Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập ở mức nào?
Bảo Duy - 25/10/2019 08:54
 
“Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”, nhiều doanh nghiệp đã lại đặt vấn đề này, sau khi chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa với những tư duy rất khác nhau trên diễn đàn Quốc hội những ngày qua và chắc sẽ còn tiếp tục trong những ngày tới.
.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. 

Đây là câu hỏi cần được trả lời, bởi một cách rất thực tế là tư duy, ứng xử với cơ chế, chính sách và pháp luật của các đại biểu Quốc hội sẽ chi phối không chỉ cách thức ứng phó với cơ hội và thách thức, mà quyết định con đường một quốc gia, một nền kinh tế sẽ trở thành người chiến thắng hay chiến bại trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo kế hoạch, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Trong số này, có nhiều dự luật trực tiếp tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Và không chỉ doanh nghiệp chịu tác động.

Có thể nhắc đến các dự án luật sẽ xem xét, thông qua kỳ này như Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam...

Hay một số luật Quốc hội sẽ cho ý kiến như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…

Kế hoạch này nhằm thực hiện yêu cầu hoàn thiện pháp luật theo cam kết của Việt Nam với quốc tế, đặc biệt là cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Nhưng, sự thay đổi này chắc chắn là đòi hỏi tự thân của nền kinh tế, khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, đang tham gia 12 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, chưa tính Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã ký kết cuối tháng 6/2019 và đang hoàn tất thủ tục để có hiệu lực. Nếu pháp luật kinh doanh nội địa không được đặt trong khung khổ của cam kết quốc tế, không tính đến một cách đầy đủ trong mối quan hệ với các đối tác cũng như xu hướng phát triển của thế giới và năng lực thực tế của Việt Nam, thì cơ hội từ hội nhập sẽ rất khó được hiện thực hóa.

Bài học từ tận dụng cơ hội khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 12 năm trước vẫn còn nguyên giá trị.

Có lẽ, cũng cần phải nhắc tới cả thứ hạng mới của môi trường kinh doanh Việt Nam trên Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh 2020 mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố hôm qua (24/10). Với 2 cải cách, môi trường kinh doanh Việt Nam lùi một bậc so với lần xếp hạng trước. Trong khi đó, Indonesia và Myanmar được ghi nhận có 5 cải cách; Philippines có 3 cải cách…

Về thứ hạng trong khu vực ASEAN, một năm nữa kế hoạch lọt Top 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất của Việt Nam chưa đạt được. Việt Nam đang xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei trên Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh 2020.

Mặc dù năm nay, WB cũng nhận định tốc độ cải cách môi trường kinh doanh ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng, cải cách liên tục là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân.

Trong bối cảnh này, nếu việc củng cố hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách thiếu nền tảng các nguyên lý của pháp luật hiện đại, hội nhập, thiếu tư duy rõ nét về kinh tế thị trường, môi trường kinh doanh Việt Nam rất có thể sẽ khó khăn tìm hướng bứt phá.

[Infographic] Những nội dung chính của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Tại kỳ họp này, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư