Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Petrovietnam có thêm Chi nhánh Phát điện Dầu khí
Hoàng Nam - 25/05/2023 07:38
 
Chi nhánh Phát điện Dầu khí sẽ thay mặt Petrovietnam tổ chức quản lý tài sản, khai thác, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Petrovietnam

Theo ông Hồ Công Kỳ, Giám đốc Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB), nhằm thực hiện sứ mệnh trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu của đất nước, khu vực và phù hợp với các xu thế phát triển mới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) luôn hướng tới nâng cao hiệu quả cũng như chuyên nghiệp trong công tác quản lý vận hành, sản xuất kinh doanh các nhà máy điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu đó, từ năm 2020, Petrovietnam đã hoàn thiện Đề án thành lập Chi nhánh phát điện với mô hình 01 đơn vị đầu mối trong công tác quản lý các nhà máy điện do Tập đoàn làm chủ đầu tư (trước mắt là các nhà máy điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1) để tối ưu hóa các nguồn lực (về nhân sự, kinh nghiệm, vật tư dự phòng, …) trong công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện. .

Mới đây, được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Hội đồng Thành viên Petrovietnam đã ban hành Quyết định số 2647/QĐ-DKVN ngày 21/4/2023 về việc thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí. Mốc son quan trọng này đánh dấu sự ra đời của tổ chức trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Chi nhánh Phát điện Dầu khí.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, sau khi thành lập, Chi nhánh sẽ thay mặt Petrovietnam tổ chức quản lý tài sản, khai thác, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Petrovietnam và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân cấp/ủy quyền của Petrovietnam, phù hợp với các quy định của pháp luật và của Petrovietnam.

Chi nhánh Phát điện Dầu khí sẽ là đầu mối tiến hành các thủ tục để các nhà máy điện tham gia hoạt động điện lực, thị trường điện theo quy định của pháp luật. Đồng thời có nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện công tác quản lý tài sản, khai thác, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện do Petrovietnam là chủ đầu tư sau khi hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đi vào vận hành thương mại.

Bên cạnh đó, với khối lượng tài sản quản lý lớn cùng hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, người lao động kỹ thuật cao, Chi nhánh sẽ là một đơn vị lớn của Tập đoàn, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của Petrovietnam.

Ông Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Chi nhánh cần tập trung, khẩn trương triển khai các công việc liên quan, kiện toàn bộ máy, sớm ban hành các hệ thống quy định quản trị, giám sát kinh tế kỹ thuật, tích cực triển khai chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để tích hợp cùng hệ thống quản trị ERP toàn Tập đoàn.

Đồng thời cần bắt tay ngay vào việc tiếp nhận, triển khai tiếp tục các hợp đồng thương mại liên quan đến việc vận hành các nhà máy điện, không được để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng đến việc quản lý vận hành các nhà máy đặc biệt trong cao điểm nắng nóng như hiện nay, nhu cầu về điện cho sản xuất và sinh hoạt rất lớn.

Nguy cơ thiếu gần 5.000 MW điện khi cao điểm nắng nóng, giải pháp chưa rõ ràng
Việc vận hành hệ thống điện các tháng cao điểm nắng nóng sẽ rất khó khăn, miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư