Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Phát hiện sớm ung thư nhờ trí tuệ nhân tạo
Dương Ngân - 21/01/2024 17:23
 
Đã có trường hợp nội soi bình thường là một polyp nhỏ, nhưng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) báo động đỏ, nhắc nhở bác sỹ vị trí này có vấn đề, để bác sỹ quay lại kiểm tra kỹ, sinh thiết và phát hiện ra ung thư.
Mô hình NURA ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh
Mô hình NURA ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh

Hỗ trợ bác sỹ trong chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư

Vừa qua, các bác sỹ của Bệnh viện 19-8 thực hiện ca nội soi dạ dày, đại trực tràng cho nữ bệnh nhân 44 tuổi bằng công nghệ AI tại phòng nội soi Khoa Nội tiêu hóa. PGS-TS. Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho hay, ứng dụng phần mềm AI trong nội soi đường tiêu hóa giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế.

Nói thêm về điều này, ThS-BS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Khoa Nội tiêu hóa cho biết, trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hóa thực hiện 80-120 ca nội soi tiêu hóa; khoảng 60 bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Mỗi tháng, Bệnh viện thực hiện 200 ca phải cắt polyp đại trực tràng. Nhiều ca vào thăm khám, qua nội soi đã phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ứng dụng AI trong nội soi đường tiêu hóa đã phát hiện polyp đại trực tràng còn rất nhỏ, hoặc nằm ở góc khuất. Tỷ lệ phát hiện ung thư đường tiêu hóa đã nhiều hơn so với những năm trước nhờ ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại.

Còn theo ThS-BS. Nguyễn Việt Dũng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa (Bệnh viện 19-8), trong lĩnh vực tiêu hóa, tầm soát polyp đại trực tràng, AI giống như “con mắt thứ ba”, hỗ trợ bác sỹ, tránh bỏ sót tổn thương. Đồng thời, AI cũng hỗ trợ bác sỹ phân loại được tổn thương cho người bệnh, điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh bác sỹ tiêu hóa tại Việt Nam đang phải chịu đựng áp lực guồng làm việc rất lớn khi thực hiện hàng chục ca nội soi tiêu hóa mỗi ngày. Sự hỗ trợ của AI giống như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sỹ có bỏ sót tổn thương hay không.

Phần mềm AI ứng dụng vào nội soi tiêu hóa góp phần đáp ứng nhu cầu tầm soát, sàng lọc polyp và ung thư đại - trực tràng. Khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%.

"Trong xu thế phát triển, AI được nâng tầm thêm bước nữa, giúp đỡ bác sỹ tránh bỏ sót tổn thương và đọc tốt phân loại tổn thương", bác sỹ Dũng cho hay.

Cũng theo bác sỹ Dũng, trong quá trình nội soi, với tổn thương dưới 20 mm không ác tính xâm nhập, các bác sỹ sẽ xử lý cắt polyp ngay lúc nội soi. Đối với tổn thương có kích thước lớn hơn sẽ cân nhắc có cắt bỏ ngay chưa, vì các bác sỹ sẽ phải nhuộm màu, sinh thiết polyp xem có xâm lấn hay không để đưa ra quyết định xử lý tổn thương. Sự hỗ trợ của AI rất tuyệt vời, không bỏ sót tổn thương cho người bệnh, phát hiện từ khi còn tiền ung thư, giúp chẩn đoán sớm cho người bệnh, mang lại hiệu quả rất cao.

Được biết, năm 2022, Bệnh viện 19-8 đã triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán, nội soi tiêu hóa 3 tháng. Năm 2023, Bệnh viện tiếp tục đưa công nghệ này vào phục vụ người dân, nhằm phát hiện sớm tổn thương đường tiêu hóa, đặc biệt phát hiện từ giai đoạn tiền ung thư.

Tại Hà Tĩnh, từ năm 2021, ứng dụng AI đã được sử dụng tại 19 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm tháng 3/2023, phần mềm AI đã sàng lọc được 52 dấu hiệu bất thường và không bất thường trên hình ảnh X.Quang ngực thẳng với độ chính xác trung bình đạt 91,5%; hệ thống lưu trữ và quản lý hình ảnh PACS; tự động phân loại 4 loại ung thư gan; hỗ trợ điều trị ung thư trực tràng dựa trên hình ảnh MRI…

Nhân rộng ứng dụng

Thông tin từ Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho hay, vừa qua, đội ngũ y, bác sỹ tại Bệnh viện đã tham gia chương trình khám, tư vấn, tầm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung bằng công nghệ AI cho 133 phụ nữ tại Trạm y tế xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, do Sở Y tế TP.HCM tổ chức. Công nghệ AI được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung là CerviCare AI. Đây là một kỹ thuật mới, giúp tầm soát ung thư cổ tử cung mà không phải thực hiện kỹ thuật Pap smear quen thuộc. Ngay sau khi thực hiện tầm soát, các chị em nhận được hình ảnh soi cổ tử cung, AI thông báo ngay kết quả. Được biết, trong thời gian tới, ứng dụng AI sẽ được triển khai thử nghiệm tại các bệnh viện chuyên khoa sản của TP.HCM.

Nhằm tăng ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm ung thư và một số bệnh, Trung tâm Y khoa Nhật Bản T-Matsuoka và Tập đoàn Fujifilm (Nhật Bản) vừa ký kết thỏa thuận độc quyền triển khai mô hình Nura kiểm tra sức khỏe tổng quát, sử dụng các thiết bị y tế bao gồm hệ thống chụp CT và chụp nhũ ảnh, hệ thống công nghệ thông tin tích hợp AI hỗ trợ sàng lọc và xét nghiệm, giúp tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lối sống và những bệnh ung thư phổ biến.

Mô hình Nura có thể được thực hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày mà không yêu cầu người khám phải nhịn ăn hay mất thời gian chờ đợi. Sau khi khám xong, họ được nhận ngay báo cáo chi tiết và dễ hiểu về tình trạng sức khỏe của mình. Thông qua thực hiện 32 bài kiểm tra, chỉ trong 120 phút, bằng việc sử dụng AI, các thiết bị y tế có khả năng chẩn đoán, phát hiện sớm 10 loại ung thư (ung thư vú, ung thư thận, ung thư gan...) và 22 bệnh phổ biến nhất liên quan đến lối sống (gan nhiễm mỡ, mỡ máu…).

Ngoài lợi ích của AI trong chẩn đoán ung thư, theo GS-TS. Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, việc ứng dụng AI giúp phát hiện sớm căn bệnh này, giúp bác sỹ không bị bỏ sót các dấu hiệu nhỏ. Đã có trường hợp soi bình thường là một polyp nhỏ, nhưng công nghệ AI báo động đỏ, nhắc nhở bác sỹ vị trí này có vấn đề, để bác sỹ quay lại kiểm tra kỹ, sinh thiết và phát hiện ra là ung thư sớm. “Nhờ vậy, người bệnh được điều trị kịp thời. Lúc này, bác sỹ có thể xử lý ngay tại chỗ, cắt hết niêm mạc; trường hợp u đã lớn có thể chuyển bác sỹ ngoại khoa xử lý", ông Thắng thông tin.

Điều trị thành công một số ca bệnh ung thư đại trực tràng di căn
Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với khoảng 2 triệu ca mắc mới mỗi năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư