Sang phiên giao dịch chiều, sau gần 30 phút lình xình đi ngang, áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu lớn khiến thị trường cắm đầu đi xuống. Tuy nhiên, ngay khi đe dọa mốc 990 điểm, lực cầu bát đáy được kích hoạt đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 173 mã giảm và 139 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 4,81 điểm (-0,48%) xuống 992,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 162,57 triệu đơn vị, giá trị 3.874,86 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,25% về lượng và 1,77% về giá trị so với phiên hôm qua (22/8).
Giao dịch thỏa thuận đạt 42,77 triệu đơn vị, giá trị 1.128,71 tỷ đồng, trong đó ROS thỏa thuận 15,7 triệu đơn vị, giá trị 434,89 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 11,26 triệu đơn vị, giá trị 202,3 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 23/8 |
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, không có mã nào khởi sắc.
Cụ thể, VNM giảm 0,81% xuống mức thấp nhất ngày 123.000 đồng/CP, VIC giảm 0,87% xuống 125.000 đồng/CP, VHM giảm 1,02% xuống 87.000 đồng/CP, VRE giảm 1,96% xuống 35.050 đồng/CP, VCB giảm 1% xuống 79.200 đồng/CP, MSN giảm 1,28% xuống 77.000 đồng/CP, GAS đảo chiều giảm 0,57% xuống 104.000 đồng/CP, SAB, CTG cũng đảo chiều giảm nhẹ cùng BID.
Trái với diễn biến thiếu tích cực ở hầu hết các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng, STB lại giao dịch khởi sắc khi tăng gần 4% và kết phiên tại mức giá 10.700 đồng/CP, với thanh khoản sôi động với hơn 6 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Bên cạnh đó, một số mã trong nhóm VN30 cũng khởi sắc như FPT sau khi hồi nhẹ ở phiên sáng đã bật cao trong phiên chiều với mức tăng 2,64% và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 54.400 đồng/CP và khớp 1,87 triệu đơn vị; ROS cũng đảo chiều thành công khi tăng hơn 2,5% lên mức cao nhất 26.600 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu đạt 13,19 triệu đơn vị.
Một số nhóm cổ phiếu cũng đi ngược thị trường giao dịch tích cực như nhóm ngành thép. Bên cạnh POM, TLH, HSG tăng nhẹ, VIS tăng 2,46% lên 25.000 đồng/CP, HPG tăng 1,52% lên 23.400 đồng/CP với khối lượng khớp 5,39 triệu đơn vị dù chịu sức ép từ cung ngoại khi bị bán ròng gần 1,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng có những điểm sáng như AMD tăng kịch trần 1.660 đồng/CP với khối lượng khớp 1,52 triệu đơn vị và dư mua trần 150.480 đơn vị.
Trên sàn HNX, sau khi bị đẩy lùi về mốc 102 điểm, lực cầu kích hoạt đã giúp HNX-Index đảo chiều khởi sắc. Tuy nhiên, áp lực bán thường trực đã nhanh chóng kéo thị trường đi xuống.
Kết phiên, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%) xuống 103,25 điểm với 35 mã tăng và 51 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,17 triệu đơn vị, giá trị 258,65 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về khối lượng nhưng giảm 24,15% về giá trị so với phiên hôm qua (22/8). Giao dịch thỏa thuận chỉ đạt hơn 9 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 vẫn diễn biến phân hóa với SHB, PVB, VCS, DHT… duy trì đà tăng nhẹ, trong khi ACB, PVS, cùng các mã chứng khoán BVS, SHS, MBS giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể VCG lùi sâu xuống mức giá thấp nhất ngày 26.200 đồng/CP, tương ứng giảm 1,87%.
Cổ phiếu SHB tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 5,47 triệu đơn vị được khớp lệnh và khối ngoại đã mua ròng hơn 1,1 triệu đơn vị; tiếp theo đó là PVS khớp 1,89 triệu đơn vị, TNG và PVX khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến khá rung lắc và may mắn hồi nhẹ về cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 57,95 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,53 triệu đơn vị, giá trị 216,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,67 triệu đơn vị, giá trị 68,13 tỷ đồng.
Một số mã lớn hỗ trợ giúp thị trường hồi phục như ACV tăng 0,61% lên 82.000 đồng/CP, MCH tăng 1,37% lên 74.000 đồng/CP, BCM tăng 0,62% lên 32.300 đồng/CP, VGI tăng gần 1,1% lên 37.700 đồng/CP, VGT tăng 1,14% lên 8.900 đồng/CP…
Cổ phiếu BSR đã lấy lại mốc tham chiếu 9.300 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, có 2 mã tăng và 2 mã giảm, trong đó VN30F1909 vẫn là mã giao dịch tốt nhất với 52.534 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở còn 22.315 hợp đồng. Chốt phiên, mã này tăng 0,14% lên 887,8 điểm. Tiếp theo đó, mã VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 giảm nhẹ 0,02% xuống 884,6 điểm với 216 hợp đồng, khối lượng mở 425 hợp đồng.
Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ trở lại trạng thái không có giao dịch.
Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã được niêm yết, phiên hôm nay có 7 mã giảm, 8 mã tăng và duy nhất 1 mã đứng giá là CMBB1901.
Có thanh khoản tốt nhất là CMBB1902 với 46.271 đơn vị được chuyển nhượng. Tiếp đến là CHPG1902 với 25.065 đơn vị và CMWG1903 với 21.132 đơn vị.