Ngay sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh khiến VN-Index tiếp tục lao dốc, có thời điểm chỉ số đã giảm gần 11 điểm. Lúc này, cầu bắt mới khởi động và VN-Index mới dần hồi. Dù vậy, việc tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế nên chỉ số chỉ nhúc nhắc hồi phục.
Đóng cửa, với 108 mã tăng và 209 mã giảm, VN-Index giảm 8,48 điểm (-0,87%) xuống 966,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 181,50 triệu đơn vị, giá trị 4.273,92 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên 12/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 979 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 13/8 |
Sức ép tại nhóm cổ phiếu bluechips là rất lớn khi nhiều mã giảm từ 1-2% như VIC, VHM, VRE, VCB, BID, GAS, VJC…, thậm chí còn cao hơn như POW -3%, VNM -2,2%.
Việc các mã CTG, TCB, PLX, MBB, PNJ, SAB tăng trên dưới 1,5% cũng chỉ giúp VN-Index hạn chế phần nào đà giảm.
Về thanh khoản, ROS tiếp tục hút tiền khi có 16,5 triệu đơn vị khớp lệnh – dẫn đầu sàn HOSE, giảm 1,5% về 27.000 đồng. HPG là mã có thanh khoản chỉ sau ROS với 6,4 triệu đơn vị, cũng giảm 0,7% về 23.450 đồng.
Với lượng tồn kho gần 5.000 tỷ đồng, trong khi giá vàng đang tăng mạnh đã hỗ trợ cho cổ phiếu PNJ. Cổ phiếu này đang tiếp tục phá đỉnh 1 năm (80.000 đồng) khi kết phiên hôm nay tại mức 87.000 đồng (+1,5%), thanh khoản cao với xấp xỉ 1 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Nhóm ngân hàng mặc dù vẫn hút mạnh dòng tiền, nhưng phân hóa mạnh. Tượng tự, cổ phiếu khu nghiệp cũng có thanh khoản tốt, song đa phần giảm điểm. Trong đó, ITA và KBC là 2 mã giao dịch nổi bật nhất, ITA khớp 7,4 triệu đơn vị, KBC khớp gần 2,9 triệu đơn vị.
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, trong bối cảnh sắc đỏ chiếm ưu thế, các mã DXG, HAR, GAB giao dịch nổi bật với sắc tím. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức tỷ lệ 100:22 và bán ưu đãi tỷ lệ 4:1 của DXG, cổ phiếu này tăng trần lên 13.500 đồng, đây là phiên tăng thứ 3 (2 phiên trần) trong 10 phiên gần nhất. Với HAR, đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tục lên 3.800 đồng, khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.
Với GAB, đây đã là phiên tăng trần thứ 9 trong 10 phiên gần nhất, trong đó có 7 phiên trần liên tiếp, kéo thị giá từ mức 8.800 đồng (31/7) tăng gần gấp đôi lên 15.150 đồng (13/8), khớp lệnh hơn 318.000 đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số sàn này cũng chìm trong sắc đỏ ngay từ khi mở cửa. Mặc dù số mã giảm không quá áp đảo so với số mã tăng, nhưng việc các bluechips trên sàn này đồng loạt giảm đã gây ra sức ép lớn.
Đóng cửa, với 53 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,51%) xuống 102,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,50 triệu đơn vị, giá trị 338,54 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 12/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 119 tỷ đồng.
Trong rổ HNX30 chỉ có 5 mã tăng và có tới 21 mã giảm. Tương tự, cũng có 21 mã giảm trong Top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn này. Do đó, dễ hiểu khi sắc đỏ bao trùm. Trong đó, PVS -1,4% về 20.500 đồng, khớp lệnh 2,5 triệu đơn vị. ACB -0,5% về 22.000 đồng, khớp lệnh 0,57 triệu đơn vị. SHB đứng giá, khớp lệnh 1,78 triệu đơn vị.
PVX dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 2,57 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng trần lên 1.400 đồng. Ngoài ra, các mã HUT, NDN và KLF cũng khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng đều không tăng.
Trên UPCoM, diễn biến có phần tiêu cực hơn so với HNX khi đà giảm tăng mạnh về cuối phiên. Dẫu vậy, thanh khoản ghi nhận sự cải thiện.
Đóng cửa, với 78 mã tăng và 122 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,78 điểm (-1,35%) xuống 57,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,2 triệu đơn vị, giá trị 398 tỷ đồng, tăng 69% về khối lượng và 88% về giá trị so với phiên 12/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 33 tỷ đồng.
Trong số 20 mã có thanh khoản cao nhất sàn thì không có mã nào tăng, trong đó có 17 mã giảm. Hai mã thanh khoản dẫn đầu sàn là GVR và VGI đều giảm sâu.
GVR -4,9% về 15.500 đồng, khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị. VGI -3,1% về 34.000 đồng, khớp lệnh 1,4 triệu đơn vị. BSR -1% về 10.000 đồng và khớp 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, các mã OIL, VIB, VEA, ACV, QNS, VGT, VRG… cũng đều giảm điểm.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu tiếp tục giao dịch ảm đạm khi 2/3 mã không có giao dịch, mã GB05F1909 cũng chỉ có 150 hợp đồng được sang tên.
Với 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30, tất cả đều giảm điểm, trong đó chỉ 1 mã có giao dịch mạnh là VN30F1908 đáo hạn ngày 15/8 với 46.468 đơn vị được giao dịch, lượng hợp đồng mở là 17.390 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, trái với sắc đỏ trên thị trường cơ sở, sắc xanh chiếm thế áp đảo với 13/16 mã tăng giá (3 mã giảm). Trong đó, CVNM1901 được khớp lệnh lớn nhất đạt 48.002 đơn vị, nhưng giảm 11,5% xuống 690 đồng/chứng quyền.