Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Phát huy nội lực, tạo đà bứt phá cho du lịch ngoại thành Hà Nội
Nguyễn Linh - 17/07/2024 17:07
 
Suốt quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Sơn Tây đã và đang dần trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, và du lịch quan trọng vùng đô thị phía Tây Thành phố.

Thị xã Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 42 km về phía Tây Bắc, nằm trong vùng đồng bằng Trung du Bắc bộ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả vùng, có nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối Thủ đô Hà Nội với vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng Tây Bắc rộng lớn của Tổ quốc như: Sông Hồng - Sông Tích, đường Quốc lộ 32, Quốc lộ 21A, đường tỉnh lộ 414, 413… 

Trải qua 100 năm thành lập, 70 năm sau giải phóng và 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thị xã Sơn Tây đã có những đổi thay mạnh mẽ nhằm xứng đáng với những lợi thế về vị trí địa lý, lịch sử, văn hoá và nhân dân anh hùng. Những bước tiến này không chỉ phản ánh qua sự phát triển hạ tầng, mà còn được minh chứng qua các chỉ số kinh tế, văn hóa và xã hội.

Thị xã Sơn Tây đã và đang dần trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, và du lịch quan trọng.

Về mặt kinh tế, Thị xã đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, từ một khu vực chủ yếu dựa vào nông nghiệp sang phát triển đa ngành, trong đó du lịch đóng vai trò then chốt. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp đồng bộ, các tuyến đường giao thông chính được mở rộng và cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và giao thương. Các điểm du lịch đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động kinh tế du lịch tiếp tục phát triển với hơn 600.000 lượt khách tới thăm quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất Sơn Tây - Xứ Đoài như: Thành cổ, làng cổ, Văn Miếu - Sơn Tây, đền Và, chùa Mía. 

Cùng với đó, Thị xã có 2 điểm du lịch đã được UBND Thành phố công nhận là điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn. Du lịch Sơn Tây đã được lan tỏa trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, giáo dục đào tạo phát triển tích cực về cả quy mô và chất lượng. 

Chèo thuyền kayak là một trong các hoạt động không thể bỏ qua khi đến thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn.

Thị xã cũng đã hoàn thành quy hoạch phân khu ST1 cùng những định hướng phát triển đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Tây bắc Thủ đô với tính chất văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh…

Ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây khẳng định, để du khách hài lòng với trải nghiệm của mình, Thị xã khuyến khích các khu lưu trú, nhà hàng, cửa hàng và các dịch vụ khác nâng cao chất lượng hơn nữa, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, Thị xã cũng hợp tác với các địa phương khác, như: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai… tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Về mặt văn hóa, Sơn Tây luôn tự hào với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa phong phú. Các di tích lịch sử và văn hóa được bảo tồn và phát huy, tạo nên những điểm nhấn độc đáo cho du lịch địa phương. Những lễ hội truyền thống, như lễ hội đền Và, lễ hội chùa Mía, được tổ chức thường niên, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia, tạo nên không khí sôi động và gắn kết cộng đồng.

Công tác giáo dục và đào tạo cũng được đặc biệt chú trọng, với hệ thống trường học được đầu tư hiện đại, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao. Các chương trình an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ, đảm bảo đời sống người dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, và các dịch vụ y tế được nâng cao.

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, động viên nhân dân xã Đường Lâm nhân dịp kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

Về tầm nhìn tương lai, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch năm 2017 với mục tiêu tích hợp các nội dung đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, Sơn Tây với vai trò là một cấu trúc trong tổng thể phát triển của Thủ đô Hà Nội sẽ có những vai trò, chức năng và vị thế trong tình hình mới.

Cụ thể, Sơn Tây được xác định là đô thị cửa ngõ vùng Thủ đô, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Tây Bắc của Hà Nội có tính chất cơ bản là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị xanh, đô thị vệ tinh, cửa ngõ phía Tây Bắc của Hà Nội với vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng; là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32, đường Vành đai 5; là hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội.

Chào mừng sự kiện kỷ niệm 555 danh xưng “Sơn Tây”, 100 năm thành lập Thị xã, 70 năm Ngày Giải phóng Thị xã gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Sơn Tây đã và đang chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động, dự kiện tiêu biểu như: Trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật, sưu tầm trao tặng hiện vật, tư liệu về mảnh đất, con người Sơn Tây, thi tìm hiểu “Thị xã Sơn Tây - Lịch sử hình thành và phát triển”; biên tập, bổ sung và xuất bản cuốn sách “Sơn Tây - Hội tụ và lan tỏa văn hóa xứ Đoài”; phối hợp xây dựng phim tư liệu “Sơn Tây - Đẹp mãi danh xưng”…

Đồng thời, tổ chức khởi công , khánh thành một số công trình trọng điểm, chỉnh trang lại các tuyến phố nội thị, Thành cổ, sân vận động Thị xã, Văn Miếu Sơn Tây; trang trí làm đẹp khu vực bùng binh, đảo giao thông đường vành đai 5, cầu Vĩnh Thịnh; xây sửa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; thăm tặng quà gia đình chính sách, người có công, nhân chứng lịch sử và nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu phố đi bộ…
Hà Nội: Sơn Tây tạo điểm nhấn du lịch nông thôn Xứ Đoài
Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, tạo điểm nhấn du lịch nông thôn gắn với các làng nghề truyền thống, đặc sản,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư