Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
“Ông lớn” ngành thủy sản tìm về thị trường nội địa
Duy Bắc - 07/07/2024 09:15
 
Hai ông lớn xuất khẩu cá tra và tôm đang quan tâm nhiều hơn tới thị trường nội địa trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính hồi phục chậm, giá bán chưa cải thiện đáng kể.

Minh Phú thúc đẩy doanh số tại thị trường trong nước

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra tăng lần lượt 7% và 4% so với cùng kỳ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP dự báo, sang quý III, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải giảm bớt, nhu cầu phục hồi và giá sẽ tăng trở lại. Đến quý IV/2024 là thời điểm nhu cầu cao phục vụ lễ Tết cuối năm, thì xuất khẩu thủy sản sẽ tăng tốc để đạt tăng trưởng cao trong năm 2024.

Hiện xuất khẩu thủy sản vẫn chưa hết khó khăn, phục hồi chậm và dè dặt, trong khi áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… Những điều này tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024. Việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập khẩu.

Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn niêm yết trên sàn đang có động thái quan tâm tới thị trường nội địa.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC), Tổng giám đốc Lê Văn Quang đã đặt vấn đề về tiềm năng của thị trường nội địa: “Việt Nam với hơn 100 triệu dân, nhưng đóng góp vào doanh thu của Thủy sản Minh Phú chỉ chưa đến 1%; trong khi đó, Mỹ hơn 350 triệu dân, nhưng chiếm tỷ trọng hơn 20%. Đó là vấn đề mà Thủy sản Minh Phú cần phải suy nghĩ, làm sao để có thể bán cho người tiêu dùng Việt Nam với giá tốt”.

Giải pháp đẩy doanh số tại thị trường nội địa được Ban lãnh đạo Thủy sản Minh Phú đưa ra là chiến lược bao tiêu sản phẩm. Theo đó, nếu như trong năm 2023, Minh Phú tiêu thụ tại chuỗi Bách hóa Xanh, lượng hàng không tiêu thụ được phải hủy cuối ngày, gây khó khăn cho việc tích trữ và mua hàng của chuỗi bán lẻ, thì hiện tại, Thủy sản Minh Phú sẽ mua lại lô tôm cuối ngày nếu chuỗi bán không hết để tái chế biến. Việc chuỗi Bách hóa Xanh không phải hủy lượng hàng chưa bán được sẽ giúp chuỗi có lãi và đẩy mạnh tiếp tục mua hàng của Thủy sản Minh Phú. Ngoài ra, đối với thị trường trong nước, Thủy sản Minh Phú còn đẩy mạnh tiếp thị để làm sao các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn mua nhiều hơn.

Vĩnh Hoàn cải thiện doanh thu nhờ thị trường nội

Dù chưa chia sẻ về chiến lược phát triển thị trường nội địa cụ thể, nhưng CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), liên tục báo cáo điểm sáng doanh thu đến từ thị trường nội địa.

Trước đó, trong năm 2023, doanh thu của Vĩnh Hoàn giảm 24,2%, về 10.033 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu xuất khẩu giảm 22,4%, về 7.968,8 tỷ đồng; doanh thu nội địa giảm 30,2%, về 2.064,2 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý I/2024, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.855,8 tỷ đồng, tăng 28,5%, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lãi 169,66 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, doanh thu tại thị trường Việt Nam của Vĩnh Hoàn liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương. Cụ thể, trong tháng 5/2024, Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng doanh thu tăng 19% so với cùng kỳ, lên 1.131 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ thị trường Mỹ ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 0,3%, về 372 tỷ đồng, các thị trường còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng dương.

Đặc biệt, doanh số tại thị trường nội tăng 47%, lên 329 tỷ đồng; thị trường châu Âu tăng 26%, lên 154 tỷ đồng; thị trường Trung Quốc tăng 12%, lên 104 tỷ đồng và các thị trường khác tăng 26%, lên 154 tỷ đồng.

Xét về tỷ trọng thị trường nội địa trong cơ cấu doanh thu, năm 2022 đóng góp 22,4%, năm 2023 đóng góp 20,6%, trong 5 tháng đầu năm 2024 đã tăng lên 28,2% tổng doanh thu. Điều này cho thấy thị trường nội địa đang tăng ảnh hưởng đáng kể với Vĩnh Hoàn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, về kế hoạch đầu tư, năm nay, Vĩnh Hoàn dự kiến đầu tư 930 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sẽ đầu tư mở rộng nâng cấp tăng công suất sản xuất Collagen và cải tạo nhà máy tại Vĩnh Hoàn Collagen; đầu tư dự án trồng trọt, đầu tư kho và đầu tư bổ sung máy móc thiết bị cho giai đoạn I, Nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc; đầu tư mở rộng kho và nâng cấp công suất sản xuất nhà máy thức ăn thuỷ sản Feedone; đầu tư mở rộng kho và nâng cấp tăng công suất sản xuất của nhà máy Sa Giang; các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi; các khoản đầu tư mới và cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Thanh Bình, Vĩnh Hoàn.

Ngành thủy sản hưởng lợi nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Thông tin Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành thủy sản.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư