Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Masan Group: Thành công từ những nhu cầu thiết yếu
Thu Vân - 14/11/2017 15:58
 
Tốc độ tăng trưởng cao, thu nhập tăng nhanh và bối cảnh thị trường thuận lợi trong các ngành nghề kinh doanh đang tạo ra nhiều động lực để Tập đoàn Masan có thể bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm 2018.

Bối cảnh tiêu dùng tại Việt Nam

Nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là tại thị trường nông thôn đang là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Theo Nielsen, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2017, giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan với 117 điểm, tăng 5 điểm so với quý IV/2016 và cao hơn một số nền kinh tế Đông Nam Á khác như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Mức tăng trưởng này đến từ sự tự tin về khả năng tài chính và mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.

Đại diện Masan nhận chứng nhận Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất từ Forbes Việt Nam.
Đại diện Masan nhận chứng nhận Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất từ Forbes Việt Nam.

Thói quen tiêu dùng của người Việt thay đổi do số đông người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, chiếm khoảng 68% trong hơn 90 triệu dân, đang có thu nhập tăng nhanh và có khuynh hướng nâng cao lối sống theo xu hướng của thành thị. Nhờ sự phổ biến hơn bao giờ hết của các phương tiện truyền thông xã hội như tivi và các thiết bị di động như điện thoại thông minh có kết nối internet (50% trong tổng số người tiêu dùng nông thôn), khoảng cách về xu hướng tiêu dùng giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng được thu hẹp.

Tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng ở khu vực nông thôn danh trong quý I/2017 đạt 12,4%, đóng góp 51% vào tổng doanh thu của hàng tiêu dùng cả nước, trong khi khu vực thành thị chỉ tăng trưởng ở mức 6,5%. Đây chính là cơ hội để Tập đoàn Masan nắm bắt và mang đến cho người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở nông thôn, những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày như thực phẩm, đồ uống và nguồn dinh dưỡng từ thịt được tin cậy, các dịch vụ tài chính chất lượng và đặc biệt là chi phí hợp lý cho người tiêu dùng.

Doanh thu thuần của Tập đoàn Masan tính đến tháng 6/2017 là 18.019 tỷ đồng, lợi nhuận EBITDA đạt 3.718 tỷ đồng và lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số là 218 tỷ đồng.

Xây dựng thương hiệu mạnh cho hàng tiêu dùng

Đối với thực phẩm và đồ uống, Masan Consumer xác định xây dựng thương hiệu mạnh là ưu tiên hàng đầu của Công ty. Do đó, đội ngũ Masan Consumer đã tiến hành xây dựng các nhãn hiệu mạnh thông qua việc tìm hiểu thấu đáo nhu cầu của người tiêu dùng, phát triển đều các ngành hàng cho tất cả các phân khúc, phục vụ từ nông thôn tới thành thị. Ngoài ra, mỗi ngành hàng phải có một sáng kiến chiến lược mới sau mỗi 12 tháng để nâng cấp sản phẩm.

.
.

Masan Consumer đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12 thương hiệu được người tiêu dùng yêu mến; là nhãn hiệu được nhắc đến đầu tiên cho mỗi ngành hàng và đồng thời là nhãn hiệu dẫn dắn thay đổi cho cả một ngành hàng.

Masan Consumer tập trung đầu tư vào xây dựng thương hiệu mạnh, nhờ đó nhiều nhãn hàng nhanh chóng đạt thị phần dẫn đầu trong các ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê. Forbes Việt Nam vừa qua đã công bố danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất năm 2017 và Masan Consumer đứng thứ 5 với đạt giá trị thương hiệu là 217,9 triệu USD.

Ngoài ra, với việc đầu tư đúng đắn vào việc đưa các sáng kiến và kỹ thuật vào phát triển sản phẩm mới, Masan Consumer đã dành 3 triệu USD để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (R&D) đẳng cấp thế giới tại Bình Dương với công nghệ và máy móc tiên tiến nhất. Với khoản đầu tư này, Masan Consumer tự hào khi sở hữu một trong những trung tâm R&D về thực phẩm và đồ uống lớn nhất tại Việt Nam.

Hoàn tất chuỗi 3F, gia nhập thị trường thịt

Đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Masan Nutri-Science (“MNS”) là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và thịt có thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Với sản lượng 2,5 triệu tấn trong năm 2016, MNS là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung lớn thứ hai và là nhà sản xuất thực ăn cho heo lớn nhất Việt Nam (không tính trang trại gia công). Các sản phẩm chứa Bio-zeem hiện đang đóng góp 60% vào sản lượng thức ăn chăn nuôi cho heo của Công ty.

Bio-zeem là enzyme được MNS phát triển độc quyền giúp cải thiện hệ tiêu hóa, cải thiện tỷ lệ chuyển đổi thức ăn, tăng sức đề kháng và kháng các bệnh thường gặp ở heo. Thương hiệu Bio-zeem đã nhận được sự tin yêu của người nông dân, với 95% nông dân dùng thử đã chuyển sang dùng hẳn sản phẩm theo nghiên cứu của Nielsen.

MNS chọn thức ăn chăn nuôi là bước đầu tiên để gia nhập thị trường nguồn dinh dưỡng từ thịt vì đây là yếu tố quyết định năng suất và chiếm tỷ trọng cao trong chi phí chăn nuôi. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của MNS là tham gia ngành thịt nhằm cung cấp cho 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm thịt sạch, có nguồn gốc rõ ràng và giá cả hợp lý.

.
.

MNS đang đi đúng lộ trình nhằm thực hiện mô hình 3F “Feed-Farm-Food” (từ trang trại đến bàn ăn) vào nửa đầu năm 2018, giảm thiểu rủi ro đối với sự biến động của giá cả sản phẩm chăn nuôi, giúp MNS tăng trưởng vượt qua các chu kỳ kinh doanh. Đây sẽ là giai đoạn phát triển cuối cùng giúp hiện thực hoá tầm nhìn của MNS về nền tảng đạm động vật tích hợp, một nền tảng độc đáo giúp phục vụ trực tiếp nhu cầu cho các sản phẩm thịt sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc dễ dàng và giá cả hợp lý.

Đầu năm 2017, Kohlberg, Kravis and Roberts (“KKR”) đã đầu tư 150 triệu USD vào MNS với niềm tin chiến lược vào khả năng xây dựng một nền tảng thịt tích hợp toàn diện, nhằm chuyển đổi MNS từ một công ty kinh doanh hàng hóa thuần túy thành một công ty hàng tiêu dùng có thương hiệu, phục vụ một thị trường trị giá đến 18 tỷ USD và trở thành một trong những cổ đông nước ngoài lớn của MNS.

Từ vonfram xây dựng thương hiệu toàn cầu

Trong lĩnh vực khoáng sản, Tập đoàn Masan đã thành công trong việc biến một dự án đầy tiềm năng như mỏ Núi Pháo trở thành một công ty quy mô toàn cầu với thị phần 36% lượng vonfram toàn cầu ngoài Trung Quốc. Núi Pháo là mỏ vonfram lớn nhất và là một trong những nơi sản xuất vonfram với chi phí thấp nhất thế giới.

Giá vonfram đang phục hồi lên khoảng 280 USD/mtu từ mức 180 USD/mtu do nguồn cung vonfram từ Trung Quốc giảm và nhu cầu vonfram toàn cầu tăng lên. Đây là điều kiện rất thuận lợi và giúp doanh thu thuần của Masan Resources đạt 2.559 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào khả năng thu hồi quặng cao hơn và sản xuất ra các hóa chất giá trị gia tăng cao. Lợi nhuận EBITDA tăng 45% so với cùng kỳ, từ 877 tỷ đồng lên 1.275 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số là 63 tỷ đồng.

Trong tương lai, Masan Resources với sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược mới sẽ tiếp tục củng cố nguồn cung vonfram toàn cầu ngoài Trung Quốc, nhằm đảm bảo nguồn cung và chế biến sâu hơn trong chuỗi giá trị, giúp giảm thiểu những ảnh hưởng của biến động giá vonfram. Masan Resources đặt mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị vonfram bằng việc phát triển công nghệ dẫn đầu và xây dựng thương hiệu toàn cầu, đồng thời khai mở giá trị to lớn cho Việt Nam.

Tương lai của lĩnh vực tài chính nằm ở nông thôn

Nửa đầu năm 2017, Techcombank, công ty liên kết của Masan, đạt lợi nhuận trước thuế là 2.734 tỷ đồng nhờ vào việc tăng thu nhập định kỳ từ phí. Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục áp dụng đẩy mạnh mạng lưới bán lẻ, sở hữu cấu trúc tài sản vững mạnh. Lợi nhuận cao từ phí dịch vụ và khối bán lẻ vững mạnh giúp Ngân hàng sở hữu tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tới 16,3% trong năm 2016. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần của Techcombank là 3,85% và tỷ lệ nợ xấu là 2,06% trong nửa đầu năm 2017.

Hiện nay, Techcombank là ngân hàng số một về các giải pháp bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), cho vay mua nhà và quản lý tài sản, và là ngân hàng đứng thứ hai về các giao dịch qua hệ thống thẻ thanh toán quốc tế Visa.

Trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện dòng tiền trong các giao dịch thanh toán, xây dựng dựng hệ thống quản lý rủi ro cho mạng lưới phân phối có chi phí thấp, nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính cho vùng nông thôn và đặt mục tiêu ROE ở mức trên 20%.

Với kinh tế vĩ mô Việt Nam cải thiện và các khoản đầu tư vào những nền tảng kinh doanh của chúng tôi mang lại kết quả tốt, Masan đã có đủ sức mạnh để nắm lấy những cơ hội sinh lời từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao tại Việt Nam, rộng hơn là thị trường In-land ASEAN. Tuy nhiên, con đường phía trước sẽ còn có rất nhiều chông gai và thử thách.

Masan quan niệm phải làm ít hơn nhưng lớn hơn, và đáp ứng các nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn. Điều này sẽ giúp Masan có cơ hội đạt được mục tiêu năm 2020: Được công nhận là niềm tự hào Việt Nam thông qua việc tạo dựng một mô hình kinh doanh thành công độc đáo ở châu Á.

KKR hoàn tất khoản đầu tư hơn 250 triệu USD vào Tập đoàn Masan
Sáng nay 22/4/2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN-Masan Group) vừa phát đi thông báo đã nhận xong toàn bộ khoản đầu tư 250 triệu USD từ Công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư