Thứ Ba, Ngày 06 tháng 05 năm 2025,
Phân luồng hàng hóa rủi ro, có khả năng mất an toàn để quản lý chất lượng
T.L - 06/05/2025 10:48
 
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa bổ sung các quy định nhằm xác định rõ hơn sản phẩm, hàng hóa có khả năng mất an toàn (nhóm 2) để đưa ra giải pháp quản lý.
TIN LIÊN QUAN

Đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn

Sáng nay (6/5), Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, hiện nay việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người tiêu dùng, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Tuy nhiên, cách hiểu và việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn chưa được quy định cụ thể trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá nên dẫn đến tình trạng chưa thống nhất.  

Vì vậy, dự thảo luật bổ sung các điều, khoản nhằm đổi mới việc xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong đó, dự thảo sửa đổi nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa, trong đó bao gồm tất cả các loại sản phẩm, hàng hoá như nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị....

Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm) và sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm). Khả năng gây mất an toàn có thể xẩy ra đối với sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 được xác định dựa trên một hoặc những yếu tố sau: bản chất hoá học, vật lý, sinh học; kết cấu, nguyên lý hoạt động; quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng.  

Dự thảo Luật bổ sung quy định về các yếu tố để xác định khả năng gây mất an toàn có thể xảy ra đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 như báo cáo nêu trên là phù hợp. Căn cứ các yếu tố này, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xác định sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro cao (ví dụ như vật liệu nổ, thuốc thú y, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng...), sản phẩm, hàng hóa có tính chất rủi ro trung bình, thấp (ví dụ như mũ bảo hiểm, thiết bị điện - điện tử gia dụng, vật liệu xây dựng...), phù hợp với đặc tính của từng sản phẩm, hàng hóa, yêu cầu, khả năng quản lý nhà nước trong từng thời kỳ của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Với hàng hóa nhập khẩu, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 11 về quyền của người nhập khẩu theo hướng quy định người nhập khẩu lựa chọn tổ chức giám định thành lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp để đánh giá sự phù hợp chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo hướng căn cứ vào tính chất rủi ro của hàng hóa để áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm đối với hàng hóa có tính chất rủi ro cao, biện pháp quản lý hậu kiểm đối với các hàng hóa nhóm 2 khác, các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa.

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh theo hướng quản lý theo mức độ rủi ro thấp, trung bình và cao. Việc đánh giá mức độ rủi ro thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO); dựa trên cảnh báo của tổ chức quốc tế có liên quan; khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.

Ứng dụng công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là bổ sung thêm khái niệm về “mã số, mã vạch”; “truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”, “mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa”, “mã truy vết sản phẩm”, “mã truy vết địa điểm”; “nhãn hàng hóa”, “nhãn điện tử” và “hộ chiếu số của sản phẩm”. Điều này nhằm thể chế hóa ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Theo tờ trình của Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.  

Việc ứng dụng mã số, mã vạch trên nền tảng công nghệ như Blockchain, IoT, AI và các công nghệ mới khác cũng sẽ tạo ra hệ sinh thái số, dữ liệu lớn (Big data) phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa), là công cụ phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm; người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. 

Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường  cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng dự án Luật và đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật như: ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa mậu biên, kinh doanh qua thương mại điện tử.

Uỷ ban KH,CN&MT cũng cơ bản thống nhất với các chính sách của nhà nước về hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung một số chính sách như hài hòa tiêu chuẩn, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chuỗi cung ứng; xã hội hóa việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp.

Về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cơ quan thẩm tra, đề nghị rà soát quy định về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất;  nghiên cứu, sửa đổi quy định về kiểm tra nhập khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa; đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về CLSPHH (Điều 66 Luật hiện hành).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư