Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục đón nhận đợt lũ xả hàng, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip cũng đồng loạt ngả đỏ và càng được tô đậm hơn đã khiến VN-Index lao dốc, về sát mốc 930 điểm khi đánh mất tới hơn 20 điểm sau gần 1 giờ giao dịch.

Tuy nhiên, kịch bản lại khá giống phiên sáng, ngay lập tức dòng tiền được kích hoạt đã giúp thị trường dừng rơi. Đặc biệt, đến đợt khớp ATC, lực cầu hấp thụ gia tăng mạnh đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm sâu. Mặc dù chưa thể hồi phục sắc xanh nhưng VN-Index cũng đã đóng cửa ở mức cao hơn phiên sáng.

Kết phiên, VN-Index giảm 5,66 điểm (-0,59%) xuống 947,64 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 243,46 điểm, tổng giá trị tương ứng 6.170,92 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,29 triệu đơn vị, giá trị 862,23 tỷ đồng, trong đó NVL thỏa thuận 6,5 triệu đơn vị, giá trị 396,75 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 0,85 triệu đơn vị, giá trị 118,15 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên 6/12
Diễn biến VN-Index phiên 6/12

Đà giảm của thị trường được thu hẹp đáng kể nhờ sự cân bằng trở lại của nhóm bluechip với việc đảo chiều hồi phục của nhiều mã. Cụ thể, trong nhóm VN30 có 11 mã tăng, 16 mã giảm và 3 mã đứng giá.

Cặp đôi lớn cổ phiếu ngành thép là HPG và HSG mặc dù biến động khá giằng co trong gần hết cả phiên nhưng lại có nhịp hồi tích cực khi kết phiên nhờ lực cầu tăng mạnh. Trong đó, HPG tăng 1,6% lên mức cao nhất ngày 42.250 đồng/CP với khối lượng khớp 7,17 triệu đơn vị; còn HSG tăng 2,6% lên mức 25.850 đồng/CP và khớp 5,65 triệu đơn vị.

Một số mã lớn khác cũng đóng vai trò là má phanh cho thị trường như BVH tăng 3,3% lên mức cao nhất ngày 59.900 đồng/CP, GAS tăng 0,7% lên mức 83.300 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các trụ cột cũng đã thu hẹp đà giảm đáng kể như VNM còn giảm 2% xuống mức 195.000 đồng/CP, SAB giảm 0,6% về mức 328.000 đồng/CP, VIC lấy lại mốc tham chiếu, ROS giảm 4,19% về mức giá 150.900 đồng/CP – đây cũng là mức giá cao nhất của ROS trong phiên hôm nay.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bớt tiêu cực hơn khi VCB và BID chỉ còn giảm nhẹ, CTG và MBB đã lấy lại mốc tham chiếu, còn STB khởi sắc với mức tăng 1,9% lên mức 13.250 đồng/CP và khớp 7,18 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi HAI và AMD vẫn duy trì trạng thái dư mua trần lớn, tương ứng gần 7,1 triệu đơn vị và 5,18 triệu đơn vị, trong khi bên bán khá vắng bóng khiến thanh khoản của 2 mã này không có nhiều biến đổi, lần lượt khớp 4,57 triệu đơn vị và 4,56 triệu đơn vị. Kết phiên, cả HAI và AMD đều tăng hết biên độ 6,9% và giữ mức giá trần tương ứng 7.910 đồng/CP và 9.090 đồng/CP.

Trái lại, FLC đảo chiều giảm nhẹ 0,7% xuống mức 6.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 32,77 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng diễn ra ngay khi bước vào phiên chiều khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Mặc dù trong phần lớn thời gian, HNX-Index đứng dưới mốc tham chiếu nhưng đột biến cũng đã xẩy ra ở những phút cuối giao dịch nhờ sự hồi phục tích cực của một số mã lớn đã giúp chỉ số này đảo chiều thành công.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,12%) lên mức 113,37 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 70,78 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 905,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,9 triệu đơn vị, giá trị 122,4 tỷ đồng, trong đó DL1 thỏa thuận 2,5 triệu đơn vị, giá trị 88,75 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB tiếp tục nới rộng biên độ nhờ lực cầu gia tăng tích cực. Với mức tăng 2,2%, SHB đã đóng cửa tại mức giá 9.300 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 21,64 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, PVS cũng có diễn biến khởi sắc khi nới rộng đà tăng 1,58% lên mức 19.300 đồng/CP với khối lượng khớp khá sôi động đạt 8,16 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng đã tăng khá tốt về cuối phiên, hỗ trợ tích cực giúp thị trường hồi phục như VCG, NTP, DBC…

Trên sàn UPCoM không có nhiều biến động khi các mã lớn vẫn tiếp tục tạo sức ép khiến chỉ số sàn duy trì đà giảm điểm trong suốt cả phiên chiều.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,42%) xuống 53,97 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,63 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 197,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,78 triệu đơn vị, giá trị 87,62 tỷ đồng, trong đó DBD thỏa thuận 1,09 triệu đơn vị, giá trị 62,55 tỷ đồng; AMS thỏa thuận 1 triệu đơn vị, giá trị 7 tỷ đồng.

Cổ phiếu GEX tiếp tục nới rộng đà giảm 4,38% xuống mức 24.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,29 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM.

Tiếp đó, HVN chuyển nhượng thành công 1,92 triệu đơn vị và đóng cửa tại mức giá 38.100 đồng/CP, giảm gần 5%.

Các mã lớn khác như LPB và DVN cũng có khối lượng giao dịch đạt 1,6-1,7 triệu đơn vị nhưng đóng cửa cũng đều giảm sâu hơn khi chốt phiên sáng.

Chứng khoán phái sinh hôm nay cũng có phiên giao dịch đột biến với 21.342 hợp đồng được giao dịch, giá trị 2.009,5 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với phiên trước đó.