Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Oriberry giúp cà phê bớt “đắng”
Hoàng Oanh - 13/09/2018 13:53
 
Hai mươi năm gắn bó với các dự án phát triển cộng đồng, mười năm xây dựng và phát triển thương hiệu cà phê đậm đà hương vị Việt mang tên Oriberry, anh Đào Trần Phương đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo nhờ việc chế biến cà phê chất lượng cao và truyền cảm hứng cho nhiều nông dân khác.

“Mang cơ hội đến cho những người ít cơ hội”

Đón chúng tôi tại cửa hàng cà phê Oriberry tọa lạc tại đầu “phố Tây” Xuân Diệu, trái ngược với hình ảnh về một vị CEO sang trọng, anh Đào Trần Phương lại gây ấn tượng bởi vẻ gần gũi, giản dị và thân thiện. Anh cũng thật thà chia sẻ rằng, tuy làm chủ một thương hiệu cà phê, nhưng anh không hề biết pha chế, cũng không nhớ rõ hiện nay mình đang phân phối bao nhiêu sản phẩm cà phê các loại. Phần việc của anh chủ yếu là làm với nông dân - những người trực tiếp trồng cà phê tại các vùng nguyên liệu để chọn ra những sản phẩm chất lượng cao nhất.

Đào Trần Phương với việc phát triển thương hiệu cà phê Oriberry đã giúp nhiều hộ nông dân trồng cà phê thoát nghèo.
Đào Trần Phương với việc phát triển thương hiệu cà phê Oriberry đã giúp nhiều hộ nông dân trồng cà phê thoát nghèo.

“Tôi đến với cây cà phê hoàn toàn tình cờ. Lúc đó văn phòng thực địa của dự án tôi làm đặt ở Quảng Trị - một trong những nơi trồng cà phê. Khác với những vùng cà phê khác, cà phê Quảng Trị lại thu hoạch vào mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 12), nên người dân không thể phơi khô, mà chỉ có thể bán quả tươi cho các nhà máy nên thường bị ép giá”, anh Phương chia sẻ.

Khi đó, với tư cách người sáng lập tổ chức phi chính phủ Advancement of Community Empowerment and Partnership, hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, anh mong muốn có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ những người nông dân nơi đây.

Nghĩ là làm, anh Phương đã tập hợp một nhóm nông dân trồng cà phê gồm 125 hộ tại xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), hướng dẫn họ sản xuất theo quy trình được chứng nhận quốc tế UTZ sơ chế cà phê tươi thành cà phê thóc (cà phê chưa xay ra, nhưng nhân đã được phơi hay sấy, còn một lớp vỏ cứng bên ngoài). Năm đầu tiên, dự án đã thu được kết quả rất tốt với sản lượng ban đầu lên tới 50 tấn. Tuy nhiên, khi mang sản phẩm đi tiêu thụ thì lại lỗ nặng vì… làm quá tốt nên chi phí cao, trong khi  giá bán ra lại thấp.

Anh Phương nhớ lại: “Đã có lúc tuyệt vọng, tôi bắt đầu hoài nghi về triết lý “mang cơ hội đến cho những người ít cơ hội” của mình. Tôi nghĩ, nếu cứ xui người nông dân đi theo hướng này thì họ sẽ thiệt hơn. Do đó, tôi đã có một quyết định khá táo bạo là mang cà phê về rang bán. Đó cũng là tiền đề dẫn đến sự ra đời của cửa hàng cà phê đầu tiên của tôi trên phố Ấu Triệu (Hà Nội) vào năm 2009”.

Từ khó khăn đến thành quả

Quyết định bán cà phê rang sẵn nguyên chất của anh Đào Trần Phương lúc đó là một quyết định táo bạo, bởi thời điểm năm 2009, người tiêu dùng Việt Nam vẫn ưa chuộng loại cà phê pha bằng phin và thường được trộn với đậu nành theo một tỷ lệ nhất định. Khi nếm thử cốc cà phê nguyên chất đậm vị của anh, nhiều người thậm chí khẳng định rằng đó không phải là cà phê, vì theo họ thì cà phê “không bao giờ chua như thế”.

Khó khăn dường như nhân lên gấp đôi khi anh tích cực tham gia các hội chợ ẩm thực để tiếp cận khách hàng, nhưng kết quả thu về lại không như mong đợi. Tại Hội chợ ẩm thực Thăng Long năm 2010, nhiều khách hàng đã nhận xét cà phê của anh bị… thiu. Nhiều cửa hàng bán lẻ và quán cà phê từ chối nhập hàng của anh.

Sản phẩm làm ra nhưng không tiêu thụ được, khiến nhiều nông dân sát cánh với anh từ những ngày đầu tỏ ra chán nản và muốn bỏ cuộc. Kiên trì với con đường đã chọn, anh vừa động viên họ, vừa tiếp tục mang sản phẩm giới thiệu trong một group những người yêu cà phê và nhận được phản hồi hết sức tích cực. Dần dà, người tiêu dùng hiểu hơn và tìm đến ngày càng đông.

Đến nay, anh Phương đã làm việc với nông dân phát triển vùng trồng cà phê ra 6 tỉnh vùng sâu, vùng xa là Sơn La, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Trị, Đắk Lắk, Lâm Đồng, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong điều kiện còn khó khăn. Thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật trồng cà phê sạch và bao thầu cả khâu thu mua, phân phối với giá cả ổn định, những nông dân trồng cà phê tại đây đã có việc làm và cải thiện được cuộc sống của mình.

Cà phê Oriberry ngày càng được khách hàng biết đến nhiều hơn, đặc biệt là những vị khách nước ngoài. Chị Meg Sullivan, một khách hàng người Mỹ nhận xét: “Cà phê ở đây thực sự rất tuyệt. Tôi được một người bạn giới thiệu và lần đầu tiên nếm thử đã thấy thích hương vị này. Cà phê Oriberry chính là món quà mà tôi thường lựa chọn để tặng bạn bè mỗi khi về nước”.

Chia sẻ về đứa con tinh thần này, anh Phương tự hào: “Một số bạn bè quốc tế hỏi tôi là cà phê của ông đã ngon nhất Việt Nam chưa? Tôi trả lời là cái đấy tôi không dám nói, nhưng tôi dám khẳng định cà phê của tôi là loại ngon nhất mà người nghèo Việt Nam có thể sản xuất được”.

Khi được hỏi về việc có tham vọng đưa cà phê Oriberry cạnh tranh với các thương hiệu cà phê lớn như Starbucks hay Highlands không, anh Phương chia sẻ: “Tôi không nghĩ mình sẽ đối đầu với các “ông lớn” trong ngành. Với Oriberry, tôi chỉ muốn người trồng cà phê Việt Nam tự hào về chất lượng sản phẩm mình làm ra”.

Doanh nhân Việt Nam lạc quan về tác động của phát triển công nghệ
Chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết, đa số các doanh nhân Việt Nam tham gia khảo sát của tổ chức này cho rằng sự phát triển công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư