Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Phiên 1/12: Cổ phiếu "vua" điều chỉnh, VN-Index vẫn tăng hơn 10 điểm
 
Bất chấp việc điều chỉnh của nhóm cổ phiếu "vua", đà tăng mạnh của "ông lớn" VNM cùng sắc xanh lan tỏa thị trường đã giúp các chỉ số cùng đóng cửa ở mức cao nhất ngày, đáng kể VN-Index đã chinh phục thành công đỉnh cao mới 960 điểm.
Diễn biến VN-Index phiên ngày 1/12
Diễn biến VN-Index phiên ngày 1/12

Mặc dù phiên cuối cùng của tháng quay đầu điều chỉnh nhẹ, nhưng cùng với dòng tiền hoạt động sôi động, thị trường chứng khoán đã chứng kiến tháng giao dịch khá “phi mã” của chỉ số chung.

Cụ thể, chỉ tính trong tháng 11 vừa qua, VN-Index đã có mức tăng tới hơn 110 điểm, từ mức 837 điểm, lên áp sát mốc 950 điểm.

Phiên điều chỉnh ngày hôm qua (30/11) được đánh giá không quá tiêu cực khi các chỉ số giảm không quá sâu và thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Cũng có thể nói, việc quay đầu hạ nhiệt là một điều tất yếu sau chuỗi ngày dài tăng nóng.

Với những diễn biến trên, thị trường đã nhanh chóng quay trở lại trường đua ngay trong phiên sáng đầu tiên của tháng 12. Lực cầu trở lại hấp thụ khá tốt giúp các cổ phiếu trụ cột lần lượt lấy lại phong độ và dẫn dắt thị trường tiếp tục đi lên sau phiên nghỉ ngơi hôm qua.

Bước sang phiên chiều, bất chấp việc điều chỉnh của nhóm cổ phiếu vua (cổ phiếu ngân hàng), các mã lớn khác vẫn tiếp tục tiến bước, đặc biệt là điểm tựa vững chắc của cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường VNM.

Cùng với sắc xanh lan tỏa trên thị trường, đà tăng của VNM càng được nới rộng hơn về cuối phiên nhờ dòng tiền chảy mạnh, đã giúp VN-Index vượt đỉnh 960 điểm thành công và kết phiên tại mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HOSE có 162 mã tăng và 103 mã giảm, VN-Index tăng 10,4 điểm (+1,09%) lên mức 960,33 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 227,73 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 5.285,87 tỷ đồng.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,89 triệu đơn vị, giá trị hơn 906 tỷ đồng, trong đó DRH thỏa thuận 4,79 triệu đơn vị, giá trị 103,37 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 2,7 triệu đơn vị, giá trị 162 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 0,9 triệu đơn vị, giá trị 129,96 tỷ đồng.

Mới đây, nhằm thực hiện khép kín chuỗi cung ứng nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất của mình, Vinamilk đã mua lại Đường Khánh Hòa và đổi tên thành CTCP Đường Việt Nam – Vietsugar. Thông tin này được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đánh giá khá tích cực và là động lực để tiếp sức cho cuộc chạy đua của cổ phiếu VNM.

Hôm nay, VNM đã tăng tới 5% lên mức giá cao nhất ngày 196.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,25 triệu đơn vị, là một trong những trụ cột chính hỗ trợ đà tăng cho thị trường.

Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn khác nằm trong top 10 dẫn đầu thị trường như SAB, VIC, GAS, VRE, ROS, PLX cũng đều có được sắc xanh. Trong đó đáng kể, PLX tăng mạnh 5,2% và cũng kết phiên tại mức cao nhất ngày 65.200 đồng/CP; VRE tăng 1% lên mức 49.500 đồng/CP, GAS tăng 2,6% lên mức 81.800 đồng/CP.

Trái lại, các cổ phiếu ngân hàng lại có diễn biến thiếu tích cực khi hầu hết đều chuyển đỏ và là tác nhân chính “cản trở” thị trường như VCB giảm 0,4% xuống mức 48.300 đồng/CP, BID giảm 0,6% xuống mức 25.500 đồng/CP, CTG giảm 1% xuống mức 24.050 đồng/CP, MBB giảm 0,4% xuống mức 25.500 đồng/CP, STB giảm 0,8% xuống mức 13.000 đồng/CP, VPB trở lại mốc tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, mặc dù hầu hết thời gian FLC đều đứng dưới mốc tham chiếu nhưng lực cầu khá tốt về cuối phiên đã giúp cổ phiếu này hồi nhẹ. Kết phiên, FLC tăng 0,4% lên mức 7.290 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 41,7 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Tương tự, trên sàn HNX, dòng tiền hoạt động mạnh đã giúp sắc xanh và sắc tím chiếm ưu thế và chỉ số chung cũng được kéo lên mức cao nhất ngày khi kết phiên.

Cụ thể, với 74 mã tăng/65 mã giảm, trong đó có 20 mã tăng trần, HNX-Index tăng 0,55 điểm (+0,48%) lên mức 115,27 điểm. Thanh khoản khá sôi động với khối lượng khớp lệnh đạt 61,59 triệu đơn vị, giá trị 861,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,76 triệu đơn vị, giá trị 57,39 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại trên sàn HOSE, các cổ phiếu trong nhóm dầu khí trên sàn HNX cũng đua nhau khởi sắc với thanh khoản tích cực. Cụ thể, PVC tăng 3,6% lên mức 11.400 đồng/CP và khớp hơn 0,6 triệu đơn vị; PVS tăng 4,4% lên mức 19.000 đồng/CP và khớp 11,24 triệu đơn vị; PVB tăng 4,1% lên mức 17.600 đồng/CP và khớp 0,56 triệu đơn vị, PLC tăng 1,6% lên mức 25.400 đồng/CP; PGS tăng 0,4% lên mức 23.200 đồng/CP…

Trái với dòng bank trên sàn HOSE, cổ phiếu ACB vẫn duy trì đà tăng 0,9% và kết phiên ở mức 35.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, SHB đứng giá tham chiếu 9.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 16,85 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Ngoài ra, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng có mức tăng khá tốt như DBC, DGC, VCS, VCG, MAS…

Trên sàn UPCoM, dù có chút rung lắc nhẹ khi bước vào phiên giao dịch chiểu nhưng hưởng ứng sự hưng phấn chung của thị trường, chỉ số sàn cũng đã đảo chiều và leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,23%) lên mức 54,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 13,32 triệu đơn vị, giá trị 221,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,62 triệu đơn vị, giá trị 115,22 tỷ đồng, trong đó đáng kể DBD thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 61,76 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn ngành hàng không tăng khá tốt, cụ thể HVN tăng 6,7% lên mức 38.100 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,58 triệu đơn vị; còn ACV tăng 5,4% lên mức 88.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 303.800 đơn vị.

Ngoài ra, các mã lớn khác như DVN, GEX, MCH, VIB cũng tăng khá mạnh.

Cổ phiếu LPB tiếp tục điều chỉnh với mức giảm 3% xuống 13.000 đồng/CP và là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn UPCoM đạt gần 2m5 triệu đơn vị.

Chứng khoán phái sinh phiên 1/12 giảm đáng kể sau phiên sôi động hôm qua, với 8.234 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 792,96 tỷ đồng, giảm 27,87% so với phiên 30/11.

Cổ phiếu "vua" khó trở lại thời hoàng kim
Tín dụng cải thiện, nợ xấu dần đẩy lùi, làn sóng đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán đã phần nào tác động tích cực lên giá cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư