Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phiên 28/3: VNM kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp
Trong khi áp lực bán gia tăng mạnh, thì bên mua lại có dấu hiệu chùn tay khiến thị trường giảm khá mạnh trong phiên chiều, trong đó VN-Index mất mốc 720 điểm, còn HNX-Index giảm gần 1%. Thanh khoản cũng sụt giảm hơn so với các phiên trước.

Trong phiên sáng, áp lực bán đã gia tăng mạnh sau khi VN-Index test ngưỡng cản 725 điểm. Áp lực bán mạnh đã đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Trong phiên giao dịch chiều, khi mà áp lực bán chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thì sức cầu lại hụt hơi, khiến VN-Index nới rộng đà giảm và chính thức mất mốc 720 điểm.

Đóng cửa, với 106 mã tăng và 138 mã giảm, VN-Index giảm 4,26 điểm (-0,59%) xuống 719,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 221,9 triệu đơn vị, giá trị 3.714,22 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 35,29 triệu đơn vị, giá trị hơn 541 tỷ đồng. Đáng chú ý là các thỏa thuận của 16,787 triệu cổ phiếu DLG, giá trị 48,68 tỷ đồng; 7 triệu cổ phiếu TTF, giá trị 55,95 tỷ đồng; 2,514 triệu cổ phiếu SBT, giá trị 57,8 tỷ đồng…

Diễn biến VN-Index phiên 28/3
Diễn biến VN-Index phiên 28/3

Áp lực bán gia tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu lớn và bluechip chính là nguyên nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh trong phiên chiều. 

Cụ thể, lực bán mạnh khiến trụ đỡ chính VNM chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trước đó với mức giảm 0,8% về 140.800 đồng/CP và khớp 1,026 triệu đơn vị.

Tương tự, nhóm ngân hàng, ngoại trừ EIB, cũng đều giảm điểm. VCB giảm 1,1% về 37.400 đồng/CP và khớp 1,95 triệu đơn vị. STB khớp manh nhất nhóm với 4,88 triệu đơn vị và giảm 2,2% về 11.150 đồng/CP. BID giảm 2% và khớp 3,129 triệu đơn vị. MBB giảm 0,6% về 15.350 đồng/CP và khớp 1,252 triệu đơn vị.

Các mã vốn hóa lớn khác như GAS, MSN, VIC, SAB, NVL cũng chìm trong sắc đỏ.

Ngược lại, các mã ROS, BVH, VJC tiếp tục duy trì sắc xanh để hãm bớt đà giảm của chỉ số. Đồng thời, các mã bluechips cơ bản như CII, GMD, HSG, PVD, REE… cũng tăng tốt cả về điểm số và thanh khoản, góp phần hỗ trợ VN-Index.

Đáng chú ý, REE có phiên bật tăng mạnh 3,9% lên 27.750 đồng/CP, thanh khoản cũng cao với 2,395 triệu cổ phiếu được sang tên.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, việc sức cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của nhóm này, khi không còn sôi động như phiên sáng.

ITA vẫn dẫn đầu thanh khoản với 17,02 triệu đơn vị được khớp. FLC và HAG khớp lần lượt 15,6 triệu và 15,3 triệu đơn vị.

Có lẽ nhờ thông tin Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu nên FLC có được đà tăng, còn ITA và HAG đều giảm khá mạnh. Cụ thể, FLC tăng 1,1% lên 8.390 đồng/CP, cònITA giảm 0,9% về 4.200 đồng/CP và HAG tiếp tục xa dần mệnh giá khi giảm 2,56% về 9.650 đồng/CP.

ROS có phiên tăng thứ 7 liên tục với mức tăng 1,1% lên 160.300 đồng/CP và khớp 2,848 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VHG vẫn vững vàng với sắc tím và khớp tới 11,99 triệu đơn vị, bên cạnh mức trần của QCG hay TSC. TSC phiên này khớp 3,22 triệu đơn vị. FIT cũng khớp 3,3 triệu đơn vị, song chỉ tăng nhẹ.

Trên sàn HNX, đóng cửa với chỉ 54 mã tăng và có tới 115 mã giảm, HNX-Index giảm 0,81 điểm (-0,89%) xuống 90,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt 40,33 triệu đơn vị, giá trị 497,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ hơn 2 đơn vị, giá trị 24 tỷ đồng.

Các mã trụ như ACB, VCS, CEO, HUT, BVS, VND, SHB… đều giảm khá mạnh, khiến HNX chịu sức nặng lớn. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí, cùng với NTP, LAS, DST, DBC… giữ vai trò má phanh giúp hãm bớt đà rơi.

Trong đó, ba mã có thanh khoản tốt nhất sàn đều giảm điểm mạnh, trong khi các mã tăng đều thanh khoản không cao. SHB giảm 4,9% về 5.800 đồng/CP và khớp 6,73 triệu đơn vị. ACB giảm 2% về 24.700 đồng/CP và khớp 3,88 triệu đơn vị. HUT giảm 2,7% về 14.200 đồng/CP và khớp 3,44 triệu đơn vị.

VCG khớp 2,3 triệu đơn vị, PVS và TVC khớp trên 1 triệu đơn vị. Ba mã này cùng đứng giá tham chiếu.

Trên sàn UPCoM, sau 5 phiên giảm liên tục, chỉ số UPCoM-Index đã giữ được sắc xanh ở phiên này dù rung lắc rất mạnh, đặc biệt là trong thời điểm cuối phiên.

Đóng cửa, với 45 mã tăng và 57 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,2%) lên 57,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,7 triệu đơn vị, giá trị 73,78 tỷ đồng.

Phiên này,sàn UPCoM không có mã nào giao dịch đạt mức 1 triệu đơn vị. HVN dẫn đầu thanh khoản với gần 0,67 triệu đơn vị được chuyển nhượng và giảm 1,7% về 29.600 đồng/CP.

Việc các mã lớn như SEA, MSR, SDI, QNS, VIB… tăng điểm góp phần giúp UPCoM-Index duy trì được sắc xanh.

Thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư đang lúng túng
Gần đây, có rất nhiều nhận định, dự báo về thị trường, cũng như khuyến nghị chiến lược đầu tư dưới các góc nhìn khác nhau, khiến không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư