Về cuối phiên, đà tăng có phần thu hẹp bởi lực cản từ một số mã lớn như SAB, VCB, VIC, MSN…, nhưng VN-Index đã giữ vững cửa ải 720 điểm trong phiên sáng nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng cùng các trụ cột như VNM, GAS. Giao dịch cũng diễn ra khởi sắc trên sàn HNX. Cặp đôi ngân hàng ACB và SHB đã kéo chỉ số sàn này bật tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 91 điểm.
Tâm lý lo ngại điều chỉnh khi thị trường tiếp cận ngưỡng kháng cự mạnh khiến giao dịch chững lại trong phiên chiều, đẩy VN-Index về sát mốc 720 điểm chỉ sau khoảng 15 phút giao dịch. Chỉ số này đi ngang trong gần hết phiên giao dịch nhưng đã đón nhận cú hích nhẹ trong đợt khớp ATC nhờ dòng tiền chảy mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên chiều.
Cụ thể, VN-Index tăng 2,58 điểm (+0,36%) lên 722,14 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 214,78 triệu đơn vị, giá trị 4.509,58 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 14,54 triệu đơn vị, giá trị 864,18 tỷ đồng, riêng VNM thỏa thuận 3,74 triệu đơn vị, đóng góp 529,97 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 24/3 |
Tương tự, sàn HNX cũng bật cao về cuối phiên. Với mức tăng 1,47 điểm (+1,64%), HNX-Index đóng cửa tại mốc 91,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,07 triệu đơn vị, giá trị 707,89 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 2,87 triệu đơn vị, giá trị 36,65 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm hấp thụ dòng tiền, trong đó, SHB là điểm sáng của ngành. Dù có chút chững lại về cuối phiên sáng nhưng SHB đã nhanh chóng khoác lại áo tím trong phiên chiều cùng thanh khoản tiếp tục tăng cao. Đóng cửa, SHB tăng 9,6% lên mức 5.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh thành công lên tới 24,78 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,5 triệu đơn vị.
Có nhiều dự đoán rằng SHB sẽ bán 49% vốn công ty tài chính cho đối tác ngoại khi chính CEO của nhà băng này là ông Nguyễn Văn Lê đã tiết lộ rằng, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn mua. Năm 2016, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 1.164 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước đó.
Bên cạnh đó, một mã ngân hàng khác là ACB cũng hỗ trợ khá tốt cho đà tăng của HNX-Index. Với mức tăng 2,42%, ACB đóng cửa tại mức 25.500 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 7,26 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu bank trên sàn HOSE, trong khi VCB không thể hồi phục được trước sức ép khá lớn từ nhà đầu tư ngoại, STB quay về mốc tham chiếu sau 4 phiên tăng liên tiếp nhưng giao dịch vẫn khá sôi động với 13,41 triệu đơn vị được chuyển nhượng, thì BID tiếp tục nới rộng đà tăng, leo lên mức cao nhất ngày 17.900 đồng/CP, tăng 2,58% và đã khớp lệnh 8,24 triệu đơn vị.
Cũng nằm trong ngành tài chính, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng nhen nhóm dậy sóng khi đồng loạt bật tăng mạnh. Ngoài AGR, APG, ORS tăng trần, các mã lớn bé khác cũng đua nhau khoe sắc như SSI tăng 1,3%, BVS tăng 2,5%, VND tăng 3,6%, CTS tăng 1,2%, IVS tăng 6,7%, APS tăng 4,2%. BSI tăng 0,8%, MBS tăng 1,5%, VIX tăng 1,6%, WSS tăng 5%.
Trong khi đó, sự hồi phục của dầu thô cũng giúp các mã họ P khởi sắc, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường. Điển hình GAS tăng 2,4%, các mã lớn khác trên 2 sàn như PVD tăng 0,5%, PVS tăng 1,1%, PLC tăng 5%, PGS tăng 0,6%...
“Ông lớn” VNM tiếp tục làm tốt vai trò trụ đỡ của thị trường nhờ lực cầu ngoại hấp thụ mạnh. Đóng cửa, VNM tăng 1,1% lên mức 141.700 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trái với diễn biến tích cực hơn về cuối phiên ở 2 sàn chính, diễn biến trên sàn UPCoM lình xình đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều. Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,24%) xuống 57,52 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 6,39 triệu đơn vị, giá trị 78,62 tỷ đồng.
Mặc dù HVN đã hồi phục nhưng mức tăng khá hạn chế chỉ 0,33%, không đủ sức để đỡ giá cho các mã cùng ngành như ACV, SAS, NAS.
Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng gây sức ép cho thị trường như MCH giảm 0,3%, FOX giảm 1,03%, TVN giảm 3,75%...
TOP vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn với khối lượng giao dịch đạt 946.800 đơn vị, tuy nhiên, đóng cửa TOP giảm 5% lùi về mức giá 1.900 đồng/CP.