Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Phiên 3/3: Áp lực xả mạnh lên cặp đôi HAG - HNG
 
Áp lực bán vẫn duy trì ở mức cao khiến VN-Index giằng quanh mốc 570 điểm, trong đó cặp đôi HAG-HNG vẫn là điểm nhận của thị trường.

Sau cú bứt phá mạnh đầu phiên sáng, VN-Index đã hạ nhiệt, thậm chí có thời điểm chuyển đỏ bởi áp lực chốt lời lan rộng trên thị trường. Trong đó, không chỉ những đợt sóng cổ phiếu ngân hàng, khoáng sản bị chặn đứng bởi áp lực bán gia tăng mạnh, các mã có thông tin nới room như VHC, EVE cũng rớt giá đỏ. Tuy nhiên, một số ông lớn như MSN, GAS, HSG đã phát huy tác dụng là lực kéo chính giúp thị trường bảo toàn sắc xanh.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán tiếp tục khiến VN-Index giằng co mạnh. Sau hơn 30 phút đầu liên tục đổi sắc, VN-Index đã vượt qua mốc tham chiếu, tuy nhiên, lực cầu chưa mấy bứt phá khiến thị trường không có đột biến, giao dịch khá lình xình trong thời gian còn lại.

Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0,21 điểm (+0,04%) lên 570,39 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước với tổng khối lượng giao dịch đạt 132,21 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 2.048,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 10 triệu đơn vị, trị giá 314,38 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 3/3
Diễn biến VN-Index phiên 3/3

Trong khi đó, dù các cổ phiếu họ P vẫn duy trì sắc xanh nhưng áp lực bán cũng lan sang sàn HNX khiến HNX-Index đảo chiều giảm điểm trong những phút cuối. Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%) xuống 79,29 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 47,83 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 527,42 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,68 triệu đơn vị, trị giá 57,62 tỷ đồng.

Diễn biến HNX-Index phiên 3/3
Diễn biến HNX-Index phiên 3/3

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là điểm tựa chính của thị trường. Cùng với việc nới rộng đà tăng của GAS với biên độ tăng 2,49% lên 45.200 đồng/CP thì PVD cũng đã tìm lại sắc xanh với mức tăng nhẹ 1 bước giá. Các mã lớn khác như PVS, PVB, PVC, PGS, PLC cũng đồng loạt tăng điểm nhưng cũng không đủ sức để giúp HNX thoát khỏi phiên đỏ điểm.

Bên cạnh đó, ông lớn MSN vẫn duy trì đà tăng 1.500 đồng (+2,05%) lên 74.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 0,25 triệu đơn vị. Đây cũng là cổ phiếu có đóng góp tích cực trong giao dịch thỏa thuận với 0,94 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, trị giá 70,28 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, diễn biến lình xình trong biên độ hẹp tiêp tục duy trì. Ngoại trừ CTG bứt lên tăng 100 đồng/CP, còn MBB, SHB, ACB đang đứng giá tham chiếu; VCB, BID, STB giảm nhẹ 1 bước giá.

Ở nhóm cổ phiếu khoáng sản đã có sự phân hóa. Trong khi FCM và KSB bứt lên vượt qua mốc tham chiếu thì các mã khác tiếp tục đà giảm mạnh, đáng chú ý BGM, KSH, LCM, KSK, KSQ giảm sản. Như vậy, BGM trải qua phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau khi công bố thông tin về tăng vốn.

Về giao dịch đáng chú ý, cặp đôi HAG và HNG vẫn là tâm điểm thị trường, trong khi HAG chuyển nhượng thành công 12,16 triệu đơn vị thì HNG khớp lệnh hơn 9,7 triệu đơn vị. Đóng cửa, áp lực bán mạnh khiến HNG vẫn duy trì mức giảm 6,25% xuống mức giá sàn 7.500 đồng/CP và dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị, trong khi HAG thoát giá sàn trong phút cuối nhưng vẫn duy trì đà giảm mạnh với biên độ 4,82% xuống sát mức giá sàn 7.900 đồng/CP.

Sàn HNX, SCR là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất với 6,54 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đóng cửa, SCR đứng giá tham chiếu 9.800 đồng/CP.

Thêm tân binh xăng dầu làm nóng sàn HNX
Ngày 2/3/2016, CTCP Xăng dầu Dầu khí Phú Yên đã chính thức đưa hơn 8,2 triệu cổ phiếu PPY lên niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư