thủ Dầu Một gồm 4 cổ đông lớn là Biwase  sở hữu 26% vốn điều lệ, Công ty N.T.P sở hữu 15%; Công ty D&B sở hữu 15%; Công ty Quỳnh Phúc sở hữu 22% và còn lại 22% vốn điều lệ thuộc nhóm cổ đông khác.

Cuối năm 2014, sau hơn 1 năm thành lập, Nước Thủ Dầu Một đã hoàn tất xây dựng Nhà máy cấp nước Nam Thủ Dầu Một mở rộng công suất 45.000 m3/ngày đêm để nâng tổng công suất lên khoảng 100.000 m3/ngày đêm. Ngoài ra, Nước Thủ Dầu Một cũng đang triển khai thực hiện dự án đầu tư Nhà Máy Nước Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của Nước Thủ Dầu Một phải nói là rất thuận lợi với việc ký hợp đồng cung cấp nước sạch qua đồng hồ tổng cho khách hàng duy nhất là Biwase, nên đầu ra và giá bán ổn định, được cổ đông sáng lập là Biwase bao tiêu sản phẩm đầu ra của các nhà máy.

Sơ sánh kết quả kinh doanh của TDM và BWE (Nguồn: BCTC).
Sơ sánh kết quả kinh doanh của  Nước Thủ Dầu Một và BWE (Nguồn: BCTC).

Thêm nữa, Nước Thủ Dầu Một là doanh nghiệp có mức biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao hơn so với cổ đông sáng lập là Biwase. Trong giai đoạn mới thành lập, doanh thu Công ty liên tục tăng trưởng mạnh, năm 2014 chỉ 19,3 tỷ đồng thì tới năm 2018 đã là 286,2 tỷ đồng, gấp 14,8 lần thời điểm thành lập.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận gộp của Nước Thủ Dầu Một cũng cao hơn nhiều so với Biwase.

Cá bé nuốt cá lớn

Không chỉ ưu ái trong kinh doanh, câu chuyện Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông chiến lược khi Biwase cổ phần hóa năm 2016 đã khiến mối quan hệ này được quan tâm đặc biệt.

Bởi Biwase trước đó là cổ đông sáng lập Nước Thủ Dầu Một. Nhưng trước khi cổ phần hóa, Biwase đã thoái vốn khỏi Nước Thủ Dầu Một, điều này giúp Nước Thủ Dầu Một thỏa mãn điều kiện trở thành cổ đông chiến lược theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP.

Mặc dù IPO Biwase thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, nhưng Nước Thủ Dầu Một chỉ phải trả một cái giá thấp hơn 7,3% so với giá đấu IPO (giá IPO trung bình là 14.277 đồng/cổ phiếu) để trở thành cổ đông chiến lược của Biwase.

Sau cổ phần hóa (năm 2016), tính tới 8/6/2017, cơ cấu cổ đông của Biwase có sự thay đổi khi Becamex (mã BCM) sở hữu 51% vốn điều lệ, Nước Thủ Dầu Một sở hữu 35% vốn điều lệ và còn lại 14% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Như vậy, trước khi Biwase cổ phần hóa , đơn vị này sở hữu 26% vốn điều lệ tại Nước Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, Nước Thủ Dầu Một lại sở hữu 35% vốn điều lệ tại Biwase và trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Biwase.

Có thể thấy, so với thời điểm Biwase hoàn tất cổ phần hóa đến ngày 31/3/2022, cơ cấu cổ đông của Biwase thay đổi khá lớn. Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông lớn nhất sở hữu 37,42% vốn điều lệ; Becamex chỉ còn sở hữu 19,44% vốn điều lệ; Ecorbit Co., Ltd sở hữu 6,22% vốn điều lệ và còn lại 36,92% thuộc về nhóm cổ đông khác.

Như vậy, mặc dù chỉ mới thành lập năm 2013, từ là công ty được góp vốn bởi Biwase,  Nước Thủ Dầu Một đã từng bước quay trở lại thâu tóm và trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty từng là cổ đông sáng lập nên mình.

Điểm đáng lưu ý, thời điểm IPO năm 2016, Biwase quản lý vận hành các hệ thống cấp nước và nhà máy nước với tổng công suất 200.000 m3/ngày đêm; tổng lượng rác tiếp nhận và xử lý năm 2016 là 618.270 tấn, trung bình 1.693 tấn/năm và vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, tổng tài sản là 8.724,8 tỷ đồng.

Thời điểm đó, Nước Thủ Dầu Một sở hữu 130.000 m3/ngày đêm (tháng 2/2017), vốn điều lệ 347,8 tỷ đồng, tổng tài sản là 1.445 tỷ đồng.

Như vậy, thời điểm Nước Thủ Dầu Một trở thành cổ đông chiến lược, Biwase có vốn điều lệ gấp 4,3 lần; tổng tài sản gấp 6 lần và công suất nhà máy nước gấp 1,5 lần (chưa bao gồm công suất xử lý rác thải) so với Nước Thủ Dầu Một.

Rõ ràng so về công suất các nhà máy, quy mô vốn điều lệ và tài sản thì Nước Thủ Dầu Một cũng nhỏ hơn nhiều lần so với Biwase. Tuy nhiên, Nước Thủ Dầu Một đã trở thành cổ đông chiến lược và hiện tại đã trở thành cổ đông lớn nhất.

Không chỉ dừng tại Biwase. Nước Thủ Dầu Một đang tiếp tục sở hữu và có tham vọng đầu tư vào nhiều công ty cấp nước.

Cũng theo thông tin tại báo cáo tài chính của Công ty tính tới ngày 31/3/202, Nước Thủ Dầu Một sở hữu 25% vốn tại Công ty cổ phần Tư vấn cấp thoát nước & môi trường; 20% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cấp nước Gia Tân; 12,06% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai; 37,4% vốn điều lệ tại Biwase.

Bên cạnh đó, tính tới cuối quý I/2022, Biwase lại đang sở hữu 17,7% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cấp nước Đồng Nai; 4% vốn tại Tổng công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương …

Như vậy, bằng việc trở thành cổ đông lớn nhất của Biwase, Nước Thủ Dầu Một cũng sẽ gián tiếp sở hữu thêm vốn tại Cấp nước Đồng Nai.

Được biết, hiện tại ông Nguyễn Văn Thiền vẫn đang là Chủ tịch HĐQT tại Biwase.

Không có cổ tức từ BWE, Nước Thủ Dầu Một giảm 65,5% lãi quý 1
Doanh thu tài chính quý I/2022 cuả Công ty cổ phần nước Thủ Dầu Một chỉ vỏn vẹn 0,29 tỷ đồng, giảm mạnh so với 86,83 tỷ đồng cùng kỳ, kéo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư