Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 10 tháng 08 năm 2024,
“Ông chủ” các Trung tâm Đăng kiểm xin mức án thấp nhất cho nhân viên
Việt Dũng - 10/08/2024 14:16
 
Bị cáo Trần Lập Nghĩa (ông chủ nhiều Trung tâm Đăng kiểm) đề nghị tính đúng và đủ những khoản thu lợi bất chính của bản thân. Đồng thời mong toà xem xét mức án thấp nhất cho nhân viên.

Từ ngày 18/7 đến nay, Tòa án nhân dân TP. HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm đăng kiểm và chi cục Đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước về 11 tội danh đối  với 254 bị cáo đã thực hiện các hành vi phạm tội.

Sau phần công bố luận tội của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (Viện Kiểm sát) vào sáng ngày 5/8, các luật sư của nhóm các bị cáo đã trình bày bào chữa cho các bị cáo, các bị cáo trình bày bào chữa bổ sung và phần trình bày của đại diện tổ chức, cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia phiên tòa.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Lê Toàn)
Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Lê Toàn)


Trong phần bào chữa của các luật sư và bào chữa bổ sung của các bị cáo, ngoại trừ bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) và luật sư bào chữa cho bị cáo Hình cho rằng bị cáo không phạm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn lại, các luật sư và các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận diễn biến hành vi của các bị cáo mà Viện kiểm sát nêu ở Cáo trạng, luận tội với các bị cáo là đúng.

Trong đó, bị cáo Trần Lập Nghĩa (chủ đầu tư của các Trung tâm Đăng kiểm 62-03D tại tỉnh Long An, 71-02D tại tỉnh Bến Tre, 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng; Trung tâm 84-02D tại tỉnh Trà Vinh và 66-02D tại tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ mong muốn vụ án sớm kết thúc để đi thi hành án. Đồng thời, bị cáo cũng đề nghị Hội đồng xét xử tính đúng, tính đủ khoản thu lợi bất chính của bản thân; xin mức án thấp nhất cho nhân viên của bị cáo.

Theo Viện Kiểm sát, Nghĩa là người chỉ đạo, điều hành toàn bộ Ban Giám đốc, Đăng kiểm viên và nhân viên tại các Trung tâm. Là người hưởng lợi toàn bộ lợi nhuận từ các Trung tâm và thụ hưởng toàn bộ số tiền do phạm tội mà có. Các bị cáo còn lại chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện công việc theo chỉ đạo, không được hưởng lợi ích gì từ các hành vi phạm tội của mình. 

Kết quả điều tra, đặc biệt là kết quả thẩm vấn trực tiếp tại tòa Viện Kiểm sát nhận thấy tất cả các bị cáo đều khai báo thành khẩn, thừa nhận toàn bộ diễn biến hành vi, số liệu mà Cáo trạng đã truy tố. Từ đó, Viện Kiểm sát có đủ căn cứ xác định Trần Lập Nghĩa phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi “Nhận hối lộ” số tiền 1,6 tỷ đồng, hành vi “Giả mạo trong công tác” đối với 975 chữ ký giả Đăng kiểm viên và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” để điều chỉnh kết quả của 678 phương tiện đăng kiểm tại Trung tâm 71-02D.

Tổng số tiền Trần Lập Nghĩa đã hưởng lợi từ các hành vi trái pháp luật tại các Trung tâm 62-03D, 71-02D và 83-02D là 14,7 tỷ đồng.

sdfsdfds
Bị cáo Trần Lập Nghĩa bị Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị mức án từ 28-30 năm tù cho 3 tội danh.


Bào chữa cho bị cáo Nghĩa, luật sư thống nhất tội danh, khung hình phạt và trình bày một số tình tiết giảm nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.

Đáng chú ý, luật sư cũng thông tin thêm, ngoài vụ án mà Tòa án nhân dân TP.HCM đang xét xử, bị cáo Nghĩa bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 29 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác” vào ngày 3/5 vừa qua. Luật sư cũng cho biết, dù là chủ các trung tâm đăng kiểm nhưng ông Nghĩa còn nợ 200-300 tỷ đồng.

Tự bào chữa cho mình, bị cáo Trần Lập Nghĩa cũng thống nhất 3 tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố. Tuy nhiên, bị cáo đề nghị xem xét lại số tiền thu lợi bất chính, vì phải trừ đi nhiều chi phí khác, chứng cứ là số liệu trên hệ thống Cục đăng kiểm. 

Đối với tội giả mạo trong công tác, bị cáo Nghĩa cho rằng, cơ quan điều tra chỉ hỏi bị cáo 2 câu hỏi, nên bị cáo không có cơ hội trình bày thêm nhiều vấn đề. Hiện bị cáo đã bị mức án rất cao do Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đối đáp lại với quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bản chất của việc Trần Lập Nghĩa thực hiện hành vi phạm tội là nhằm mục đích thu lợi bất chính. Làm bất kỳ hành động sai trái nào để hưởng lợi. Mỗi hành vi cụ thể cấu thành 1 tội danh độc lập. 

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên tòa
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên tòa.


Theo Viện Kiểm sát, trong vụ án này, khi thực hiện hành vi Giả mạo đăng kiểm viên, hoặc xâm nhập phần mềm của Cục Đăng kiểm cũng chỉ vì lợi nhuận. Nhóm Trung tâm Đăng kiểm ở miền tây do Trần Lập Nghĩa làm chủ, là các trung tâm đầu tiên bị cơ quan điều tra tiến hành điều tra, làm rõ. Việc xác định số liệu ở các trung tâm này được tổng hợp hoàn toàn từ số liệu cụ thể…

Các luật sư cũng đối đáp lại với quan điểm trên nhưng ViệnKiểm sát bảo lưu quan điểm. Nếu có thay đổi về đề nghị mức hình phạt sẽ đề nghị lại sau khi kết thúc phần tranh luận.

Tranh luận bổ sung, bị cáo Trần Lập Nghĩa bày tỏ mong muốn vụ án nhanh kết thúc để bị cáo đi thi hành án. Bị cáo đề nghị những khoản thu lợi bất chính của bị cáo được tính đúng và tính đủ. Đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét mức án thấp cho nhân viên của bị cáo.

Trước đó, bị cáo Trần Lập Nghĩa bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 28-30 năm tù cho 3 tội danh gồm: nhận hối lộ, giả mạo trong công tác và xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Các bị cáo đồng phạm bị đề nghị từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 27 năm tù.

Ngoài vụ án mà tòa đang xét xử, bị cáo Trần Lập Nghĩa còn bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt mức án 29 năm tù cho 2 tội danh “Nhận hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”. Sau khi Tòa tuyên án, ông Nghĩa làm đơn kháng cáo, tuy nhiên ông cũng đã rút đơn kháng cáo này.

Ở vụ án này, ông Nghĩa bị cáo buộc là chủ đầu tư, quản lý điều hành Trung tâm 66-02D (tại Đồng Tháp) và có chủ trương cho các nhân viên trung tâm thu tiền phụ thu để bỏ qua lỗi của xe đến đăng kiểm. Tùy mức độ lỗi xe đến đăng kiểm mà Nghĩa và nhóm nhân viên của Nghĩa ra giá phụ thu từ 200 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/xe. Hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Nghĩa và đồng phạm đã nhận tiền phụ thu của 5.202 xe không đạt chuẩn, với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát đối đáp phần bào chữa của cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, nội dung mà Viện Kiểm sát truy tố đối với bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư