Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
PCC1 kỳ vọng vào mảng điện gió và bất động sản
Khắc Lâm - 03/04/2022 13:58
 
Đóng góp từ 3 nhà máy điện gió mới đi vào hoạt động và 2 dự án bất động sản được xem là động lực giúp CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1) thực hiện kế hoạch trong năm nay.
Năm 2022, PCC1 tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng tại hầu hết các mảng kinh doanh chính.

Lợi nhuận năm 2021 tăng nhờ đánh giá lại khoản đầu tư

Kết thúc cả năm 2021, PCC1 đạt doanh thu thuần đạt 9.812,9 tỷ đồng, tăng 46,9% so với thực hiện năm 2020, vượt 23% kế hoạch năm. Động lực tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp, với 6.714 tỷ đồng, tăng 119% so với năm 2020 và đóng góp 68,4% doanh thu. Doanh thu mảng năng lượng (bán điện) và thương mại hàng hóa tăng lần lượt 24% và 23,5% so với năm 2020, bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động sản xuất công nghiệp và mảng bất động sản.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp hợp nhất của PCC1 trong năm 2021 giảm còn 11,66%, từ mức 17,39% của năm 2020, do sự tăng lên về tỷ trọng mảng xây lắp trong tổng doanh thu, nhưng biên lợi nhuận gộp trong năm 2021 của mảng này khá thấp, chỉ 6,7%, giảm 3,3 điểm phần trăm so với năm 2020. Doanh thu mảng bất động sản giảm mạnh. Lợi nhuận gộp hợp nhất cả năm đạt 1.144,7 tỷ đồng, giảm 1,4% so với năm 2020.

Chi phí tài chính trong năm 2021 cũng ghi nhận mức tăng tới 46,6%, lên 357,5 tỷ đồng, chủ yếu do sự gia tăng của chi phí lãi vay khi Công ty đẩy mạnh sử dụng vốn vay để đầu tư dự án và phục vụ kinh doanh. Tính đến cuối năm 2021, PCC1 có 2.781,4 tỷ đồng dư vay nợ ngắn hạn (tăng 1.195 tỷ đồng so với đầu năm) và 6.255,7 tỷ đồng dư vay nợ dài hạn (tăng 4.084 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng dư nợ vay lên đến 9.037,1 tỷ đồng, chiếm 48% cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,44 lần.

Trong năm 2021, doanh thu tài chính của PCC1 cũng tăng 8,5 lần so với năm 2020, đạt 319 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu nhờ đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Khoáng sản Tấn Phát sau khi tăng sở hữu từ công ty liên kết thành công ty con làm tăng doanh thu tài chính 262 tỷ đồng. Khoáng sản Tấn Phát là chủ sở hữu mỏ niken - đồng tại tỉnh Cao Bằng, với tổng trữ lượng hơn 52.000 tấn niken. Trong bối cảnh giá niken thế giới tăng phi mã thời gian qua, việc sở hữu mỏ này được kỳ vọng sẽ tạo đột biến về kết quả kinh doanh cho PCC1.

Bên cạnh đó, khoản lãi từ tiền gửi cũng tăng 32,6%, lên 45,9 tỷ đồng. Báo cáo tài chính ghi nhận đến ngày 31/12/2021, tiền và tương đương tiền của PCC1 còn gần 2.300 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với đầu năm.

Kế hoạch tăng trưởng từ mảng điện gió và bất động sản

Năm 2022, PCC1 tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng tại hầu hết các mảng kinh doanh chính, với kế hoạch doanh thu hợp nhất trên 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất trên 800 tỷ đồng.

Với mảng tổng thầu công trình điện, Công ty dự kiến doanh thu năm 2022 đạt 6.000 tỷ đồng, giá trị hợp đồng ký mới 7.500 tỷ đồng, mặc dù doanh thu giảm 11%, nhưng giá trị ký với kỳ vọng tăng đến 40,9% so với năm 2021. Theo đó, đây tiếp tục dự kiến là mảng đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Công ty.

Khấu trừ các chi phí phát sinh, năm 2021, PCC1 báo lợi nhuận trước thuế 890,1 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 764 tỷ đồng, tăng 40,4% và vượt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua.

Đối với mảng sản xuất công nghiệp, PCC1 đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 ở mức 878 tỷ đồng, tăng 38,5% so với 2021 trên cơ sở hợp đồng kỳ mới năm qua ở mức cao, đạt 973 tỷ đồng, bằng 135% kế hoạch năm. Trong năm 2021, Công ty xuất khẩu được 14 cột viễn thông MonoPole và đang triển khai sản xuất đơn hàng cho nhiều cột tiếp theo trong năm 2022.

Tuy vậy, đóng góp đáng kể nhất trong kế hoạch lợi nhuận của PCC1 sẽ tiếp tục đến từ mảng năng lượng sau khi cụm nhà máy điện gió tại Quảng Trị đi vào hoạt động cuối năm 2021. Cụ thể, trong tháng 10/2021, Công ty đã hoàn thành đầu tư 3 dự án điện gió tại Quảng Trị, với cùng công suất mỗi dự án là 48 MW, tỷ lệ sở hữu của PCC1 ở mỗi dự án ở mức 55%.

Cả 3 dự án đã kịp thời đóng điện và hòa vào lưới điện trước ngày 31/10/2021 để hưởng cơ chế giá điện hỗ trợ ở mức 8,5 UScent/kWh. Điều này sẽ giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho mảng năng lượng trong năm 2022. Kế hoạch sản lượng và doanh thu của của PCC1 đặt ra năm nay ở mức 1.046 triệu kWh và 1.665 tỷ đồng, tăng 67,9% về sản lượng và 82,4% về doanh thu so với năm 2020. Trong đó, mảng điện gió dự kiến đạt 460 triệu kWh và đem về 903 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,18 lần về sản lượng và doanh thu so với năm 2020.

Đối với mảng bất động sản, sau năm 2021, việc cấp chủ trương đầu tư và khởi công các dự án nhà ở bị chậm, dẫn đến không đạt kế hoạch. Năm 2022, PCC1 đặt kế hoạch doanh thu tăng trở lại và đạt hơn 1.000 tỷ đồng với đóng góp chủ yếu từ 2 dự án PC1 Định Công và PC1 Gia Lâm, dự kiến mở bán trong quý III và hoàn thành trong quý IV/2022.

Đầu tháng 12/2021, Hội đồng Quản trị PCC1 đã thông qua nghị quyết về việc mua vào 18,5 triệu cổ phần của CTCP Western Pacific, bao gồm 7 triệu cổ phần của cổ đông hiện hữu và 11,5 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ. Nếu thương vụ hoàn tất, PCC1 sẽ nắm giữ trên 30% vốn của doanh nghiệp này.

Western Pacific là doanh nghiệp sở hữu 62% cổ phần tại Khu công nghiệp Yên Phong II-A (tỉnh Bắc Ninh). Việc đầu tư này sẽ giúp PCC1 mở rộng hoạt động trong lĩnh vực khu công nghiệp và kỳ vọng có thể bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ việc cho thuê khu công nghiệp từ năm 2023.

PCC1 và Renova được tài trợ 116 triệu USD làm điện gió
ADB vừa ký kết khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD cho 3 dự án điện gió thuộc sở hữu của PCC1 và Công ty Phát triển kinh doanh toàn cầu RENOVA.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư