Bước vào phiên chiều, sau ít phút chịu dư âm của đợt bán cuối phiên trước, VN-Index đã lấy lại đà tăng và được kéo lên trên ngưỡng 974 điểm khi chốt đợt giao dịch liên tục. Với sự tự tin trở lại của lực cầu, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng mốc 975 điểm thất bại trong phiên sáng sẽ được chinh phục thành công khi chốt phiên giao dịch chiều nay.
Tuy nhiên, trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lực cung bất ngờ gia tăng tại nhiều mã lớn đã đẩy VN-Index rơi theo chiều thẳng đứng, khiến nhiều nhà đầu tư thót tim. Nếu không nhờ VIC, VHM, VNM đứng vững, VN-Index đã bị đẩy xuống dưới tham chiếu khi chốt phiên hôm nay.
Chốt phiên, VN-Index tăng 2,08 điểm (+0,22%), lên 968,91 điểm với 169 mã tăng và 138 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 151,5 triệu đơn vị, giá trị 3.461 tỷ đồng, giảm 16,5% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 26 triệu đơn vị, giá trị 776 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 14/8 |
Thay vì tất cả đều đóng cửa trong sắc xanh như phiên sáng, lực cung gia tăng trong đợt ATC đã khiến Top 10 không còn giữ được sự đồng thuận. VCB, SAB và MSN may mắn giữ được mức tham chiếu, trong khi VRE và CTG quay đầu giảm 0,57% xuống 34.700 đồng và giảm 0,49% xuống 20.500 đồng. Mức giá đóng cửa của VCB, MSN, CTG và VRE là mức thấp nhất trong ngày.
Trong khi đó, VIC, VHM, VNM, GAS, BID chỉ còn giữ được sắc xanh nhạt.
Trong top 30, số mã giảm cũng xuất hiện nhiều hơn với PLX, VJC, EIB, PNJ, TPB, STB, ROS. Các mã tăng mạnh trong phiên sáng như BHN, FPT hạ nhiệt.
Trong nhóm này, ROS có thanh khoản tốt nhất với 13,2 triệu đơn vị được khớp và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn. Các mã có thanh khoản tốt khác là HPG, CTG, MBB, STB với trên dưới 3 triệu đơn vị.
Trong các mã thị trường, ITA bị chốt mạnh nên đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 3.350 đồng (-4,01%) với 7,79 triệu đơn vị được khớp, đứng sau ROS. Trong khi đó, HNG lại khởi sắc với mức tăng 3,33% lên 18.600 đồng với 5,27 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 3 trên sàn. Các mã khác có biên độ tăng giảm không lớn.
Trên HNX, diễn biến trên sàn này kém tích cực hơn khi HNX-Index chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu trong suốt phiên chiều và đóng cửa tiếp tục giảm điểm.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,3%), xuống 101,98 điểm với 68 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,9 triệu đơn vị, giá trị 439 tỷ đồng, tăng 11,8% về khối lượng và 29,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,2 triệu đơn vị, giá trị 102,3 tỷ đồng.
Trên HNX, trong nhóm cổ phiếu lớn, PVI vẫn giữ phong độ khi duy trì đà tăng mạnh 3,68% lên 39.400 đồng với 1,1 triệu đơn vị được khớp, thì VCS cũng đảo chiều ấn tượng khi đóng cửa tăng 3,73% lên 89.100 đồng với 0,7 triệu đơn vị. Ngoài ra, NTP cũng nỗ lực đảo chiều tăng nhẹ 0,51% lên 39.200 đồng.
Tuy nhiên, đây là những điểm sáng hiếm hoi, bởi các mã còn lại đều giảm hoặc đứng giá. Trong đó, ACB giảm 0,91% xuống 21.700 đồng, mức thấp nhất ngày với 0,9 triệu đơn vị được khớp. PVS cũng đảo chiều giảm 0,49% xuống 30.400 đồng với 2,27 triệu đơn vị được khớp.
VCG và SHB đứng ở mức tham chiếu, trong đó SHB có giao dịch sôi động hơn với 1,96 triệu đơn vị được khớp.
PVX do không có thêm lực cung nên vẫn duy trì thanh khoản ở mức trên 2,1 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 1.500 đồng và còn dư mua giá trần.
KLF bất ngờ có giao dịch sôi động trong phiên chiều, nhưng cũng không thể vượt qua tham chiếu 1.200 đồng, chốt phiên khớp 1,6 triệu đơn vị.
TNG và HUT cũng không duy trì được sự sôi động như phiên sáng và đóng cửa cũng với 1 mã xanh (TNG tăng 4%, lên 18.200 đồng) và một mã sắc vàng (HUT đứng ở mức 2.400 đồng).
Trên UPCoM, dù nỗ lực đảo chiều sau khi giảm điểm nửa cuối phiên sáng, nhưng UPCoM-Index cũng không giữ được sắc xanh khi chốt phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index đứng ở mức 57,14 điểm với 95 mã tăng và 88 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,36 triệu đơn vị, giá trị 488 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,38 triệu đơn vị, giá trị 287 tỷ đồng.
Trên thị trường này chỉ có duy nhất BSR là mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,5 triệu), nhưng đóng cửa giảm 1% xuống 9.800 đồng. Tiếp đó là GVR với 0,84 triệu đơn vị, nhưng cũng giống phiên sáng, mã này đóng cửa ở mức tham chiếu 15.500 đồng.
Các mã bluechip khác như GEG, VIB, VGI, VEA, ACV, SDI, CTR đóng cửa trong sắc xanh, trong khi VGT, VBB, OIL, MCH lại giảm giá.
Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai VN30 đều tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất và cũng có thanh khoản tốt nhất là VN30F1908 với mức tăng 0,63% lên 877,6 điểm, thanh khoản đạt 38.827 hợp đồng và khối lượng mở còn 15.172 hợp đồng, trong khi mai là ngày đáo hạn của hợp đồng này.
Mã VN30F1909 đáo hạn ngày 19/9 hôm nay cũng có thanh khoản tốt với 22.494 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 7.540 hợp đồng và đóng cửa tăng 0,39% lên 870,9 điểm.
Trong 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, chỉ có GB05F1909 đáo hạn ngày 13/9 có giao dịch với 40 hợp đồng, đóng cửa tăng 0,21% lên 105.750 điểm. Khối lượng mở đạt 75 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, toàn bộ 16 mã đều tăng giá hôm nay, trong đó CVNM1901 là mã có thanh khoản tốt nhất với 616.360 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 5,8% lên 730 đồng. Thanh khoản tốt thứ 2 là CMWG1903 với 428.870 đơn vị, đóng cửa tăng 5,66% lên 6.160 đồng.