Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Chính phủ đang theo sát doanh nghiệp
Bảo Duy - 24/03/2020 10:19
 
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam... lại vừa gửi các link khảo sát online tới doanh nghiệp thành viên. Hai tuần trước, một đợt khảo sát tương tự đã được thực hiện và đây có thể chưa phải là đợt cuối cùng.
.
Quan trọng nhất là không để những doanh nghiệp có năng lực, có khả năng phải đóng cửa vì không tiếp cận được kịp thời các nguồn hỗ trợ

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới gần như làm đảo lộn, thậm chí xóa sổ không ít kế hoạch phòng bị trước đó của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp. Điều mà nhiều doanh nghiệp không mong đợi nhất là phải tạm ngừng sản xuất, tạm ngừng hoạt động đang hiện rõ hơn.

“Chính phủ đang theo sát doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Doanh nghiệp cũng sẽ phải tự đánh giá thực trạng, sức khỏe, các vấn đề đang đối mặt, để có kiến nghị chính sách tương ứng”, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ lý do liên tục tiến hành các đợt khảo sát.

Thực ra, trong bối cảnh này, không khó để hình dung trước những đề xuất, khuyến nghị từ phía doanh nghiệp liên quan đến các giải pháp chính sách hỗ trợ.

Ngay khi một số động thái chính sách được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam... công bố, dự thảo, lấy ý kiến doanh nghiệp nhằm thực hiện Chỉ thị 11/2020/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, nhiều ý kiến mong có thêm giải pháp mạnh mẽ hơn, cả về thời gian thực hiện, lẫn quy mô, phạm vi, nguồn lực... Thậm chí, đã có những khuyến nghị miễn, thay vì tạm dừng, hoãn đóng một số khoản phải đóng, như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn và nhiều khoản chi phí hành chính khác trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của Covid -19. Một số ngành, lĩnh vực chịu tác động lớn như hàng không, du lịch, giáo dục... cũng đang chờ những chính sách thiết thực hơn.

“Khi có khó khăn ở quy mô lớn như thế này, thì việc đầu tiên với một quốc gia là an sinh xã hội, khi hàng triệu người có thể mất thu nhập. Mọi kế hoạch hỗ trợ nên nghĩ đến việc làm sao những nơi tập trung nhiều lao động nhất sẽ được hỗ trợ đủ để giữ cho người lao động không mất việc và có thu nhập, dù ở mức tối thiểu”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I đã chia sẻ như vậy khi được đề nghị đưa ra các khuyến nghị chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ các khuyến nghị theo xu hướng mạnh mẽ hơn này. Có thể sẽ có những giải pháp vượt tầm của Chính phủ, cần trình Quốc hội xem xét, hoặc có những giải pháp sẽ giảm nguồn thu của ngành, địa phương, nhưng vào thời điểm này, mục tiêu chính là phải để doanh nghiệp có điều kiện dồn nguồn lực còn lại duy trì sản xuất, kinh doanh. Quan trọng nhất là không để những doanh nghiệp có năng lực, có khả năng phải đóng cửa vì không tiếp cận được kịp thời các nguồn hỗ trợ.

Tất nhiên, không thể né tránh mối lo có doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ để duy trì cách sống dựa dẫm, khiến nguồn lực hiếm hoi không đến được những doanh nghiệp đủ điều kiện. Cũng có những lo ngại về việc hiệu ứng đám đông khiến một vài doanh nghiệp không kiểm soát được nỗi sợ hãi...

Nhưng, đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và tuân thủ các điều kiện, chuẩn mực tiếp cận chính sách. Điều này đòi hỏi cả chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ không những quyết liệt hơn, mà còn phải chủ động và chuyên nghiệp hơn trong nỗ lực hành động hỗ trợ doanh nghiệp.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, duy trì hoạt động
Không thể bắt doanh nghiệp trở lại hoạt động, nếu doanh nghiệp không muốn hoặc không đủ sức. Nên hỗ trợ để doanh nghiệp tồn tại, duy trì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư