Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Phát triển sản phẩm xuất khẩu chiến lược sang thị trường có FTA
Thế Hoàng - 03/12/2022 09:43
 
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, mỗi địa phương nên dồn nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển một vài mặt hàng xuất khẩu chiến lược để khai thác cơ hội thị từ 15 FTA.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, mỗi địa phương cần đầu tư 1-2 sản phẩm chủ lực để xuất khẩu.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, mỗi địa phương cần đầu tư 1-2 sản phẩm chủ lực để xuất khẩu sang thị trường có FTA.

Thông tin tại Tọa đàm :"Vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA", Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới đã cí sự cải thiện trong thời gian qua.

Với Hiệp định CPTPP, hiện có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường trong khối này và khoảng trên dưới 50% tỉnh, thành có hoạt động xuất nhập khẩu với các nước thuộc EVFTA.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp được khảo sát mới đây, có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng, FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, tăng đáng kể so với mức 46,8% hồi năm 2016.

Ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: "từ khi có các FTA thế hệ mới như CPTPP, UKVFTA hay EVFTA..., doanh nghiệp tại địa phương đã tận dụng các FTA này để tăng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đã tăng ba lần so với trước đó".

Với Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu sang các nước ký kết hiệp định như CPTPP cũng như EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 ước đạt được khoảng 5,88 tỷ USD và chiếm 33,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, với khoảng 2.600 doanh nghiệp xuất khẩu  và khoảng 7.900 doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu từ các nước ký kết các Hiệp định FTA.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang các nước trong 3 FTA này bao gồm các mặt hàng cơ kim khí đạt khoảng 1,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30,8% tổng xuất khẩu kim ngạch xuất khẩu cũng như hàng dệt may đạt khoảng 0,8 tỷ USD và linh kiện điện tử vi tính đạt khoảng 0,6 tỷ USD; giày dép, cặp túi các loại đạt khoảng 0,3 tỷ USD và nông sản các loại thì đạt 0,2 tỷ USD.

Các doanh nghiệp tại Hà Nội nhập khẩu hàng hóa từ khu vực thị trường thuộc 3 FTA kể trên khoảng 13,03 tỷ USD, cán cân thương mại đang nghiêng về nhập siêu khá lớn.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, "Nhu cầu của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA. Đồng thời, vẫn còn cách biệt khá lớn giữa nhu cầu của doanh nghiệp đối với cái khả năng đáp ứng từ các cơ quan nhà nước, địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các FTA thế hệ mới.  

Thực tế, các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới, nhưng việc kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tại nhiều địa phương có thể làm tốt hơn nữa. Khi sự hỗ trợ về chính sách của các địa phương sẽ giúp doanh nghiệp bỏ tư duy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống đã có sẵn tại khu vực Đông Á để khai thác mạnh mẽ các thị trường mới mở, với những thuận lợi về thương mại và ưu đãi thuế quan.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực còn thiếu hụt, mỗi địa phương cần xác định các mặt hàng chiến lược để có cơ chế hỗ trơ.

"Mỗi tỉnh thành nên lựa chọn 1-2 mặt hàng chiến lược. Long An mạnh về gạo thì nên đầu tư lớn cho ngành gạo, Hải Phòng có thế mạnh về sản xuất giày dép xuất khẩu thì tập trung vào giày dép, địa phương nào mạnh về lĩnh vực nào thì nên đầu tư mạnh vào lĩnh vực đó", ông Khanh đề xuất.

Cụ thể, với Long An, chẳng hạn họ có 25 doanh nghiệp về xuất khẩu gạo thì 25 doanh nghiệp cần ngồi lại để cùng bàn bạc, tăng liên kết, phối hợp chặt chẽ để cùng tổ chức sản xuất, phát triển thị trường, ttránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, thì hiệu quả phát triển cả một hệ sinh thái của ngành gạo sẽ tốt hơn nhiều.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đàm phán 17 FTA, trong đó 15 FTA đang thực thi, gồm nhiều FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Để thực thi hiệu quả các FTA này, mỗi địa phương cần thay đổi tư duy hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp, phổ biến chính sách kịp thời...

"Mong mỏi của doanh nghiệp là địa phương hỗ trợ sát hơn với từng nhu cầu của họ trong quá trình sản xuất kinh doanh và xuất khẩu đi các thị trường có FTA. Nhất là đặc thù của doanh nghiệp Việt phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ thì cần có cách thức tiếp cận linh hoạt, sát nhất với nhu cầu của các doanh nghiệp", ông Phạm Ngọc Thạch khuyến nghị.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA năm 2021 đạt 69,08 tỷ USD, chiếm 32,66% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Thực thi các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.

EVFTA khẳng định vai trò đòn bẩy cho thương mại Việt Nam – EU
Chiều 29/9, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU với chủ đề: “Việt Nam – EU hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư