Trong phiên chiều, nỗ lực cầm cự không thành sau gần 1 giờ giao dịch do áp lực bán gia tăng khiến thị trường hạ độ cao, VN-Index quay đầu đi xuống đe dọa mốc 770 điểm, nhưng chỉ số này cũng đã nhanh chóng “bật dậy” nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip.
Thị trường tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm, nhưng giao dịch khá hạn chế.
Đóng cửa, sàn HOSE có 151 mã tăng/118 mã giảm, VN-Index tăng 2,71 điểm (+0,35%) lên 771,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 211,88 triệu đơn vị, giá trị 3.693,53 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 13,71 triệu đơn vị, giá trị 321,54 tỷ đồng. Riêng NVL thỏa thuận 1,67 triệu đơn vị, giá trị 114,38 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 29/6 |
Trong khi đó, sàn HNX khá lặng sóng trong suốt phiên chiều. Với 80 mã tăng/80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,45%) và đóng cửa tại mức 98,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,34 triệu đơn vị, giá trị 556,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 12,55 tỷ đồng.
Cùng với áp lực bán trong nước sau 4 phiên tăng điểm, “ông lớn” VNM còn chịu sức ép cung ngoại khiến cổ phiếu này tiếp tục rớt giá. Với mức giảm 0,4%, VNM kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 154.800 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh 312.720 đơn vị.
Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí có phần kém khởi sắc hơn phiên sáng khi GAS quay về mốc tham chiếu, PVD và PVS cùng giảm nhẹ; thì các mã ngân hàng vẫn đóng vai trò là trụ cột cho thị trường với giao dịch khá sôi động.
Cụ thể, BID tăng 1,75% và khớp 5,41 triệu đơn vị; CTG trở lại mốc tham chiếu với khối lượng khớp 1,54 triệu đơn vị, MBB tăng gần 2,3% và khớp 2,2 triệu đơn vị, VCB tăng gần 0,4% và khớp 0,84 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, SHB trở lại mốc tham chiếu nhưng thanh khoản dẫn đầu với 6,43 triệu đơn vị được chuyển nhượng; ACB tăng 0,78% và khớp 0,93 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch khá khởi sắc với hầu hết các mã đều đóng cửa trong sắc xanh như SSI, HCM, AGR, BSI, BVS, CTS, SHS, VIX, VND…
Bên cạnh sự diễn biến tích cực từ nhóm cổ phiếu tài chính, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ từ các mã vốn hóa lớn như MSN tăng 1,9% sau thông tin có Chủ tịch HĐQT mới - ông Trương Công Thắng; hay PLX đảo chiều tăng 1,3% sau 2 phiên tạo gánh nặng cho thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, OGC đã hòa cùng sắc tím với các mã như TSC, DIG, VNG, duy trì phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt hơn 16,76 triệu đơn vị.
Trái lại, FLC quay đầu giảm điểm sau phiên hồi nhẹ hôm qua. Kết phiên, FLC giảm 1,5% xuống mức 7.190 đồng/CP với khối lượng khớp 14,18 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu QCG đã giao dịch “co giật mạnh” trong phiên hôm nay.
Từ mức giá trần ngay khi mở cửa, QCG đã dần hạ độ cao và trở nên rung lắc trong phiên chiều. Sau gần 1 giờ của phiên chiều, cổ phiếu này đột ngột rơi xuống mức giá sàn do áp lực bán gia tăng mạnh.Tuy nhiên, lực cầu hấp thụ khá tích cực đã giúp QCG lấy lại cân bằng và kết phiên ở mốc tham chiếu 29.000 đồng/CP với giao dịch tăng vọt, đạt 2,39 triệu đơn vị, đây là phiên giao dịch sôi động nhất trong gần 1 tháng qua.
Mặc dù các kết quả đạt được cùng kế hoạch kinh doanh được đưa ra trong năm 2017 và giai đoạn tiếp theo (năm 2018-2020) khá khả quan nhưng một trong những nguyên nhân khiến QCG bị bán mạnh có thể là do nhà đầu tư thất vọng sau thông tin Công ty chưa ký được hợp đồng chuyển nhượng dự án Phước Kiển cho CTCP Đầu tư Sunny Island.
Trên sàn UPCoM, mặc dù cũng có diễn biến lình xình trong gần hết phiên giao dịch nhưng lực cầu gia tăng về phút cuối đã giúp chỉ số trên sàn leo cao và kết phiên tại mức cao nhất ngày.
Cụ thể, UPCoM-Index tăng 0,36 điểm (+0,64%) lên 57,32 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,92 triệu đơn vị, giá trị 74,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,83 triệu đơn vị, giá trị 41,51 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVM đã không giữ được mốc tham chiếu và quay đầu giảm 3,88%, xuống mức thấp nhất ngày 9.900 đồng/CP nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với 1,72 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Đứng ở vị trí tiếp theo, SBS có khối lượng giao dịch đạt 831.500 đơn vị và đóng cửa tại mức giá 2.300 đồng/CP, tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 với biên độ tăng 15%.
Trong khi cổ phiếu lớn DVN quay đầu giảm điểm thì các mã lớn khác như GEX, MCH, VGT, VIB… vẫn duy trì sắc xanh, hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.