Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phạm Đình Ngãi, nhà sáng lập Sokfarm: Gõ hoa, kích mật với khát khao lập nghiệp
Hồng Phúc - 24/10/2019 14:20
 
Xuất thân từ một gia đình nông dân tại Đồng Tháp, Phạm Đình Ngãi luôn mong muốn về quê khởi nghiệp và tìm cách nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Với sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm, anh kỳ vọng tìm ra phương pháp khai thác cây dừa mới để tăng giá trị kinh tế.
Phạm Đình Ngãi, sáng lập Sokfarm.
Phạm Đình Ngãi, sáng lập Sokfarm.

8 tháng tìm cách gõ hoa, kích mật

Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ ngành kỹ thuật điện (Trường Đại học sư phạm Kỹ thuật TP.HCM), Phạm Đình Ngãi đã có thời gian làm giảng viên tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Sau đó, anh quyết định chuyển tới làm việc tại Kimmy’s Chocolate tại Tiền Giang, chuyên về sản phẩm cacao - loài cây đang được trồng nhiều tại các tỉnh miền Tây.

Ngãi chia sẻ, vợ anh là thạc sĩ ngành công nghệ thực phẩm, cả hai vợ chồng luôn khao khát khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, bởi họ mong muốn được vận dụng và phát huy những kiến thức đã tích lũy được trong suốt quá trình học, làm việc. Anh cùng vợ đồng lòng về quê hương miền Tây để khởi nghiệp với mong muốn đóng góp cho quê hương.

Sinh ra tại Đồng Tháp, nhưng Ngãi lại nặng lòng với Trà Vinh. Dù có sản lượng dừa lớn thứ 2 tại Việt Nam, nhưng trái dừa ở Trà Vinh “lận đận” hơn, giá thấp hơn dừa ở Bến Tre, bởi ở đây không có nhiều nhà máy chế biến dừa.

Anh kể, đầu năm 2018, giá dừa khô bị rớt giá trầm trọng, đỉnh điểm là toàn bộ vườn dừa với 1.200 trái chỉ thu được 2 triệu đồng. “Mức thu này không đủ để trang trải chi phí. Điều này thôi thúc chúng tôi phải tìm ra một phương pháp khai thác cây dừa mới để tăng giá trị kinh tế lên”, Ngãi chia sẻ.

Tìm hiểu cách chế biến các sản phẩm từ trái dừa và các phương thức khai thác từ cây dừa, Ngãi biết được, trên thế giới có mô hình thu mật từ hoa dừa. Phương pháp này tương tự như thu mật từ cây thốt nốt. Từ đó, vợ chồng anh tiếp tục đào sâu tìm hiểu kỹ thuật thu mật và các sản phẩm từ mật hoa dừa.

Nhưng trong 8 tháng đầu tiên, Ngãi liên tục thất bại vì không hiểu được đặc tính của loài cây này khi lấy mật cũng như chọn sai thời điểm cắt hoa dừa, thực hiện không đúng cách chăm sóc cây và phương pháp thu mật. Đặc biệt, khó khăn nhất là kỹ thuật thu mật hoa dừa.

Không bỏ cuộc, vợ chồng Ngãi tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm thực tế và đã tìm ra phương pháp tối ưu nhất để thu nước mật từ hoa dừa. Đó là, đều đặn hàng ngày, người công nhân lấy mật hoa phải leo lên cây dừa 2 lần. Trước khi thu mật, họ phải “mát xa” cho hoa dừa, dùng tay xoa lên hoa dừa, sau đó dùng chày gỗ gõ một lực vừa đủ để làm thông tuyến mật bên trong hoa dừa. Nếu gõ nhẹ quá thì mật không tiết ra được, nếu gõ mạnh quá sẽ làm dập và hư tuyến mật bên trong hoa dừa. “Việc lấy mật từ hoa dừa phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng mát xa người thợ thu mật. Nên những người thợ này được chúng tôi ví như những chú ong thợ lấy mật”, Ngãi nói.

Tiếp tục điều chỉnh từ phản hồi của thị trường

Gõ hoa, kích mật thành công là thành quả bước đầu để vợ chồng Ngãi tự tin hơn và tiếp tục sản xuất mật hoa dừa Sokfarm.

Mật hoa dừa sau khi thu về được đưa đến nhà máy và sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn. Sản phẩm mật hoa dừa có vị ngọt nhẹ và thanh, thích hợp dùng như một loại gia vị với chỉ số đường huyết thấp, lượng khoáng cao, giúp cơ thể bổ sung năng lượng, cân bằng quá trình điện giải. Phương pháp chế biến mật hoa dừa Sokfarm không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của loài ong tự nhiên và sức cho trái của cây dừa.

Ngãi kỳ vọng vào nhóm khách hàng mục tiêu là những người có nguy cơ và đang bị tiểu đường, bởi theo số liệu từ Bộ Y tế, khoảng 6% dân số Việt Nam bị tiểu đường, gần 29.000 người tử vong hàng năm do các biến chứng liên quan.

Đến nay, các sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm đang được sản xuất thử nghiệm và tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh dựa trên những phản hồi từ thị trường. Bằng vốn tích góp của hai vợ chồng và huy động thêm, Ngãi vừa đầu tư xây dựng nhà máy tại Trà Vinh để sản phẩm được sản xuất ngay khi nguyên liệu được thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Công suất của nhà máy này có thể đạt 10.000 chai 250 gram/tháng.

Ngãi cho biết, với những đơn đặt hàng hiện nay, dự kiến đến đầu năm 2020, vùng nguyên liệu liên kết với nông dân của Sokfarm sẽ mở rộng gấp đôi hiện tại, đạt khoảng 8 ha.

“Sokfarm là cả tâm huyết tuổi trẻ của vợ chồng tôi, với khao khát góp một một phần nào đó giải quyết bài toán giá nông sản bấp bênh, nâng cao kinh tế cho nông hộ Khmer trồng dừa tại địa phương, từ đó, đẩy mạnh sản xuất để tăng tính chủ động và nâng giá trị nông sản”, Ngãi bộc bạch.

Anh khá tự tin vì Sokfarm hiện đã làm chủ được kỹ thuật thu mật từ hoa dừa và công thức chế biến mật hoa dừa, đường dừa. Thời gian tới, Sokfarm sẽ hoàn thiện thêm các công thức sản xuất rượu vang mật hoa dừa, giấm dừa uống giảm cân, mứt mật dừa… Con đường phía trước có thể còn nhiều gian nan, nhưng câu chuyện của Phạm Đình Ngãi đã truyền cảm hứng về một thế hệ trẻ khát khao lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Ngô Văn Quân, sáng lập ứng dụng Thợ xây dựng: Kết nối nhân sự ngành xây dựng
Đam mê công nghệ, luôn khát khao được khai phá chính mình và bị thôi thúc bởi mong muốn tạo ra nhiều tiện ích hơn cho cuộc sống, Ngô Văn Quân đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư