Dù vậy, VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh khi ROS - 1 trong 10 những mã có vốn hóa lớn nhất trên thị trường duy trì được sắc tím. Thanh khoản tiếp tục được duy trì ở mức cao, dù không bằng phiên hôm qua.
Đóng cửa phiên 19/10, với 124 mã tăng và 142 mã giảm, VN-Index tăng 1,21 điểm (+0,15%) lên 828,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 169,34 triệu đơn vị, giá trị 4.105,85 tỷ đồng, giảm 14,88% về lượng và 13,86% về giá trị so với phiên 18/10.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 594,44 tỷ đồng, đáng chú ý là các thỏa thuận của 3,5 triệu cổ phiếu MSN, giá trị hơn 199 tỷ đồng; 4,43 triệu cổ phiếu CMV, giá trị hơn 104 tỷ đồng; 5,6 triệu cổ phiếu SAM, giá trị hơn 36,4 tỷ đồng; 1,5 triệu cổ phiếu VIS, giá trị gần 41 tỷ đồng…
Diễn biến VN-Index phiên 19/10 |
ROS chính là ngôi sao trong phiên giao dịch này khi duy trì vững sắc tím với mức giá 132.100 đồng/CP, khớp lệnh 4,8 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 2,26 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tục trong chuỗi tăng 16 phiên liền kể từ ngày 27/9 của ROS.
Có thể nói, ROS “một mình gánh team”, khi 5 trong 10 mã vốn hóa lớn cùng giảm điểm, như VNM -0,13%, SAB -1,24%, VCB -0,49%, BID -0,7% và MSN -1,2%, bên cạnh sự suy yếu của nhiều bluechips khác...
Riêng HPG, việc bị khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1,25 triệu đơn vị gây sức ép lớn đối với cổ phiếu này, cho dù cầu nội vẫn khá tốt với 3,8 triệu đơn vị được khớp, trong đó có tới 1,11 triệu đơn vị được khớp trong đợt ATC. Đóng cửa, HPG giảm 1,56%, xuống 37.800 đồng. Ngược lại, HSG lại tăng điểm, khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, KBC mới là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, tới hơn 4,5 triệu đơn vị. Nhờ sức cầu tốt với 5,12 triệu đơn vị khớp lệnh, nên KBC đóng cửa chỉ giảm 0,4% về 13.200 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ STB còn tăng điểm, CTG đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm. MBB có thanh khoản tốt nhất nhóm với 6,3 triệu cổ phiếu được sang tên, STB và BID cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, các mã liên quan đến ROS như FLC, HAI, AMD cũng đều tăng tốt. Riêng HAI tăng trần, khớp lệnh 14,7 triệu đơn vị, dẫn dầu sàn và còn dư mua trần tới hơn 10 triệu đơn vị. Đáng chú ý là HAI chỉ tăng trần từ thời điểm giữa phiên sáng, trước đó HAI vẫn nằm sàn.
Trong khi đó, FIT và nhiều mã thị trường khác như HQC, DXG, SCR, LDG, GTN… lại đồng loạt giảm điểm.
Trong khi HOSE giao dịch không đến nỗi nào thì HNX tiếp tục diễn biến tiêu cực, nhất là trong phiên chiều. Việc áp lực bán gia tăng tại nhóm cổ phiếu lớn, trong khi sức cầu hạn chế khiến HNX-Index chìm hẳn trong sắc đỏ.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,34 điểm (-0,31%) xuống 109,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,37 triệu đơn vị, giá trị 568,49 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng giảm 12,7% về giá trị so với phiên 18/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn, gần 17 tỷ đồng.
Các mã trụ trên sàn này như ACB, NTP, HUT, VC3, PLC… giảm điểm, còn SHB, CEO, PVC, LHC, VNR… chỉ đứng giá tham chiếu. SHB khớp 4,95 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HNX. HUT khớp 2,28 triệu đơn vị, ACB là 1,94 triệu đơn vị.
Các mã PVS, LAS, VCG, PVI, MAS, VCS chỉ tăng nhẹ. Trong đó, chỉ một vài mã có thanh khoản tốt là PVS khớp hơn 2 triệu đơn vị, VCG khớp 1,2 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản và cũng là điểm sáng nhất của HNX là KLF khi sớm tăng trần lên 4.500 đồng/CP và khớp lệnh tới hơn 14 triệu đơn vị.
Ngược lại, PIV giảm sàn về 31.100 đồng/CP và khớp 1,7 triệu đơn vị.
Trong khi đó, UPCoM có phiên giao dịch tương đối tích cực, khi sắc xanh được duy trì trong phần lớn thời gian của phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (+0,56%) lên 54,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,72 triệu đơn vị, giá trị 138,05 tỷ đồng, giảm 3,5% về lượng và 5,4% về giá trị so với phiên 18/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị 169,26 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,356 triệu cổ phiếu HHA, giá trị 143,74 tỷ đồng và 1 triệu cổ phiếu GEX, giá trị 21,5 tỷ đồng.
Các mã đáng chú ý như LPB, HVN, ART, MSR, GEX, QNS, SSN… vẫn chìm trong sắc đỏ. Trong đó, LPB khớp hơn 1,66 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Như vậy, sau 3 phiên tăng liên tục, LPB đã giảm trở lại trong phiên này.
Đứng thứ 2 về thanh khoản là DDV với 1,22 triệu đơn vị được khớp, nhưng đã quay đầu tăng điểm.
Chứng khoán phái sinh phiên 19/10 có 7.525 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 615,45 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên 18/10.