Kịch bản của phiên sáng một lần nữa lại được lặp lại trong phiên giao dịch chiều khi VN-Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu và kịp hồi trong ít phút cuối phiên. Biên độ dao động của VN-Index trong phiên hôm nay khá lớn, nhất là trong phiên giao dịch sáng, biên độ dao động gần 10 điểm.
Một điểm tích cực trong các phiên tăng vừa qua là thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh. Không chỉ sự đột biến trong giao dịch thỏa thuận, thanh khoản trong phiên khớp lệnh cũng đang ở mức cao khi dòng tiền ngày càng mạnh dạn gia nhập thị trường.
Đóng cửa, với 126 mã tăng và 150 mã giảm, VN-Index tăng 1,56 điểm (+0,18%) lên 880,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 214,56 triệu đơn vị, giá trị hơn 8.792,73 tỷ đồng, giảm 23,94% về khối lượng và 35,58% về giá trị so với phiên 13/10. Tuy nhiên, thanh khoản giảm mạnh chủ yếu do sự sụt giảm trong giao dịch thỏa thuận, còn về giao dịch khớp lệnh tương đương với phiên hôm qua về giá trị và giảm 13,8% về khối lượng.
Diễn biến VN-Index phiên 14/11 |
Trong phiên hôm nay, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 52,77 triệu đơn vị, giá trị 4.016,6 tỷ đồng. Đáng chú ý là các thỏa thuận của 12,609 triệu cổ phiếu VNM, giá trị hơn 2.343 tỷ đồng; 6,63 triệu cổ phiếu VIC, giá trị hơn 457,5 tỷ đồng; 6,84 triệu cổ phiếu MSN, giá trị hơn 379 tỷ đồng; 4,979 triệu cổ phiếu CII, giá trị 150,4 tỷ đồng; 2,18 triệu cổ phiếu VRE, giá trị hơn 139 tỷ đồng…
Như đã nói ở trên, dòng tiển tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips, tạo lực đỡ cho VN-Index trong phiên chiều nay. Rổ VN30 có 20 mã tăng, chỉ 9 mã giảm. Đồng thời, có tới 20 mã đạt thanh khoản từ 1 triệu đơn vị trở lên và trong số này, chỉ có 5 mã giảm giá.
Dù vậy, sức bật chính của chỉ số vẫn nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mà tiêu biểu là tại tân binh VRE. Dù không còn giữ được sắc tím, song kết phiên vẫn tăng 1,4% lên 47.000 đồng/CP, lượng khớp lệnh tăng đột biến, đạt 15,646 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. Riêng giá trị khớp lệnh tại VRE đã chiếm khoảng 35% giá trị khớp lệnh toàn sàn HOSE.
Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ STB giảm, các mã còn lại đều tăng, dù không còn mạnh như phiên sáng.
VNM mặc dù thỏa thuận ở mức giá xanh, song trong phiên khớp lệnh đã đảo chiều giảm sau 2 phiên khởi sắc trước đó. Cụ thể, chốt phiên, VNM giảm 2,4% về 180.000 đồng/CP. Trong khi đó, nỗ lực đã giúp VIC về được tham chiếu khi kết phiên.
Ngoài thỏa thuận mạnh, cả VNM và VIC cùng khớp lệnh khá cao, đạt 1,48 triệu và 1,69 triệu đơn vị.
Cùng với VNM, các mã SAB, PLX, MSN, NVL, PVD, FPT… cũng đều giảm khá mạnh, tạo sức cản chỉ số. PVD khớp 5,25 triệu đơn vị, cao nhất rổ VN30, FPT cũng khớp tới 4,33 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sự phân hóa là khá rõ ràng. Trong khi các mã FLC, FIT, HQC, DXG, PDR, DIG, LDG, HAR… tăng giá, thì các mã HAI, AMD, ASM, IDI, HAG, HNG, SCR, GTN, DLG, HHS… lại giảm.
Trong đó, FLC khớp 7,1 triệu đơn vị, HQC khớp 5,97 triệu đơn vị. HAI khớp 4,2 triệu đơn vị, AMD khớp 1,5 triệu đơn vị. ROS phiên này tăng 0,9% lên 177.600 đồng/CP, khớp lệnh 1,3 triệu đơn vị.
TCH có phiên trần thứ 2 liên tiếp lên 18.900 đồng/CP, khớp lệnh 4,06 triệu đơn vị. Ngược lại, KSH nằm sàn phiên thứ 3 liên tục về 2.140 đồng/CP, khớp 0,85 triệu đơn vị.
Tương tự, sàn HNX cũng có biên độ dao động khá lớn, tới hơn 1 điểm. Song, chỉ số HNX-Index vẫn đóng cửa trong sắc xanh, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao, dù cũng giảm so với phiên trước.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,26%) lên 107,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,95 triệu đơn vị, giá trị 584,43 tỷ đồng, giảm 21,45% về khối lượng và 12,74% về giá trị so với phiên 13/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 27,3 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 tạo sức ép khá lớn cho sàn HNX khi số mã giảm chiếm ưu thế. Tuy nhiên, những mã trụ như SHB, ACB, VCG, VGC, HUT vẫn tăng tốt đi kèm với thanh khoản mạnh, góp phần nâng đỡ chỉ số.
SHB dẫn đầu thanh khoản với 8,74 triệu đơn vị được khớp, tăng 1,3% lên 7.900 đồng/CP. ACB tăng 1,3% lên 32.200 đồng/CP và khớp 1,84 triệu đơn vị. VCG tăng 0,4% lên 24.800 đồng/CP và khớp 4,07 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, các mã CEO, PVS, SHS, PVC, NTP… đồng loạt giảm, trong đó CEO khớp 3,96 triệu đơn vị; PVS và SHS khớp 2,9 triệu và 2,9 triệu đơn vị.
KLF phiên này tăng 2,9% lên 3.500 đồng/CP, khớp lệnh 2,04 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, dù rung lắc khá mạnh, song sắc xanh được duy trì khá vững trong suốt phiên giao dịch, thanh khoản đã có sự cải thiện.
Đóng cửa, với 60 mã tăng và 49 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,37%) lên 52,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 8,2 triệu đơn vị, giá trị 148,28 tỷ đồng, tăng 17,14% về khối lượng và 13,38% về giá trị so với phiên 13/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm xấp xỉ 1 triệu đơn vị, giá trị 56,76 tỷ đồng.
LPB, DVN, MCH, SSN, MSR, KDF, VLC… là các mã lớn tăng tốt trong phiên này. Trong đó, LPB cùng DVN là 2 mã có thanh khoản tốt nhất sàn, lần lượt đạt 1,41 triệu và 1,15 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã HVN, ACV, SDI, QNS, GEX, LTG, VKD, ART… cùng giảm điểm, thanh khoản không cao.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, sau 4 phiên giảm liên tiếp, thị trường đã giao dịch sôi động trở lại trong phiên 14/11 này với 10.483 hợp đồng được giao dịch, giá trị 909,7 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với phiên 13/10.