Lúc này, do sức cầu còn hạn chế, trong khi áp lực bán tại nhóm bluechips bắt đầu gia tăng khiến VN-Index chao đảo và rung lắc mạnh. Dù vậy, với sự ổn định của một số mã trụ, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh, nhưng đà tăng đã giảm đi đáng kể. Cùng với đó, thanh khoản sàn HOSE cũng giảm trở lại.
Đóng cửa phiên 12/10, với 125 mã tăng và 142 mã giảm, VN-Index tăng 1,92 điểm (+0,24%) lên 815,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,2 triệu đơn vị, giá trị 3.506,29 tỷ đồng, giảm 17,43% về lượng và 8,09% về giá trị so với phiên 11/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,34 triệu đơn vị, giá trị 303,24 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 12/10 |
Đà tăng của sàn HOSE bị ảnh hưởng rõ rệt khi nhóm VN30 phân hóa mạnh kể từ nửa sau phiên chiều. VN-Index giữ thành công mốc 815 điểm có đóng góp lớn của các mã như SAB, MSN, GAS, ROS, VIC, DHG, BMP, FPT, VJC, VPB…
Trong đó, VJC tăng 2,7%, SAB tăng 1,6%, FPT tăng 2,2%, MSN tăng 3,1%, BVH tăng 3,5%, BMP tăng 1,7%... Trong đó, FPT có thanh khoản tốt nhất với hơn 2 triệu đơn vị. ROS tăng 0,5% lên 113.400 đồng/CP và khớp 1,74 triệu đơn vị, đây là phiên tăng thứ 12 liên tục của mã này.
VPB tăng 1,4% lên 40.050 đồng/CP, đứng đầu nhóm ngân hàng về thị giá và cũng là mã ngân hàng duy nhất trên HOSE tăng điểm. Việc nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng đồng loạt chịu áp lực chốt lời cũng là nguyên nhân chính khiến VN-Index vất vả trong phiên này.
So với phiên giảm mạnh hôm qua, STB chỉ còn giảm nhẹ và thanh khoản cao với lượng khớp 5,79 triệu đơn vị. MBB khớp 4,1 triệu đơn vị, các mã cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị có BID và VCB.
Tương tự, 2 mã đầu ngành thép cũng chịu áp lực bán mạnh. HPG khớp 6,5 triệu đơn vị và giảm 0,1%, HSG khớp 2,38 triệu đơn vị và giảm 1,2%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng đa phần giữ sắc đỏ, giao dịch không thực sự tích cực, ngoại trừ một vài mã như HAI, IDI, FLC. Trong đó, HAI tiếp tục thể hiện sức nóng bằng phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp lên 11.250 đồng/CP, khớp lệnh 3,37 triệu đơn vị, trong khi còn dư mua giá trần tới hơn 10 triệu đơn vị.
Tương tự, IDI cũng bất ngờ tăng trần lên 6.200 đồng/CP và khớp 3,1 triệu đơn vị. Có lẽ thông tin liên quan đến dự án “thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông” chính thức nằm trên bàn lãnh đạo TP.HCM đã giúp cổ phiếu này tăng mạnh phiên hôm nay.
Cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục giao dịch tích cực khi ngoài HAI, các mã ROS, FLC, AMD đều tăng giá. FLC khớp 13,24 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản HOSE.
Trong khi VN-Index giữ sắc xanh, thì HNX lại chỉ giao dịch trong sắc đỏ. Sau ít phút tăng điểm đầu phiên, HNX-Index quay đầu đi xuống và chìm hẳn trong sắc đỏ trong phiên chiều. Sức cầu quá yếu khiến hoạt động giao dịch ảm đạm, nhóm cổ phiếu lớn thiếu tích cực.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,27 điểm (-0,25%) xuống 108,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,35 triệu đơn vị, giá trị 452,48 tỷ đồng, giảm 26,3 % về khối lượng và 20,7% về giá trị so với phiên 11/10. Giao dịch thỏa thuận hơn 705.000 đơn vị, giá trị hơn 9 tỷ đồng. sáng nay không đáng kể.
Sắc xanh le lói và ít ỏi của CEO, VCG, VC3, NTP, DBC, VCS, PVI, PVC… không thể bù lại sức nặng của những ACB, HUT, LAS, SHS, SHB, MAS, BVS và nhiều mã cổ phiếu khác trên sàn.
Toàn sàn HNX chỉ có 9 mã khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị, trong đó có đúng 3 mã tăng là CEO, VCG và DST. SHB và KLF dẫn đầu thanh khoản với lần lượt 4,59 triệu và 4,25 triệu đơn vị được sang tên.
KLF đứng giá tham chiếu. SHB giảm 1,2% về 8.100 đồng/CP. ACB cũng giảm 0,6% về 31.800 đồng/CP và khớp 1,38 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sàn UPCoM giao dịch khá tích cực. Sắc xanh trên sàn này được giữ trong suốt thời gian giao dịch, dù có không ít rung lắc.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,2%) lên 54,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,54 triệu đơn vị, giá trị 185,86 tỷ đồng, giảm 13,27% về khối lượng và 6,29% về giá trị so với phiên 11/10. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 6,2 đơn vị, giá trị hơn 170,39 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 5,56 triệu cổ phiếu GEX, giá trị gần 120 tỷ đồng.
GEX ngoài được thỏa thuận mạnh còn khớp được 1,7 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn, tăng 0,4% lên 23.000 đồng/CP. Tiếp theo là HVN, LPB và DDV với lượng khớp lần lượt là 1,5 triệu, 1,46 triệu và 1,01 triệu đơn vị.
Ngoại trừ LPB tiếp tục giảm giá, trong khi HVN và DDV đều tăng. Cụ thể, LPB giảm 4,5% về 12.700 đồng/CP, phiên giảm thứ 3 liên tiếp và là phiên giảm thứ 5 trong 6 phiên lên sàn. HVN tăng tới 6% lên 29.800 đồng/CP.
Mã nóng VKD đã lùi về mốc tham chiếu 98.400 đồng/CP, trong khi trước đó đã tăng lên tới 100.000 đồng/CP.
Trong khi đó, SDI bất ngờ quay đầu giảm 1,2% về 79.000 đồng/CP, khi trước đó đã tăng 6%, qua đó chính thức ngắt chuỗi tăng liên tiếp ở con số 5.
Chứng khoán phái sinh hôm nay có 8.871 hợp đồng được giao dịch, giá trị 716,28 tỷ đồng, giảm 16,3% so với phiên trước đó.