Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 06 tháng 11 năm 2024,
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Nhiều cơ hội mới cho ngành bán lẻ và dịch vụ phi hàng không
Hoài Sương - 06/11/2024 07:13
 
Tốc độ tăng trưởng du lịch, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam… mở ra nhiều cơ hội cho ngành bán lẻ và dịch vụ phi hàng không.
TIN LIÊN QUAN

Đó là chia sẻ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPPG tại The Trinity Forum 2024 – Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không hàng đầu thế giới do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) tổ chức ngày 5/11 tại TP.HCM.

The Trinity Forum 2024 – Diễn đàn thương mại bán lẻ hàng không.

Chương trình diễn ra trong hai ngày 5-6/11, thu hút sự tham gia của hơn 400 khách mời, lãnh đạo các sân bay quốc tế và tập đoàn kinh doanh bán lẻ, dịch vụ hàng không hàng đầu thế giới như Avolta, China Duty Free, Qatar Duty Free, Diageo Global Travel, Dubai Duty Free, Lotte Duty Free… mở ra cơ hội lớn để trao đổi kinh nghiệm phát triển ngành hàng không, du lịch và mua sắm, đồng thời giới thiệu, quảng bá, và thu hút về đầu tư thương mại du lịch cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó tổng giám đốc ACV cho biết, trong năm 2023-2024, với sự phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19, hệ thống cảng hàng không của ACV hồi phục nhanh chóng, phục vụ hơn 100triệu lượt hành khách mỗi năm. Trong đó hành khách quốc tế chiếm 30% tổng sản lượng hành khách, mang lại doanh thu hơn 800 triệu USD, tăng 24% so với năm 2022. Doanh thu từ các dịch vụ phi hàng không của ACV trong năm 2023 đạt khoảng 3.686 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,83% tổng doanh thu. 

Dự kiến giai đoạn 2021-2030, ACV có kế hoạch đầu tư 16 tỷ USD vào các dự án quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài… với mục tiêu đến năm 2030, ACV sẽ phục vụ 283 triệu hành khách/năm.

“Chúng tôi cũng áp dụng đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tối ưu hoá trải nghiệm, ứng dụng công nghệ để hiểu được mong muốn của khách hàng… Việc tập trung nhiều hơn vào đầu tư và phát triển các loại hình dịch vụ kinh doanh phi hàng không sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển nguồn thu đạt mục tiêu 30 - 40% tổng doanh thu khi chúng tôi đa dạng hóa thương mại bán lẻ, miễn thuế, ẩm thực…”, ông Nguyễn Đức Hùng nói. 

Số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ trong 9 tháng năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón hơn 12,7 triệu lượt khách quốc tế. Triển vọng cả năm nay, ngành du lịch có thể đón khoảng 18-18,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, phần lớn khách quốc tế tới bằng đường hàng không…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPPG chia sẻ tại diễn đàn.

Còn theo báo cáo của Hội đồng Sân bay Quốc tế Thế giới (ACI World), năm 2023, doanh thu phi hàng không tăng trưởng, chiếm đến 30-40% tổng doanh thu của các sân bay toàn cầu. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành bán lẻ du lịch và miễn thuế đang trên đà phục hồi sau đại dịch. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng, với vị trí chiến lược tại châu Á, tốc độ tăng trưởng du lịch, sự gia tăng tầng lớp trung lưu và nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng của Chính phủ Việt Nam… đã mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành bán lẻ và dịch vụ phi hàng không, đưa Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho ngành thương mại hàng không trong thời gian tới.

Là đối tác của hơn 138 thương hiệu nổi tiếng thế giới, hơn 1.000 chuỗi cửa hàng bán lẻ, là nhà đầu tư, quản lý và phát triển hạ tầng hàng không, đầu tư chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay… IPPG đang nỗ lực đưa sân bay và hệ thống cửa hàng miễn thuế trở thành điểm đến của hành khách, góp phần thu hút khách du lịch và tăng trưởng thương mại du lịch Việt Nam”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư