Bước sang phiên chiều, sau khoảng 1 giờ lình xình đi ngang, lực bán bất ngờ tăng mạnh về cuối phiên, đẩy VN-Index lùi sâu hơn, khiến VN-Index chính thức có phiên điều chỉnh sau chuỗi ngày dài tăng ấn tượng.
Kết phiên, sàn HOSE có 165 mã giảm và 123 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 7,1 điểm (-0,7%) xuống mức 1.012,65 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn tăng tích cực với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 284 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 7.727,76 tỷ đồng, tăng 12,29% về lượng và 23,34% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,15 triệu đơn vị, giá trị hơn 965 tỷ đồng. Trong đó, NVL thỏa thuận 2,54 triệu đơn vị, giá trị 177 tỷ đồng; VNM thỏa thuận 1,14 triệu đơn vị, giá trị 243,18 tỷ đồng; PME thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 80,7 tỷ đồng…
Diễn biến VN-Index phiên 5/1 |
Trong khi đó, trên sàn HNX, sau khoảng 1 giờ giao dịch và nhận được sự hỗ trợ của một số mã bluechip khởi sắc, thị trường đã dần hồi phục. Tuy nhiên, áp lực bán khá lớn và thường trực khiến HNX-Index nhanh chóng đảo chiều giảm điểm.
Cụ thể, với 98 mã giảm và 63 mã tăng, HNX-Index giảm 0,58 điểm (-0,49%) xuống 118,92 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 62,9 triệu đơn vị, giá trị 1.047,15 tỷ đồng, tăng 5% về lượng và 8,29% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,46 triệu đơn vị, giá trị 284,12 tỷ đồng.
Nhóm bluechip vẫn chủ yếu đứng dưới mốc tham chiếu, cụ thể VN30 có tới 22 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, 2 mã đứng giá; còn HNX30 có 19 mã giảm, 7 mã tăng và 3 mã đứng giá.
Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, BID, MBB đều nới rộng đà giảm, thì “tân binh” HDB tiếp tục bùng nổ trong phiên chiều, đặc biệt trong đợt khớp ATC.
Lệnh mua ồ ạt trong đợt khớp ATC đã khiến cổ phiếu HDB có khối lượng khớp lệnh tăng vọt lên mức 32,2 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá trần 39.600 đồng/CP, tăng 20%, cùng khối lượng nhà đầu tư mua ròng lên tới hơn 5 triệu đơn vị.
Như vậy, với màn chào sàn ấn tượng của HDB, nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo tăng thêm 1.400 tỷ đồng khi sở hữu 35,96 triệu cổ phiếu HDB.
Ngoài ra, với việc sở hữu 168,5 triệu cổ phiếu VJC, kết thúc phiên giao dịch 5/1, giá cổ phiếu VJC đứng ở mức 148.900 đồng/CP, tổng tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thảo hiện ở mức 25.979 tỷ đồng, tăng 1.242 tỷ đồng so với cuối năm 2017.
Bên cạnh HDB, thành viên khác của nhóm cổ phiếu ngân hàng là EIB cũng có màn khởi sắc ấn tượng khi duy trì mức tăng 6,6 và kết phiên ở mức giá trần 12.900 đồng/CP.
Ngoài ra, ROS, MSN, PLX tiếp tục tăng và đóng vai trò là các má phanh giúp thị trường hãm bớt tiêu cực.
Trong khi đó, các cổ phiếu lớn khác như VNM, VIC, GAS, SAB, VRE… vẫn tiếp tục giảm điểm, trong đó GAS nới rộng đà giảm 1,6% xuống mức 100.400 đồng/CP, SAB cũng giảm sâu hơn 1,2% xuống mức 264.300 đồng/CP.
Trên sàn HNX, trong khi ACB vẫn giữ được mốc tham chiếu, thì SHB lại quay đầu đi xuống khi giảm 2% xuống mức 9.600 đồng/CP và tiếp tục giao dịch sôi động với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt 17,66 triệu đơn vị.
Trái với giao dịch thiếu tích cực ở nhóm cổ phiếu bluechip nói chung và nhóm dầu khí nói riêng, cổ phiếu PVS vẫn duy trì đà khởi dắc nhờ thông tin kết quả kinh doanh khả quan khi ước lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng trong năm 2017, vượt 43% chỉ tiêu cả năm.
Kết phiên, PVS tăng 2% lên mức giá 26.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 10,96 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB về thanh khoản trên sàn HNX.
Trái với 2 sàn chính, trên sàn UPCoM, sắc xanh được bảo toàn trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,19%) lên mức 56,22 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 14,53 triệu đơn vị, giá trị 227,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 115,18 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu AFC bất ngờ có phiên tăng vọt cả về giá và thanh khoản. Với mức tăng 13,7%, cổ phiếu AFC đóng cửa sát mức giá trần 10.800 đồng/CP và đã chuyển nhượng hơn 3,2 triệu đơn vị, dẫn đầu khối lượng giao dịch trên sàn UPCoM.
Được biết, cuối năm 2017, Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV, cổ đông lớn nhất của AFC với việc sở hữu hơn 65% vốn đã đăng ký bán ra hơn 3,2 triệu cổ phiếu AFC từ ngày 28/12/2017 đến ngày 24/1/2018. Rất có thể, công ty mẹ đã bán thành công lượng cổ phiếu trên trong phiên 5/1.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là LPB với khối lượng giao dịch đạt 2,18 triệu đơn vị và đóng cửa tại mốc tham chiếu 13.500 đồng/CP. Ngoài ra, các mã lớn như DVN, GEX, HVN, ART cũng chuyển nhượng thành công hơn 1 triệu đơn vị.