Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Phải tính đến tập trung tái cơ cấu nông nghiệp “hậu Corona” ngay từ bây giờ
Thu Phương - 08/02/2020 09:09
 
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trước ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, ngành nông nghiệp xác định tập trung tái cơ cấu vùng sản xuất, gia tăng chế biến, liên kết chặt phát triển chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới để giảm thiểu những nguy cơ đối với ngành.
.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng cho biết đánh giá về tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp đến ngành nông nghiệp Việt Nam?

Trước hết, phải khẳng định, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra ngoài tác hại đến sức khỏe, tính mạng người dân, còn gây thiệt hại lớn đến kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Với lĩnh vực nông nghiệp, dịch bệnh ảnh hưởng trên 3 khía cạnh.

Thứ nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại nông sản, bởi Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm 24% giá trị trong tổng số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Dịch bệnh đã khiến việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sút, biểu hiện rõ nhất từ tháng 1/2020, Việt Nam đã bị giảm 14% giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc. Những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 sau Tết Nguyên đán, con đường thông thương bị đóng cửa, thương mại giữa hai nước ngưng trệ. 

Thứ hai, ảnh hưởng đối với đầu tư. Dịch bệnh bùng phát đã hạn chế đi lại kết nối giao thương giữa doanh nhân 2 nước.

Thứ ba, ảnh hưởng đến việc ký kết các hợp đồng. Đợt này, Trung Quốc đã đánh giá rủi ro ở bước cuối để cấp phép chính ngạch một số mặt hàng, song do dịch bệnh, phải hạn chế đi lại nên các đoàn công tác của nước bạn không sang được nước ta và ngược lại.

Do đó, tôi có thể khẳng định, ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp với lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Ảnh hưởng này không chỉ là trước mắt, mà có thể còn kéo dài, bởi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới dừng lại.

Các nhóm giải pháp nào sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Trước tình hình này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp với các tỉnh có nông sản xuất khẩu, đến các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân.

Các biện pháp chúng tôi đang triển khai gồm:

Thứ nhất là, rà soát lại khối lượng nông sản các nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc từ nay cho đến cuối năm để đề ra các kịch bản căn cứ với diễn biến tình hình của từng giai đoạn.

Thứ hai là, tăng cường thương mại tiêu thụ nội địa, tìm biện pháp phục vụ thị trường hơn 96 triệu dân Việt Nam.

Thứ ba là, tập trung chế biến sâu. Các doanh nghiệp chế biến phải liên kết chặt chẽ với những vùng nguyên liệu để giảm bớt khối lượng xuất khẩu tươi.

Thứ tư là, Bộ đã thống nhất yêu cầu ngành logistics kiểm tra lại khối lượng kho dự trữ đông lạnh để đưa một số sản phẩm vào ướp đông, kéo dài thời gian phân phối.

Thứ năm là, thúc đẩy mở cửa một số thị trường khác. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các đoàn đi nước ngoài như Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ ngày 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông; Đoàn công tác sang Hoa Kỳ từ ngày 22/2;  Đoàn công tác do Bộ trưởng dẫn đầu sang Brazil trong tháng 3/2020…

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tính toán các biện pháp dài hạn dựa theo căn cứ tình hình như tái cơ cấu một số đối tượng sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như các vùng hiện nay đang trồng dưa hấu, tới đây không trồng dưa hấu mà chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn.

Chúng ta cần nhìn nhận, đây cũng là cơ hội tạo một áp lực bức bách để đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở chuỗi liên kết. Không thể để mãi tình trạng đưa ra thị trường sản phẩm thô, sản phẩm chưa qua chế biến, có rủi ro lại tập trung vào giải quyết. Qua việc này, chúng ta cần nhìn nhận và xác định tập trung tái cơ cấu vùng hàng hoá, chế biến sâu, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới, không để trứng vào một giỏ. 

Cùng với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, Trung Quốc mới đây cũng phát đi thông báo công bố dịch cúm gà H5N1 tại tỉnh Hồ Nam. Trước tình này, ngành nông nghiệp đã có những biện pháp nào để phòng trách dịch?

H5N1 là một bệnh cúm trên gia cầm, bệnh này cũng có nhiều nguy cơ đối với tính mạng con người và kinh tế toàn cầu. Đàn gia cầm ở Trung Quốc và Việt Nam đều rất lớn, mà tỉnh Hồ Nam nằm gần biên giới với Việt Nam, nếu chúng ta không ngăn chặn tốt thì nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam là rất cao và sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trong nước.

Do vậy, ngày 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 735/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm theo quy trình dịch tễ, chăn nuôi theo an toàn sinh học, cố gắng cao nhất không để dịch bệnh H5N1 xảy ra đối với gia cầm.

Nông nghiệp còn nhiều "đất" để doanh nghiệp "canh tác"
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, khu vực nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để thu hút doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư