Việc phụ thuộc vào một số mã lớn như SAB, GAS, VPB, VJC… khiến rủi ro càng tăng cao hơn khi VN-Index bước vào vùng kháng cự lịch sử.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cầu gia tăng cùng sự hồi phục của nhiều mã lớn, đặc biệt là màn bứt phá ngoạn mục của ROS đã giúp VN-Index thẳng tiến vượt qua mốc 830 điểm.

Tuy nhiên, một lần nữa thị trường thất bại do áp lực bán gia tăng mạnh. VN-Index đã “trượt chân” và bị đẩy lùi về dưới mốc tham chiếu.

Sau đó, mặc dù lực cầu hấp thụ tăng mạnh trong đợt khớp ATC, nhưng sắc đỏ bao trùm bảng điện tử cùng lực hãm từ nhóm cổ phiếu VN30 khiến VN-Index chưa thể lấy lại mốc giá tham chiếu.

Đóng cửa, trên sàn HOSE có 167 mã giảm và 99 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,57 điểm (-0,07%) xuống 827,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 198,94 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 4.766,5 tỷ đồng, tăng 12,26% về lượng và 21,75% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,87 triệu đơn vị, giá trị 737,92 tỷ đồng, trong đó riêng MSN thỏa thuận hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 284,65 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 18/10
Diễn biến VN-Index phiên 18/10

Tâm điểm đáng chú ý là ROS. Sau 14 phiên nhích nhẹ từng bước, ROS đã bứt phá mạnh trong cuối phiên 18/10, với mức tăng trần, lên 123.500 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh tăng mạnh, đạt 2,16 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, mã lớn SAB vẫn duy trì đà tăng 0,9%, cùng lực đỡ từ một số mã bluechip khác như GAS, BVH, MSN, MWG…, là các má phanh giúp thị trường không giảm sâu.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục phân hóa và diễn biến có phần thiếu tích cực hơn. Trong khi cặp đôi CTG và VPB thu hẹp đà tăng điểm đáng kể, chỉ còn nhích nhẹ, thì VCB, BID, MBB, STB lại nới rộng biên độ giảm.

Nhóm chứng khoán sau khi tạo ấn tượng ở phiên sáng cũng đã nhanh chóng hạ nhiệt, điển hình SSI chỉ còn nhích nhẹ 0,2% nhưng thanh khoản vẫn tích cực với 7,49 triệu đơn vị được khớp lệnh. TVS chỉ tăng nhẹ 0,5%, BSI tăng 2,8%, HCM trở lại mốc tham chiếu, AGR quay đầu giảm 1,8%.

Bên cạnh ông lớn VIC quay đầu giảm 0,7%, hàng loạt mã bất động sản khác cũng điều chỉnh như DXG, ITA, HQC, HBX, SCR, DIG, NVL…

Cổ phiếu FLC tiếp tục có phiên giảm thứ 3, với mức giảm 1,8% xuống mức 7.460 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh 12,78 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong khi đó, sau chuỗi 9 phiên tăng trần liên tiếp, từ 7.570 đồng, lên 12.800 đồng trong phiên 16/10, thậm chí leo lên mức 13.450 đồng trong phiên 17/10, HAI đã bị chốt lời mạnh và đóng cửa phiên 17/10 ở mức sàn 11.950 đồng.
Áp lực chốt lời tại HAI tiếp tục gia tăng mạnh trong phiên hôm nay, khiến mã này có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp, xuống 11.150 đồng với hơn 10 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 3,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực điều chỉnh có phần sớm hơn sàn HOSE. Sau khoảng 45 phút cầm cự sắc xanh, chỉ số HNX-Index đã chi tay mốc 110 điểm và đảo chiều đi xuống.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,42 điểm (-0,38%) xuống 109,43 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 48,42 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 651,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 337,47 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip đóng vai trò là lực hãm chính. Trong nhóm HNX30 có tới 15 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng nhẹ.

Cổ phiếu ACB thu hẹp biên độ đáng kể, chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, trong khi đó SHB quay đầu giảm 1,2% và tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với hơn 12,3 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Người bạn lớn VCS cũng hạ nhiệt khi chỉ còn tăng 0,5%. Mặc khác, VCG, HUT, VGC, LAS, DBC, PGS, MAS, NTP… tiếp tục nới rộng đà giảm điểm, tác động khá tiêu cực tới diễn biến chỉ số chung của thị trường.

Dự định sẽ phát hành gần 100 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP không tác động nhiều tới diễn biến cổ phiếu KLF. Đóng cửa, KLF đứng giá tham chiếu 4.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 5,18 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, rung lắc cũng diễn ra ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều và chỉ số sàn này cũng chính thức điều chỉnh sau gần 1 giờ rung lắc.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,29%) xuống 54,24 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 145,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,42 triệu đơn vị, giá trị 7,67 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn LPB và DVN tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,92 triệu đơn vị và hơn 1 triệu đơn vị. Đóng cửa, LPB tăng nhẹ 1,53%, còn DVN tăng hơn 10%.

Trong khi đó, các mã lớn như HVN, GEX, ART, MSR, MCH, VIB, TLT, SCS… 

Chứng khoán phái sinh hôm nay có 7.595 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 622,37 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua.