Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Ông chủ nhà băng rời ghế, sở hữu chéo ngân hàng vào giai đoạn "quá độ"
Hà Tâm - 14/05/2018 11:12
 
Các cặp ngân hàng sở hữu chéo hầu như không còn, hàng loạt ông chủ nhà băng đã phải rời ghế chủ tịch HĐQT ngân hàng hoặc công ty con. Dù vậy, theo nhận định của một số chuyên gia, sở hữu chéo chỉ “lặn”, chứ chưa hẳn đã giảm.

Giảm bề mặt, lặn bề sâu

Một loạt chủ tịch HĐQT ngân hàng đã rời ghế nóng từ đầu năm đến nay. Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch SeABank suốt 11 năm - đã “nhường” lại vị trí này cho Tổng giám đốc Lê Văn Tần. Bà Lê Thu Thủy (con bà Nga) thay vị trí ông Tần, giữ quyền Tổng giám đốc SeABank. Tuy rời ghế Chủ tịch, song bà Nga vẫn là thành viên HĐQT SeABank.

.
Sở hữu chéo vẫn chưa thể triệt tiêu hoàn toàn và có thể sẽ tiếp tục kéo dài ở giai đoạn “quá độ” hiện nay

Trước đó, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch HĐQT ABBank - cũng thôi vị trí Chủ tịch ngân hàng để tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco và một số công ty khác. Tân Chủ tịch HĐQT ABBank là ông Đào Mạnh Kháng, em rể của ông Tiền. 

Dễ dàng nhận thấy, tại mùa họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều ông chủ ngân hàng tuy rời ghế ngân hàng hoặc rời ghế doanh nghiệp, song người thay thế lại là người trong gia đình hoặc là những người hết sức thân cận, như trường hợp của ông Đỗ Quang Hiển (SHB), Dương Công Minh (Sacombank), Nguyễn Tiến Dũng (NCB), Đỗ Minh Phú (TPBank)… 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia ngân hàng Phan Minh Ngọc nhận định: “Sở hữu chéo chỉ “lặn” xuống, không nổi trên bề mặt, chứ không hẳn đã giảm. Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cho phép ông chủ ngân hàng đồng thời làm chủ doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa với giảm sở hữu chéo, bởi một khi đã muốn, dù có giữ vị trí chủ tịch HĐQT hay không, họ cũng có thể lách luật”. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, một số ông chủ dù không nắm giữ vị trí chủ chốt, vẫn có thể điều hành cả ngân hàng. 

Một chuyên gia kinh tế cho hay: “Khi xem xét danh sách cổ đông của một ngân hàng TMCP trong mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, tôi giật mình khi thấy tỷ lệ cổ đông có liên quan với nhau chiếm tới 70 - 80% cổ phần ngân hàng”.

Theo chuyên gia này, đến nay, các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần, quy định về người liên quan của NHNN vẫn chỉ chống được sở hữu chéo về mặt hình thức. Do thiếu minh bạch, việc xác định ông chủ thực đứng sau các nhóm cổ đông là ai đang hết sức khó khăn và NHNN vẫn chưa thể thở phào với sở hữu chéo.

Chấp nhận đánh đổi để tái cơ cấu?

Trong câu chuyện chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP thừa nhận, sở hữu chéo ở một số trường hợp thực chất không giảm, thậm chí còn tăng, song điều đáng mừng là, NHNN đã nhận diện được đầy đủ và đang từng bước khắc phục.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, với một số ngân hàng đang tái cơ cấu, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông mới có thể đang vượt quá quy định, nếu tính một cách đầy đủ những người có liên quan. 

Trước mắt, sở hữu chéo vẫn chưa thể triệt tiêu hoàn toàn và có thể sẽ tiếp tục kéo dài ở giai đoạn “quá độ” hiện nay.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cấu trúc ngân hàng cần có những ông chủ mới dám bỏ tiền ra, dám làm, dám chịu trách nhiệm. “Các ông chủ mới này phải có tiếng nói quyết định để đảm bảo chiến lược tái cơ cấu của mình được thực hiện thành công. Do đó, trong bối cảnh tái cơ cấu, có thể tỷ lệ sở hữu thực của một số nhóm cổ đông lớn hơn mức độ cho phép, song chúng ta vẫn phải chấp nhận để có nguồn lực đổ vào để tái cơ cấu ngân hàng đó thành công”, ông Nghĩa nói. 

Thực tế cho thấy, Eximbank dù không có nhóm cổ đông nào sở hữu tỷ lệ vượt mức cho phép, song nhiều năm qua vẫn chưa tái cơ cấu thành công. Một trong những lý do có thể là ngân hàng này có quá nhiều nhóm cổ đông, không có nhóm nào có tiếng nói quyết định, khiến mâu thuẫn nội bộ phức tạp, không có tiếng nói chung. 

Rõ ràng, trước mắt, sở hữu chéo vẫn chưa thể triệt tiêu hoàn toàn và có thể sẽ tiếp tục kéo dài ở giai đoạn “quá độ” hiện nay. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sau khi các ngân hàng yếu kém vượt qua giai đoạn khó khăn, sức khỏe của hệ thống tăng lên, NHNN cần bổ sung các quy định để bóc tách những mạng nhện sở hữu chéo, bởi thực tế, sở hữu chéo vẫn đang lẩn khuất, đặc biệt là trong quan hệ giữa các ngân hàng và các công ty con.

Không bị áp trần, ngân hàng mặc sức tăng phí
Các nhà băng đua nhau áp đặt mức phí cao cho khách hàng, tính cả phí ngân hàng điện tử, thu về hàng ngàn tỷ đồng lãi ròng. Trong khi đó, hàng trăm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư