Trong phiên chiều, nỗ lực kéo VN-Index tiếp tục bị thử thách khi mà áp lực được duy trì, trong khi sức cầu trở nên thận trọng hơn. Nhờ với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản-xây dựng, VN-Index đã vượt qua áp lực và tăng điểm trở lại.
Đóng cửa, vói 174 mã tăng và 121 mã giảm, VN-Index tăng 1,63 điểm (+0,14%) lên 1.193,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 241,19 triệu đơn vị, giá trị 7.852,31 tỷ đồng, tăng 1% về khối lượng, nhưng giảm 8,2% về giá trị so với phiên 4/4.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 54,62 triệu đơn vị, giá trị 2.392 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 18,374 triệu cổ phiếu NVL, giá trị hơn 1.375 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 5,482 triệu cổ phiếu GEX ở mức giá sàn, giá trị 197,37 tỷ đồng và 2,476 triệu cổ phiếu PDN, giá trị cũng là 197,37 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 5/4 |
Như đã nói ở trên, trong bối cảnh áp lực mạnh trên vùng giá cao, nhóm cổ phiếu lớn suy yếu, chính sự khởi sắc của các cổ phiếu bất động sản-xây dựng đã tạo động lực cho VN-Index tăng điểm trong phiên này.
Trong số đó, VIC và NVL có đóng góp đáng kể nhất. VIC tăng mạnh ngay khi mở cửa và duy trì phong độ cho đến hết phiên, tạo lực đỡ vững chắc cho VN-Index. VIC đóng cửa tăng 2,7% lên 131.000 đồng và khớp lệnh 3,19 triệu đơn vị. Có lẽ phiên tăng này đến từ thông tin Vinhomes chuẩn bị lên sàn niêm yết. Trong 6 tháng qua, cổ phiếu VIC đã tăng "phi mã", từ vùng 50.000 đồng lên 130.000 đồng như hiện tại, tức tăng tới 160% giá trị, qua đó trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường.
NVL phiên này tăng 1,3% lên 78.000 đồng/CP. Ngoài giao dịch thỏa thuận mạnh, NVL khớp lệnh cũng khá cao, đạt 2,895 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, điểm nhấn của thị trường phiên này phải dành cho cặp CII và CEE với sắc tím ấn tượng. Việc "mẹ con" CII và CEE bất ngờ tăng trần trong phiên này có lẽ đến từ thông tin CEE sẽ mua vào 2 triệu cổ phiếu quỹ nhằm mục đích "cứu giá".
Kể từ cuối tháng 11 năm ngoái, cổ phiếu CEE liên tục đi xuống, từ vùng giá 26.000 đồng về 17.000 đồng như hiện tại, tức mất gần 35% giá trị. Riêng trong tháng 3 (22 phiên giao dịch), cổ phiếu CEE chỉ tăng 7 phiên, trong đó có 1 phiên tăng trần, còn lại giảm 15 phiên, mức giảm tương ứng 12%.
Tương tự, cổ phiếu CII cũng theo xu hướng giảm từ đầu năm 2018 đến nay, từ vùng giá 39.000 đồng về 29.000 đồng, tức mất khoảng 25% giá trị.
Với sắc tím ở phiên này, CII đạt mức giá 33.650 đồng (+7%), còn CEE lên 18.150 đồng (+6,8%). Tuy nhiên, CII có thanh khoản mạnh với hơn 2,5 triệu đơn vị được khớp, trong khi CEE khớp chưa đầy 100.000 đơn vị.
Không đạt sắc tím, nhưng nhiều mã bất động sản-xây dựng cùng đồng loạt tăng điểm như SCR, KBC, DXG, HAR, HQC, HBC, DLG, DRH, TLD, TDH, PDR... SCR khớp lệnh 13,82 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. Các mã KBC, DXG, HAR, HQC khớp từ 3-7 triệu đơn vị.
Ngược lại, một số mã giảm điểm như VRE, FLC, ROS, DIG, QCG..., thanh khoản cũng khá cao, với mức khớp từ 1-7 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, nhiều mã tầm trung (NT2, THI, VFG...) và nhỏ (OGC, VNE, GTN, FIT, NBB, KSH...) cũng tăng trần trong phiên này, trong đó các mã nhỏ có thanh khoản tốt, khớp lệnh từ 1-5 triệu đơn vị.
Về phía các mã lớn, nhóm ngân hàng chính là gánh nặng cho VN-Index. Ngoại trừ MBB và STB kịp tăng nhẹ, VCB và EIB về được tham chiếu, còn lại là BID, CTG, VPB và HDB đều giảm. Ngoại trừ EIB, các cổ phiếu khác khớp từ 2-6 triệu đơn vị.
VNM đã giảm trở lại về mức 197.300 đồng (-1,4%). Trước phiên tăng hôm qua, cổ phiếu này có 5 phiên giảm liên tiếp.