Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Phía sau những bức tâm thư
Bảo Duy - 26/03/2020 09:34
 
Những doanh nghiệp lớn nhất cũng phải nói về khó khăn.

Trong bức tâm thư gửi 3.000 nhân viên mới đây, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC đã nhắc tới tham vọng trở thành công ty toàn cầu với quy mô hàng tỷ đô la vào năm 2023, nhưng cũng không giấu những lo ngại trong dòng cảnh báo đại dịch có thể dẫn đến suy thoái nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu với thời gian có thể kéo dài 6 tháng đến hàng năm.

Chủ tịch Novaland, ông Bùi Thành Nhơn nhìn nhận, năm 2020 sẽ là một năm đầy thử thách trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bamboo Airways cũng đang bị nhắc đến khoản nợ 205 tỷ đồng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)...

Cú sốc cả cung và cầu khi dịch Covid-19 kéo dài, phức tạp được giới phân tích kinh tế thế giới gọi là “hiếm có”, khiến nền kinh tế Việt Nam có độ mở rộng, mức lệ thuộc cao vào thị trường thế giới, thực lực chưa thật sự mạnh đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.

Hầu như mọi doanh nghiệp đều thấy mình đang bị hút vào vòng xoáy khó khăn này.

Thậm chí, có thể dự báo trước khả năng xuất hiện thêm nhiều đơn vị mới trong danh sách doanh nghiệp tạm dừng, đóng cửa, phá sản mà Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trong vài ngày tới cũng như các tháng tiếp sau. Điều đó đồng nghĩa những kịch bản xấu nhất của nền kinh tế cũng đã có trong đầu của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp.

Tập đoàn Công nghệ CMC đang xây dựng kế hoạch 2020 với ba kịch bản gồm Phát triển; Thận trọng; Rất xấu theo các dự báo về nền kinh tế thế giới và Việt Nam.

FPT đã lập Bộ chỉ huy chống dịch tại Tập đoàn và các công ty thành viên. Nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên sàn như Vinamilk, Hòa Phát, Vicostone, FECON... đã liên tục đăng ký mua vào cổ phiếu của chính công ty khi giá đang trong thế tụt dốc. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang tình trạng ngủ đông, để duy trì dòng tiền tối thiểu, giữ được bộ máy chủ chốt, đợi dịch bệnh được khống chế...

Trong lúc này, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã “dọn đường” về tâm lý khi nói rằng, trong lúc khó khăn, không nên quy kết việc một doanh nghiệp buộc phải sa thải nhân công đơn giản là vô đạo đức, vì việc giảm bớt nhân sự có thể là để bảo tồn doanh nghiệp, nhằm "cứu" nhiều người khác cũng là đạo đức...

Tuy vậy, rất nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ nhân viên của mình. Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã gửi tới những người FPT cam kết: “Các bạn là tài sản quý báu nhất của FPT và FPT sẽ bảo vệ các bạn hết mình trong hoạn nạn”. Chủ tịch CMC muốn 3.000 nhân viên cùng “nắm chặt tay nhau, tay trong tay cùng nhau tiến bước". Tập đoàn Mường Thanh gửi đi thông điệp “no đói có nhau” tới 12.000 nhân viên của mình...

Hẳn nhiên, sẽ có doanh nghiệp chịu tốn phí nhiều hơn, cạnh tranh khó hơn, vì vậy sẽ chậm phục hồi hơn sau khi dịch đi qua... Thương trường vốn rất nghiệt ngã, nhiều khi buộc doanh nghiệp phải có sự lựa chọn cũng nghiệt ngã không kém. Trong “thời chống dịch như chống giặc” hiện tại, mọi lựa chọn lại càng khó khăn hơn.

“Các doanh nghiệp đang rất quyết liệt, tôi đang kỳ vọng những hành động tương tự từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ thực sự, có ý nghĩa thực tế, chứ không chỉ là những đề xuất chính sách trong quyền hạn như hiện tại”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ quan điểm. Ông đang chờ đợi các đề xuất miễn nộp tiền bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, tiền thuế, tiền thuê đất... để Chính phủ có thể trình Quốc hội ngay trong dịp này.

Có thể, đây cũng là mong muốn mà nhiều doanh nhân, doanh nghiệp chưa thể nói hết trong các bức tâm thư.

Chính phủ đang theo sát doanh nghiệp
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam... lại vừa gửi các link khảo sát online tới doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư