Bước vào phiên chiều, diễn biến này một lần nữa lặp lại, song có điểm khác là lực bán ra đã mạnh hơn hẳn, trong khi sức cầu có phần dè dặt. Điều này khiến VN-Index một lần nữa lùi khá sâu dưới mốc tham chiếu khi số mã giảm chiếm hơn gấp đôi so với số mã tăng. Tuy nhiên, với sự ổn định của nhóm cổ phiếu dẫn dắt là ngân hàng và dầu khí, VN-Index đã kịp hồi phục cuối phiên. Dù vậy, thanh khoản đã sụt giảm mạnh so với phiên trước đó.
Đóng cửa phiên giao dịch 27/2, với 91 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index tăng 5,08 điểm (+0,46%) lên 1.119,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 196,67 triệu đơn vị, giá trị 6.241,9 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 15,83% về giá trị so với phiên 26/2.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 779 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2,245 triệu cổ phiếu HPG, giá trị 135,24 tỷ đồng, 1 triệu cổ phiếu VJC, giá trị 181,5 tỷ đồng và 2 triệu cổ phiếu VRE, giá trị 110 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 27/2 |
Cứ mỗi nhịp giảm, lực cầu đã xuất hiện để nâng đỡ thị trường. Dù vậy, sức cầu là không thực sự mạnh và chỉ hưởng vào nhóm bluechips, tập trung tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí. Đây cũng là lý do giúp các cổ phiếu này duy trì được đà tăng, hỗ trợ chỉ số.
Nhóm ngân hàng thể hiện bộ mặt tích cực nhất. Tất cả các mã ngân hàng trên HOSE đều tăng, đặc biệt là CTG khi ghi dấu ẩn cả về điểm số lẫn thanh khoản. CTG tăng 4,6% lên 32.100 đồng và khớp lệnh tới 18,42 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
STB khớp 12,57 triệu đơn vị, tăng 0,6% lên 16.150 đồng, trong khi VCB khớp 2,249 triệu đơn vị, tăng 1,8% lên 73.2000 đồng.
HDB cũng có phiên hồi phục ấn tượng sau 3 phiên giảm liên tiếp. Cụ thể, chốt phiên hôm nay, HDB tăng 1,14%, lên 44.500 đồng với 1,56 triệu đơn vị được khớp.
Với nhóm dầu khí, các mã GAS, PVD, PVT giữ khá vững sắc xanh, còn PLX cũng thu hẹp đáng kể đà giảm so với đầu phiên. PVD tăng 3,8% lên 22.000 đồng và khớp 2,858 triệu đơn vị. PVT tăng 6,5% lên 18.100 đồng và khớp 1,037 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng tốt, thậm chí VND tăng lên mức giá trần 26.000 đồng với 3,6 triệu đơn vị được khớp trong phiên giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:10 và quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 3:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều mã lớn khác cũng có được đà tăng tốt để hỗ trợ VN-Index như NVL, VJC, MWG, MSN, KDC, DHG..., trong đó VJC bật tăng 3% lên 201.000 đồng và khớp 1,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vừa chịu áp lực chốt lời mạnh, vừa không nhận được sức cầu tốt nên đa phần nhóm này chìm trong sắc đỏ. Các mã thị trường như FLC, SCR, DXG, ASM, OGC, VHG, TCK... đều giảm điểm, mã có thanh khoản tốt nhất là FLC hay SCR cũng chỉ khớp được 4,6 triệu đơn vị. Đáng chú ý, sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, VHG đã giảm sàn trong phiên này về 1.030 đồng, khớp lệnh 2,676 triệu đơn vị.
Một số mã thị trường còn tăng có HAG, HNG, QCG, ANV, HAI, DLG, GTN..., trong đó GTN đã chấm dứt chuỗi giảm ở con số 8 với phiên tăng nhẹ 0,5% lên 10.350 đồng, song thanh khoản khá yếu. QCG và AVN tăng trần, khớp lệnh 2,03 triệu và 1,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, 2 nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí cũng bật tăng mạnh và là động cơ chính giúp HNX-Index chốt phiên ở mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, thanh khoản sàn này cũng sụt giảm mạnh.
Đóng cửa, HNX-Index tăng 1,1 điểm (+0,88%) lên 127,29 điểm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 51,77 triệu đơn vị, giá trị 865,57 tỷ đồng, giảm 29,62% về khối lượng và 37,65% về giá trị so với phiên 26/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 7,43 triệu đơn vị, giá trị 87,2 tỷ đồng.
Mã vốn hóa lớn sàn ACB đóng góp đáng kể vào đà tăng của sàn HNX trong phiên này khi tăng 2,4% lên 46.400 đồng và khớp tới 4,1 triệu đơn vị. SHB tăng nhẹ hơn, đạt 0,8% lên 13.100 đồng, song thanh khoản mạnh nhất sàn với 16,596 triệu đơn vị được khớp.
Với các mã dầu khí, trong khi PVC bất ngờ giảm điểm nhẹ, thì PVS, PGS, PLC vẫn tăng mạnh. PVS tăng 3,8% lên 24.400 đồng/CP và khớp tới 7,036 triệu đơn vị. PVX tăng 4,8% lên 2.200 đồng/CP và khớp 4,46 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã VCG, VCS, NDN, MAS, TVS... cũng đều tăng để hỗ trợ chỉ số. VCG tăng 0,4% lên 23.500 đồng/CP và khớp 1,82 triệu đơn vị.
Đi ngược thị trường, một số mã nhỏ như ACM, VE9, ASA, DPS, IDJ đã tăng trần, trong đó ACM nằm trong nhóm 9 mã thanh khoản cao nhất HNX với lượng khớp 1,248 triệu đơn vị.
Trên sàn UPCoM, mặc dù liên tục rung lắc, song sắc xanh vẫn lan tỏa trong suốt phiên. Và cũng giống như 2 sàn niêm yết, than khoản sàn này cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,55%) lên 60,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 8,34 triệu đơn vị, giá trị 169,72 tỷ đồng, giảm 30,5% về khối lượng và 19,86% về giá trị so với phiên 26/2. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1 triệu đơn vị, giá trị 26,2 tỷ đồng.
Cũng giống như VJC, HNV cũng bật tăng mạnh trong phiên ngày hôm nay, với mức tăng 8,3% lên 57.600 đồng, khớp lệnh 3,66 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn.
Đứng tiếp theo là LPB với 1,41 triệu đơn vị và VIB là 1,31 triệu đơn vị, song trái với đà tăng chung của các cổ phiếu ngân hàng trên sàn niêm yết, LPB giảm 1,9% về 15.600 đồng, còn VIB đứng giá tham chiếu 30.700 đồng.
Một số mã lớn như QNS, MSR, ACV, SDI, LTG... cũng đều tăng điểm.