Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Ô tô điện chạy khắp đường Việt: Ước ao có xa vời?
T.A - 04/08/2017 14:27
 
Một số doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu xe ô tô điện về Việt Nam để bắt kịp xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa kế hoạch này không dễ.
Mẫu xe hybrid Prius của Toyota trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2017
Mẫu xe hybrid Prius của Toyota trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2017

Nhiều dự định

Mới đây, ông Osamu Masuko, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Mitsubishi Motors, đã bày tỏ ý định phát triển ô tô điện tại Việt Nam.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7 vừa qua, ông Osamu Masuko cho rằng, sản phẩm này phù hợp với thị trường Việt Nam, với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh đến Việt Nam - thị trường hơn 93 triệu dân, có môi trường đầu tư hấp dẫn, ông Osamu Masuko cũng cho hay, Mitsubishi Motors muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam cùng với thị trường ASEAN. Hiện Liên minh Hợp tác Nissan - Mitsubishi đang có kế hoạch lựa chọn địa điểm đặt nhà máy tại Việt Nam.

Mitsubishi Motors là một trong các tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực xe điện và dẫn đầu trong công nghệ hybrid (xe lai xăng - điện), Mitsubishi Motors luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nhiệm và kiến thức để thực hiện các giải pháp cho những dòng xe thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Không chỉ có Mitsubishi Motors bày tỏ kế hoạch sản xuất ô tô điện tại Việt Nam, Tập đoàn Dimora Enterprises, LLC (Mỹ) mới đây cũng ký bản ghi nhớ với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên ở Việt Nam trong một kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp taxi Mai Linh.

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án này sẽ khoảng 500 triệu USD. Nhà máy dự kiến xây dựng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất ban đầu 10.000 xe/năm, giai đoạn tiếp theo có thể tăng lên 50.000 xe/năm, chủ yếu là các dòng xe điện 5 - 7 chỗ ngồi.

Trong khi đó, một tên tuổi lớn trong nước mới tham gia lĩnh vực ô tô dường như cũng đang có kế hoạch đầu tư vào xe điện. Mặc dù chưa nhiều thông tin được tiết lộ, nhưng vài động thái mới đây gắn với xe điện, xe xanh, xe tự hành… cũng cho thấy hướng nhìn nhất định của “ông lớn” này.

Bao giờ trở thành hiện thực?

Khác với xe ô tô chạy bằng động cơ truyền thống, muốn phát triển ô tô điện mạnh mẽ, đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng kèm theo và các chi phí này không hề nhỏ.

Đơn cử tại Nhật Bản, năm 2013, các “ông lớn” ngành ô tô của nước này gồm Toyota, Nissan, Honda và Mitsubishi đã thỏa thuận xây dựng những trạm sạc điện dùng chung cho xe chạy điện các loại (PHVs, PHEVs, Evs) của các nhà sản xuất nói trên cùng với mạng tính phí cung cấp tiện ích cho người lái xe.

Thời điểm đó, Nhật Bản có 1.700 bộ sạc nhanh cùng 3.000 bộ sạc bình thường, song con số này không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bởi vậy, Chính phủ Nhật Bản đã công bố gói tài trợ cho việc lắp đặt phát triển kết cấu hạ tầng và sử dụng xe điện lên đến 1 tỷ USD. Các địa điểm ưu tiên xây dựng các trạm sạc sẽ tập trung ở trung tâm thương mại, các địa điểm có nhiều du khách, đường cao tốc, cơ sở lưu trú, các cửa hàng và trạm xăng.

Tới năm 2016, theo khảo sát của Nissan, cả nước Nhật Bản đã có 6.469 điểm sạc nhanh, cao hơn hẳn so với 3.028 điểm ở châu Âu và 1.686 điểm ở Mỹ. Tính chung, cùng các điểm sạc cấp độ thấp hơn khác, tổng số điểm sạc điện tại Nhật Bản đã vượt quá còn số 40.000, vượt xa so với 35.000 trạm xăng cùng thời điểm.

Tại Việt Nam, ngày 8/4/2016, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng bán 100 ô tô điện mang thương hiệu Renault cho Tập đoàn Mai Linh với kế hoạch, chiếc xe đầu tiên sẽ có mặt vào tháng 6/2016, mở màn cho cuộc “thay máu” dự kiến từ 10.000 đến 20.000 xe taxi trong tương lai.

Tuy nhiên, tới nay, tất cả vẫn mới dừng lại ở kế hoạch và Mai Linh hiện lại có đối tác mới là Dimora Enterprises.

Toyota Việt Nam, doanh nghiệp bán xe lớn nhất ở Việt Nam hiện mới xem xét việc đưa xe hybrid tới Việt Nam. Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam nhấn mạnh, để bảo tồn năng lượng, giảm phát thải khí CO2, các mẫu xe hybrid là giải pháp tốt nhất với nhiều lợi ích phù hợp với tình hình hiện tại ở Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe điện và xe hybrid hiện diện tại Việt Nam còn rất hạn chế, với 1.299 chiếc xe hybrid được nhập khẩu từ năm 2010 trở lại đây. Với xe điện, con số này còn quá ít, với 7 chiếc.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, Chính phủ Việt Nam dù đã bắt kịp xu hướng “xanh hóa” và ban hành chính sách thuế ưu đãi dành cho dòng xe hybrid, nhưng việc thực hiện chính sách đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do trở ngại về cách định nghĩa và cách hiểu thế nào là xe chạy xăng kết hợp năng lượng điện.

“Tôi cho rằng, cách diễn giải Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe xanh ở Việt Nam hiện nay là hơi ‘máy móc’, ví dụ như việc truy xuất nguồn điện đấy là từ đâu? Ai cũng hiểu bản chất của việc khuyến khích sử dụng xe xanh là để ứng phó với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Nếu đưa ra vấn đề ‘điện chỉ từ điện’ và theo logic của cách diễn giải luật như trên thì cũng phải lật lại là nguồn điện đấy từ đâu ra? Bây giờ ở Việt Nam chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện, máy phát điện thì chạy bằng dầu diesel hoặc chạy bằng xăng… Những thứ đó tác động đến môi trường thế nào thì chúng ta đều biết rõ”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định.

Bởi vậy, theo ông Vũ Đình Ánh, chính sách khuyến khích của Chính phủ cần có tầm “nhìn xa, trông rộng”, cần phải triển khai ngay, đặt trong bối cảnh lượng xe ô tô chưa quá nhiều tại Việt Nam hiện nay. “Đây là cách tiếp cận ‘đi tắt, đón đầu’, đỡ lãng phí chi phí chuyển đổi và nguồn lực xã hội”, ông Ánh nói.

Ô tô điện 2 chỗ ngồi có được phép lưu thông tự do?
“Hiện nay loại xe điện 4 bánh chở người chỉ được hoạt động trong phạm vi, tuyến đường và thời gian nhất định, không được phép tham gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư