Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Phát triển thư viện số công cộng - xu hướng tất yếu
Hoàng Nam - 29/06/2024 10:20
 
Thư viện số công cộng là một phần không thể thiếu ở hầu khắp quốc gia. Những thư viện này cung cấp quyền truy cập trực tuyến vào các bộ sưu tập sách, tạp chí, tài liệu điện tử, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cộng đồng.

Sau đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều tổ chức thư viện trên thế giới quan tâm đến việc mở rộng phát triển các thư viện số công cộng. Có thể kể đến Thư viện công cộng kỹ thuật số của Mỹ với hơn 50 triệu hình ảnh, văn bản, video và âm thanh; hay 891.783 mục được số hóa từ bộ sưu tập của Thư viện công cộng New York. Thư viện công cộng London với khoảng 14 triệu cuốn sách, hơn 2.500 đầu tạp chí điện tử, cho phép người dùng truy cập miễn phí vào sách điện tử, sách nói, báo, tạp chí, chương trình truyền hình, phim, nhạc và nhiều khóa học được cập nhật thường xuyên.

Báo cáo Hệ sinh thái thư viện số công cộng của Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) năm 2023 cho biết, thư viện số công cộng là mạng lưới kết nối tiêu thụ sách kỹ thuật số, đặc biệt thông qua các thư viện công cộng. So với thư viện truyền thống, thư viện số giúp việc truy cập tài liệu và kiến thức mọi lúc, mọi nơi trở nên dễ dàng hơn trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng.

Các thư viện số công cộng có nhiều lợi ích từ phương thức tự động hóa. Chẳng hạn, trong quản lý danh mục và kiểm kê, thư viện tự động hóa quá trình thêm sách, tài nguyên số và các tài liệu khác vào danh mục thư viện. Điều này bao gồm nhập siêu dữ liệu, tạo số cuộc gọi và cập nhật hồ sơ. Nhân viên sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) để tiến hành kiểm tra hàng tồn kho thường xuyên và xác định vị trí các tài liệu bị thiếu hiệu quả hơn.

Hay trong phân tích và đề xuất của khách truy cập, tự động hóa thư viện giúp thu thập và phân tích dữ liệu của người đọc để hiểu rõ hơn các thói quen và sở thích, từ đó cải thiện thông tin và chất lượng cung cấp trong quá trình xây dựng, phát triển bộ sưu tập và lập kế hoạch chương trình truyền thông. Bên cạnh đó, hệ thống còn có khả năng đề xuất sách và tài liệu liên quan cho khách hàng dựa trên sở thích và lịch sử mượn sách của họ…

Đánh giá về mặt tiềm năng, Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội trong phát triển thư viện số công cộng. Dựa trên dữ liệu từ Trung tâm thư viện máy tính trực tuyến (Online Computer Library Center), Việt Nam có số lượng thư viện công cộng cao nhất Đông Nam Á, với tổng cộng 6.991 thư viện.

Báo cáo giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 cho thấy, trong những năm gần đây, hầu hết các nước Đông Nam Á đã phát triển nền tảng quản lý học tập với sự hợp tác của các công ty tư nhân và tổ chức đa phương. Đơn cử, tại Thái Lan, nền tảng giáo dục kỹ thuật số xuất sắc (DEEP) được thành lập với sự hợp tác của Google, Microsoft và các tổ chức thành viên khác, cung cấp các tiện ích tiếp cận thư viện số trực tuyến cho người học.

Theo Scott Carlson, thư viện số cần các chương trình tiếp cận mạnh mẽ hơn tới khách hàng và xây dựng phương thức quản lý, giám sát hiệu quả các bộ sưu tập kỹ thuật số và tài nguyên điện tử, chẳng hạn thiết lập tự động hóa thư viện.

Bên cạnh việc phục vụ trực tuyến (online) là nơi cho sinh viên, chuyên gia học tập và làm việc từ xa, các thư viện số công cộng ngày nay còn kết hợp tổ chức các hoạt động trực tiếp (offline) như các chương trình hội thảo, câu lạc bộ sách hỗ trợ nâng cao tri thức và khuyến khích sự quan tâm của cộng đồng đối với văn hóa đọc.

Năm 2023, Ủy ban Thư viện quốc gia Singapore (NLBS) và Hiệp hội Thư viện Singapore (LAS) tổ chức nhiều buổi hội thảo với sự tham gia kết hợp của nhiều chuyên gia trong nước để khuyến khích công dân sử dụng thư viện số cho mục đích tổng hợp thông tin hiệu quả cho công việc. NLBS cho biết, họ có kế hoạch chuyển đổi các thư viện vật lý sang thư viện số công cộng trong thời gian tới, khi tổng lượng khách truy cập trực tuyến vào năm 2023 ghi nhận tăng hơn 3 triệu, lên 19,8 triệu lượt.

Thư viện số quốc gia Ấn Độ (NDLI) cũng thiết lập các câu lạc bộ NDLI phục vụ việc thúc đẩy sử dụng các tài nguyên học thuật kỹ thuật số hướng đến cộng đồng. Tính đến năm 2023, NDLI đã thành lập hơn 4.900 câu lạc bộ trên toàn quốc, giúp tổ chức học tập nhằm phát triển năng lực đọc và tìm hiểu lịch sử vì một quốc gia hiểu biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư