Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Phát triển ngân hàng số - lợi nhuận đi kèm rủi ro
Thùy Vinh - 06/12/2016 15:01
 
Cùng với làn sóng công nghệ số ngày càng lan tỏa mạnh, đòi hỏi các nhà băng phải đầu tư phát triển ngân hàng số. Nhưng nếu không có sự đầu tư bài bản thì rủi ro sẽ gia tăng, nhất là khi các giao dịch được thực hiện bằng công nghệ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng sẽ đem lại lợi nhuận khá. Các ngân hàng có thể khai thác rất lớn hiệu quả của ngân hàng số khi dịch vụ bán lẻ của ngân hàng còn quá nhiều tiềm năng. Hiện Việt Nam có gần 50 triệu người đang sử dụng mạng Internet, chiếm khoảng 52% dân số. So với các nước trong khu vực ASEAN, người dân Việt Nam đang sử dụng Internet nhiều hơn Thái Lan và Malaysia (42%), Indonesia (20%), Philipinnes (43%)… Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận từ mảng bán lẻ rất lớn và đòi hỏi phải phát triển ngân hàng số. 

Ông Huỳnh Song Hào, Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khu vực phía Nam cho biết, những năm trở lại đây, Vietcombank đã chuyển hướng tăng trưởng mạnh về bán lẻ, do đó, việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để có thể tiếp cận được khách hàng là điều kiện cần thiết. Bởi thế, Vietcombank đã liên tục đưa ra các sản phẩm tín dụng cá nhân phù hợp thị trường.

.
Rủi ro trong phát triển ngân hàng số khó có thể tránh khỏi như: gian lận, bảo mật, hacker...

Vietcombank đang triển khai thí điểm mô hình Digital Lab ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM. Khi khách hàng đến ngân hàng giao dịch không cần phải tới quầy, mà chỉ cần thực hiện thao tác trên máy tính, điền đầy đủ thông tin, sau đó chỉ cần tới quầy nhận hoặc nộp tiền. Với việc ra mắt Digital Lab, Vietcombank kỳ vọng đạt được con số 40% lượng giao dịch thực hiện trên các kênh ngân hàng điện tử và thu hút khoảng 50% lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như Internet banking, mobile banking.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mai Khanh, Giám đốc Ban phát triển ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, phát triển ngân hàng số cần có sự đầu tư và sẽ làm tăng chi phí từ 23-28%, nhưng doanh thu mang lại tăng trưởng khoảng 43-47%, chênh lệch ròng khoảng 13-15%. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư cho bán lẻ, ngân hàng số sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận lớn. “Trong 5 năm nữa, BIDV sẽ tràn ngập các dự án chuyển đổi, mà trước hết đó là chuyển đổi hệ thống coke banking, nâng cấp toàn bộ hệ thống Internet và mobile banking… nhằm tạo nên ngân hàng số hiện đại, đáp ứng các trải nghiệm cho khách hàng trong giao dịch”, ông Khanh tiết lộ.

Việc đầu tư, phát triển ngân hàng số là tất yếu, tuy nhiên, mỗi ngân hàng phải xác định được năng lực của mình để có sự đầu tư một cách đúng đắn, bởi rủi ro trong phát triển ngân hàng số khó có thể tránh khỏi như: gian lận, bảo mật, hacker… Theo TS. Cấn Văn Lực, 40-45% rủi ro hiện nay của ngân hàng có tác động từ công nghệ, bởi thế, nên có quy định riêng về ngân hàng số giúp các ngân hàng có hành lang pháp lý để phát triển mô hình này trong tương lai.

“Hiện trên thế giới có 3 cấp độ về phát triển ngân hàng số, đó là: ngân hàng số là một dự án; ngân hàng số là một lĩnh vực kinh doanh; ngân hàng số là một giá trị cốt lõi. Các ngân hàng của Việt Nam nên chọn ngân hàng số là một lĩnh vực kinh doanh (cấp độ 2)”, ông Lực khuyến cáo.

Xin thêm room tín dụng, nhiều ngân hàng muốn "hợp lý" số vốn đã giải ngân
Mặc dù đã sang tháng cuối năm, một loạt ngân hàng vẫn xin thêm quota tín dụng. Một phần để có cơ hội gia tăng cho vay mùa cao điểm, một phần là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư