Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phát huy lợi thế vùng trung tâm Đồng Tháp Mười
Tự Huy - 04/08/2015 14:12
 
Ông Đinh Minh Dũng, Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, Tháp Mười sẽ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp phục vụ nông nghiệp, tăng giá trị nông sản; phát triển mạnh thương mại - dịch vụ và du lịch, nhất là du lịch đặc thù vùng Tháp Mười.
.
Ông Đinh Minh Dũng, Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Thưa ông, tiềm năng, lợi thế của Đồng Tháp - huyện trung tâm vùng Đồng Tháp Mười là gì?

Huyện Tháp Mười cách TP.HCM 90 km, cách TP. Cần Thơ 95 km và cách TP. Cao Lãnh 32 km, Đông Bắc giáp tỉnh Long An, Đông Nam giáp tỉnh Tiền Giang, Tây Nam giáp huyện Cao Lãnh, phía Bắc giáp huyện Tam Nông.

Huyện Tháp Mười có hệ thống kênh rạch đan xen, trong đó nguồn nước ngọt từ sông Tiền đưa vào huyện thông qua các hệ thống kênh, vừa dẫn nước ngọt vừa kết nối giao thông thủy thuận lợi như: kênh Tháp Mười số 1 (kênh Đồng Tiến - Lagrnge), kênh An Phong - Mỹ Hòa - Bắc Đông, kênh Tháp Mười số 2 (kênh Nguyễn Văn Tiếp A), kênh 4 Bis (Kênh Tư Mới), các kênh trên nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây.

Bên cạnh lợi thế là trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, là vựa lúa lớn của tỉnh và khu vực, chủ động sản xuất cả ba vụ và diện tích tưới tiêu bằng bơm điện trên 93%, Đồng Tháp còn có lực lượng lao động dồi dào, có trình độ và kinh nghiệm sản xuất, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu các dự án sử dụng nhiều lao động và những dự án có trình độ công nghệ cao.

Hiện tại, huyện Tháp Mười có 2 khu công nghiệp với diện tích giai đoạn 1 là 150 ha/khu và Cụm công nghiệp Trường Xuân, với diện tích 93 ha đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư. Cùng với hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông của huyện Tháp Mười hết sức thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá, đi lại giao lưu kinh tế với các tỉnh lân cận và TP.HCM, đường bộ gồm các tuyến đường tỉnh ĐT 846, ĐT 845, ĐT 844 được nối liền vào tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ N2, các tuyến đường huyện được nối thông vào đường tỉnh.

Tiềm năng du lịch của huyện cũng rất lớn. “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” với những cánh đồng sen bạt ngàn, là nơi gìn giữ nhiều nét văn hóa - nghệ thuật truyền thống. Khu di tích Gò Tháp được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc.

Với sự đồng lòng chung sức trong toàn hệ thống và đồng thuận cao trong nhân dân, Tháp Mười phấn đấu sẽ là một huyện văn minh, năng động, sáng tạo, có hệ sinh thái bền vững, phát triển hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với dân tộc và đặc thù về cảnh quan môi trường, đồng thời là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc sông Tiền.

Được biết, kinh tế của Tháp Mười những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, ông có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm (2011 - 2015) ước đạt 10,77%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 36,5 triệu đồng, tương đương 1.659 USD, gấp 1,97 lần năm 2010.

Là huyện thuần nông, Tháp Mười có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ từng bước đẩy mạnh, góp phần ổn định sản xuất, đưa giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thuỷ sản năm 2015 ước đạt 4.253 tỷ đồng, tăng 1,27 lần so với năm 2010. Đồng thời gắn kết hiệu quả thiết thực với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn huyện có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 10 -12 tiêu chí.

.

Huyện Tháp Mười tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bộ mặt đô thị và nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc.

 

Thương mại - dịch vụ của huyện Tháp Mười phát triển khá sôi nổi, các sản phẩm, mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân được tăng lên về số lượng, chất lượng và chủng loại. Kết cấu hạ tầng các chợ được đầu tư nâng cấp, mở rộng (sửa chữa 7 chợ, xây dựng mới 4 chợ, nâng tổng số chợ hiện có lên 15 chợ/13 xã, thị trấn, trong đó có 8 chợ đạt chợ văn minh), đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân. Giá trị thương mại, dịch vụ ước đạt 4.290 tỷ đồng, tăng khoảng 2,87 lần so với năm 2010.

Hoạt động du lịch của huyện cũng có những tín hiệu tích cực, ngày càng nhiều khách du lịch đến với Tháp Mười, UBND huyện đã tích cực phối hợp với các ngành tập trung kêu gọi đầu tư Khu di tích Gò Tháp, hiện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, triển khai nhiều hạng mục công trình và đã có một số nhà đầu tư đến đăng ký đầu tư. Đặc biệt, huyện đã quy hoạch hình thành mô hình du lịch cộng đồng Đồng sen Tháp Mười, gắn với du lịch tâm linh qua Lễ hội Gò Tháp.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện tiếp tục phát triển, đã có sự đổi mới trong phát triển của ngành, nổi bật là hình thành cơ sở chế biến lúa gạo khép kín, gắn với cánh đồng liên kết trên địa bàn tại Cụm Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Trường Xuân.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được duy trì, mở rộng quy mô, đặc biệt, các cơ sở cơ khí phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được nâng cao, có nhiều sản phẩm mới được thị trường chấp nhận, 6 sản phẩm cơ khí được tỉnh Đồng Tháp bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển như: xúc tiến kêu gọi hợp tác đầu tư, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh... nên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 của huyện đạt 287,221 tỷ đồng, tăng khoảng 2,22 lần so với năm 2010.

Hạ tầng có vai trò rất quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội. Vấn đề này được địa phương thực hiện ra sao trong thời gian qua để tạo động lực phát triển, thưa ông?

5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của huyện đạt 5.238 tỷ đồng, bộ mặt đô thị và nông thôn huyện Tháp Mười đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, Tháp Mười tập trung mạnh vào lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và huy động từ các thành phần kinh tế, huyện đã xây dựng các công trình trọng tâm trên các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, chợ và các công trình văn hoá - xã hội phục vụ dân sinh.

Cụ thể, Trung ương và tỉnh đã xây dựng tuyến Quốc lộ N2, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường tỉnh ĐT 844, nâng cấp hệ thống cầu tuyến ĐT 845, đang khảo sát nâng cấp hệ thống cầu, đường tuyến ĐT 846 (thị trấn Mỹ An - Đốc Binh Kiều) và đã triển khai nạo vét kênh Nguyễn Văn Tiếp A, kênh Đồng Tiến - Lagrange, kênh An Phong - Mỹ Hòa - Bắc Đông.

Mạng lưới đô thị trên địa bàn được xây dựng và phát triển theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của huyện. Thị trấn Mỹ An đã được công nhận là đô thị loại 4, tiếp tục quy hoạch với cấp hành chính là thị xã, trung tâm xã Trường Xuân đã được công nhận là đô thị loại 5. Thực hiện nâng cấp trung tâm các xã Mỹ Đông, Mỹ Quý, Đường Thét lên thành thị tứ.

Cùng với việc phát triển kết cấu hạ tầng, mạng lưới đô thị, huyện đã triển khai xây dựng tổng số 27 cụm, tuyến dân cư. Đến nay kết cấu hạ tầng thiết yếu trong các cụm tuyến dân cư đã hoàn thành, đảm bảo bố trí 100% số hộ (5.813 hộ) vào ở. Hiện huyện Tháp Mười đang triển khai xây dựng hạ tầng Cụm dân cư thị trấn Mỹ An (bổ sung), dự kiến trong năm 2015 sẽ hoàn thành và bố trí dân vào ở.

Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hiệu quả, bền vững và chất lượng, Tháp Mười sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?

Tháp Mười sẽ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp phục vụ nông nghiệp, tăng giá trị nông sản; phát triển mạnh thương mại - dịch vụ và du lịch, nhất là du lịch đặc thù vùng Tháp Mười (du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh Gò Tháp); chú trọng xúc tiến, thu hút các nguồn lực trong và ngoài huyện. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, lao động thích ứng với yêu cầu phát triển gắn với giảm nghèo bền vững. Bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng chính quyền thân thiện, điều hành năng động, quản lý hiệu quả, trách nhiệm với nhân dân. Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa huyện phát triển nhanh, bền vững.

Cụ thể, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với liên kết, tiêu thụ, nâng cao chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Thực hiện hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, sớm đưa huyện trở thành huyện nông thôn mới.

Xây dựng mô hình phát triển du lịch đặc thù vùng Tháp Mười, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020.

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh kỷ cương, trong bộ máy nhà nước trên địa bàn. Tập trung giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sạch, công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế xây dựng, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực sản xuất để mở thêm ngành nghề mới, tận dụng nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho sản xuất.

Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và xúc tiến kêu gọi đầu tư thu hút đầu tư. Khai thác hợp lý lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để phát triển.

Đồng Tháp phát triển du lịch đặc thù
Đồng Tháp đang tìm kiếm giải pháp liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến phát triển du lịch bền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư