Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Petrovietnam: Quản trị hiệu quả, tăng trưởng cao trong khó khăn
Hoàng Nam - 09/08/2021 07:58
 
Nộp ngân sách nhà nước và lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lần lượt đạt 50.900 tỷ đồng và 27.100 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 7 tháng là 38% và 286%.

Giữ ổn định, tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi. Tuy nhiên, sự khan hiếm nguồn cung đầu vào, khiến giá nguyên vật liệu tăng mạnh, đặc biệt là sắt thép, bên cạnh đó là thiếu hụt nguồn cung lao động, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Việc này cũng khiến giá cả tăng nhanh, kéo theo nguy cơ lạm phát. Sự lây lan của biến thể Delta đang trở thành mối nguy cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong nước, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng và thực hiện giãn cách xã hội ở 20 tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Phòng vận hành sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo
Phòng vận hành sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo

Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất suy giảm đáng kể, nhập siêu cao, cầu thị trường yếu, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ năng lượng khí, điện, xăng dầu,… đều giảm mạnh, khiến doanh nghiệp phải giảm công suất, tăng tồn kho, tăng chi phí.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, số lượng doanh nghiệp khó khăn tăng cao. Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với điều này khiến hàng chục triệu lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực như mất việc, giãn việc, giảm thu nhập;…

Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động; duy trì an toàn, hiệu quả, thông suốt các mặt hoạt động.

Việc thực hiện các chỉ tiêu sản xuất tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 đã bám sát kế hoạch đề ra và thích ứng với nhu cầu thị trường. Đáng chú ý, các chỉ tiêu tài chính vượt cao so với kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Đo thân nhiệt hàng ngày và thực hiện tiêm chủng vacxin ngừa covid-19 là các giải pháp đểm đảm bảo an toàn sức khoẻ của người lao động
Đo thân nhiệt hàng ngày và thực hiện tiêm chủng vacxin ngừa covid-19 là các giải pháp đểm đảm bảo an toàn sức khoẻ của người lao động

Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 347.800 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch 7 tháng và bằng 71% kế hoạch năm, tăng 25% so với cùng kỳ 2020.

 Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 50.900 tỷ đồng, vượt 38% kế hoạch 7 tháng và bằng 82% kế hoạch năm, tăng 32% so với cùng kỳ 2020.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 27.100 tỷ đồng, vượt 286% kế hoạch 7 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.

Tập đoàn cũng nỗ lực thực hiện tiết giảm chi phí, với tổng giá trị đạt 1.911,5 tỷ đồng, bằng 70,1% kế hoạch năm 2021. Đặc biệt, có 09 đơn vị đã hoàn thành xuất sắc lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm bao gồm: Cty mẹ - PVN, BSR, Rusvietpetro, PVPower, PVFCCo, PVCFC, PVTrans, PVEP và PVOil.

Đến nay, Petrovietnam đã và đang tiếp tục cố gắng cao nhất trong việc tiếp cận và đăng ký nguồn vắc-xin ngừa Covid-19 để người lao động sớm được tiêm phòng. Các đối tượng được ưu tiên tiêm chủng gồm người lao động đi biển; làm công tác vận hành và đang triển khai các dự án.

Hiện, tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1 hiện nay ở một số đơn vị đã đạt tỷ lệ cao, trên 70% như: BSR, Vietsovpetro, PV GAS, PVCFC, PETROSETCO…

Kết quả đạt được là nỗ lực rất lớn của Petrovietnam trước những hưởng trực tiếp, nặng nề của đại dịch Covid -19 đến mọi mặt hoạt động như: sản xuất, tiêu thụ xăng dầu, khí, điện, cũng như các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác, giảm công ăn việc làm, phát sinh chi phí, tăng tồn kho,...

Tập trung, nỗ lực cho mục tiêu kép

Trước tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đề nghị toàn Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là nỗ lực đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm phòng vắc-xin cho người lao động, bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để có thể khống chế dịch bệnh, đảm bảo thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước những tác động vô cùng lớn, trực tiếp của đại dịch Covid - 19 đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn, trong đó đầu tiên, hiện hữu nhất là vấn đề thị trường, khi toàn bộ các nhóm sản phẩm, hàng hóa chủ chốt của Petrovietnam như dầu thô, xăng, dầu, khí, điện, đạm,… đều bị đang bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cầu thị trường suy yếu mạnh.

Sự xuất hiện của biến chủng mới Delta đang gây ra những mối nguy hiểm, phức tạp mới, kể cả những nước đã tiêm chủng vắc-xin với số lượng lớn, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh, bên cạnh 5K, ứng dụng tốt các giải pháp công nghệ để đáp ứng yêu cầu làm việc online, cần phối hợp, triển khai tiêm vắc-xin cho người lao động sớm nhất có thể.

Lãnh đạo Petrovietnam họp giao ban với 12 điểm cầu để đảm bảo thông suốt trong sản xuất và kinh doanh
Lãnh đạo Petrovietnam họp giao ban với 12 điểm cầu để đảm bảo thông suốt trong sản xuất, kinh doanh

Đồng bộ với đó là triển khai an toàn hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm được thông suốt trong các kịch bản đặt ra về diễn biến tình hình dịch Covid – 19 ở nước ta; đồng thời chuẩn bị các giải pháp để kịp thời tận dụng cơ hội thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Cùng với đó, ông Lê Mạnh Hùng chỉ đạo lãnh đạo các đơn vị rà soát rủi ro trong thực hiện kế hoạch, chỉ đạo hoạt động sản xuất linh hoạt tùy theo biến động của thị trường; tiếp tục theo dõi, phân tích biến động vĩ mô, thị trường, để đưa ra giải pháp ứng phó cụ thể, đặc biệt là các giải pháp tài chính để đảm bảo thông suốt dòng tiền; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tháo gỡ những vướng mắc liên quan; tích cực triển khai hiệu quả các chuỗi giá trị trong Tập đoàn, để chia sẻ, phát huy nguồn lực của toàn hệ thống; đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết giảm, tối ưu chi phí, nâng cao sức cạnh tranh; tăng cường quản trị rủi ro nhằm ứng phó kịp thời, linh hoạt đặc biệt là những rủi ro hiện hữu trong tiêu thụ sản phẩm, tồn kho.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng mong muốn các đơn vị sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để bảo vệ những thành quả đạt được, thực hiện cao nhất có thể kế hoạch 5 tháng còn lại của năm 2021, nhằm hoàn thành mục tiêu kép: vừa bảo đảm sức khỏe cho người lao động, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Petrovietnam đã chuyển 400 tỷ đồng đến Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19
Đây là số tiền được trích từ chi phí của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư