Trong phiên chiều, dù đồ thị biến động của 2 chỉ số này cũng khá tương đồng, nhưng trong khi VN30 có được sắc xanh, lên đóng cửa ở mức gần cao nhất ngày, thì VN-Index không thể về được mốc tham chiếu do nhiều mã lớn khác không nằm trong rổ này giảm giá.
Chốt phiên, VN-Index giảm 0,95 điểm (-0,10%), xuống 969,31 điểm với 157 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 154,5 triệu đơn vị, giá trị 3.764,9 tỷ đồng, giảm 4% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong khi đó, phiên hôm nay, giao dịch đóng góp khá lớn với 59,4 triệu đơn vị, giá trị 1.681,2 tỷ đồng với sự đóng góp lớn đến từ ROS, TCB, MSN, GEX.
Trong khi đó, VN30 đóng cửa tăng 2,48 điểm (+0,28%), lên 885,52 điểm với 13 mã tăng, 13 mã giảm và 4 mã đứng giá.
Diễn biến VN-Index phiên 11/9 |
Trong các mã bluechip, lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã đảo chiều và một số mã nới rộng đà tăng. Có thể kể đến như VCB tăng 0,64% lên 78.200 đồng, MSN tăng 2,5% lên 78.000 đồng, VRE tăng 0,74% lên 33.950 đồng, TCB tăng 1,4% lên 21.750 đồng, CTG tăng 0,25% lên 19.800 đồng, VJC tăng 0,23% lên 133.600 đồng, HPG tăng mạnh 3,52% lên 22.050 đồng… Trong đó, HPG có thanh khoản tốt với 4,7 triệu đơn vị được khớp, chỉ đứng sau ROS. Các mã TCB, CTG, MBB, FPT, HDB, HNG, STB có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, HDB dù giảm khá mạnh phiên sán, nhưng đã kịp về tham chiếu khi chốt phiên chiều.
Trong khi đó, VIC, GAS, BID, PLX, NVL, BVH, POW, EIB vẫn giảm nhẹ, trong khi giảm mạnh hơn có thể kể đến VHM giảm 1,93% xuống 86.300 đồng, VNM giảm 1,29% xuống 122.100 đồng, BHN giảm 1,19% xuống 83.000 đồng.
Giảm mạnh nhất vẫn là ROS khi mất 2,5% xuống 27.300 đồng với 12,74 triệu đơn vị được khớp.
Các mã có thanh khoản trên 2 triệu đến hơn 3 triệu có TCH, LDG và FLC, trong đó FLC đóng cửa với sắc đỏ, còn TCH và LDG tăng giá khá tốt, lần lượt 2,35% lên 24.000 đồng và 3,98% lên 10.450 đồng.
Các mã đáng chú ý khác, FTM tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 19 liên tiếp xuống 6.110 đồng với hơn 5.500 đồng được khớp và còn dư bán sàn hơn 8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sau chuỗi tăng trần ấn tượng với thông tin đăng ký mua vào liên tiếp của lãnh đạo, YEG đã quay đầu giảm sàn xuống 65.600 đồng trong phiên hôm nay sau khi thông tin dường như các lãnh đạo của doanh nghiệp đã mua xong cổ phiếu và chỉ diễn ra trong phiên thỏa thuận.
Trong khi đó, HNX-Index chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên chiều trước khi bật mạnh vào cuối phiên và đóng cửa trong sắc xanh.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,2%), lên 100,17 điểm với 64 mã tăng và 49 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,47 triệu đơn vị, giá trị 351 tỷ đồng, giảm 32,6% về khối lượng và 37,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,5 triệu đơn vị, giá trị 123,6 tỷ đồng.
HNX-Index có được màn lột ngược dòng ngoạn mục cuối phiên nhờ sự đảo chiều của 2 mã vốn hóa lớn nhất sàn là ACB và VCS. Trong đó, ACB đóng cửa tăng 0,46% lên 21.800 đồng, còn VCS tăng 2,05% lên 84.700 đồng. Ngoài ra, VCG cũng có sắc xanh với mức tăng 0,38% lên 26.400 đồng, PVI tăng 2,74% lên 33.700 đồng. Trong khi đó, PVS lại giảm 0,52% xuống 19.300 đồng và SHB đứng giá tham chiếu 6.200 đồng.
Trong số này, PVS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 3,46 triệu đơn vị và tốt nhất sàn HNX. Tiếp đến là SHB với hơn 1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, SHB chỉ đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn sau CEO và ART. Trong đó, CEO đóng cửa tăng 1% lên 10.100 đồng, còn ART đứng tham chiếu 1.700 đồng. Ngoài 4 mã trên, sàn HNX chỉ có thêm SHS có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và cũng đóng cửa ở mức tham chiếu 6.800 đồng.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số chính của thị trường này lình xình suốt phiên chiều và đóng cửa không thoát khỏi sắc đỏ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,58%), xuống 55,82 điểm với 86 mã tăng, 72 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21 triệu đơn vị, giá trị 487 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,9 triệu đơn vị, giá trị 316,9 tỷ đồng.
Trên thị trường này chỉ có BSR và PXL khớp trên 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó BSR giảm 2,25% xuống 8.700 đồng với 1,44 triệu đơn vị, PXL giảm 5,45% xuống 5.200 đồng với 1,12 triệu đơn vị.
Trong khi đó, 2 mã họ Viettel là VGI và CTR lại tăng mạnh, trong đó CTR tăng trần lên 42.300 đồng với 0,38 triệu đơn vị, còn VGI tăng 10,38% lên 31.800 đồng với 0,8 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, trong 3 hợp đồng trái phiếu, có 2 hợp đồng có giao dịch là loại có ngày đáo hạn 13/9 và 13/3/2020 với thanh khoản lần lượt là 1 và 15 hợp đồng.
Còn với hợp đồng tương lai VN30, trong 4 loại hợp đồng có 3 loại tăng giá, chỉ có mã VN30F2003 đáo hạn ngày 19/3/2020 giảm nhẹ. Trong đó, VN30F1909 đáo hạn 19/9 tăng 0,24% lên 844,7 điểm với 38.377 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 18.459 hợp đồng.
Với các sản phẩm chứng quyền, trong 16 mã đang niêm yết (5 mã đã đáo hạn), có 7 mã giảm, 2 mã đứng giá và 7 mã tăng. Trong đó, CFPT1904 là mã có thanh khoản tốt nhất với 377.800 đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 2.500 đồng. Tiếp đến là CMWG1903 với 230.290 đồng và cũng đóng cửa ở tham chiếu 5.200 đồng.