Cuốn sách bao quát nhiều chủ đề: từ hiện tượng kẻ-thắng-lấy-hết, tác động của sự tình cờ, sự bất lực của đường cong hình chuông Gauss đối với hầu hết mọi điều, các khái niệm về tính thang bậc, vô số những bất định xảy ra trên thế giới, đặc biệt là thế giới hiện đại nơi thông tin di chuyển với tốc độ chóng mặt, cho đến những ý tưởng sai lầm về khả năng dự đoán tương lai của con người.
Và quan trọng hơn hết, tất cả những ý tưởng này đã được tác giả khéo léo xâu chuỗi thành một lý thuyết chung, giúp ta nhận ra được vốn kiến thức ít ỏi của mình và từ đó thay đổi cách nhìn về thế giới.
Khi biến cố "Thiên nga đen" xảy ra, người ta dựng lên một lời giải thích để khiến nó ít ngẫu nhiên hơn, dễ dự đoán hơn so với bản chất thật của nó.
Câu chuyện thị trường chứng khoán quốc tế và thị trường chứng khoán Việt Nam 2 ngày nay, ở mức nào đó cũng có thể gọi là biến cố. Và không hiểu vô tình hay hữu ý, 12 con thiên nga đen và trắng cũng được thả thử nghiệm xuống Hồ Gươm, địa điểm linh thiêng bậc nhất tại Thủ đô. Tuy nhiên, ngay sau đó đã phải di dời tới địa điểm khác vì vấp phải nhiều ý kiến quan ngại cho kế hoạch này.
Tuy nhiên, với diễn biến thị trường chứng khoán tại Việt Nam, cụm từ "biến cố" có thể không mô tả hết, vì biến cố thường xảy ra có tính thời điểm hơn là một chuỗi vấn đề. Và nếu gọi là "thiên nga đen" thì lời giải thích nào thuyết phục cho cú giảm sốc hơn 56 điểm với VN-Index ngày hôm qua (5/2) và nỗ lực lội ngược dòng trong phiên ngày hôm nay.
2 phiên giảm điểm cực mạnh, ngoài dự đoán, chắc hẳn không phải là sự ngẫu nhiên do tác động của chứng khoán quốc tế, mà có nguyên nhân sâu xa hơn từ chuỗi tăng điểm cũng cực mạnh suốt 3 tháng trước đó.
Khi thị trường căng hết sức để tăng điểm, cũng giống như một vận động viên cử tạ dùng hết sức mình làm động tác cử giật. Khi tạ đã được nâng lên, một con bướm vô tình đậu sang một bên cũng khiến sự cân bằng mất đi bởi vận động viên đã hết khả năng kiểm soát. Nếu ai thích bộ phim hoạt hình Nga "Hãy đợi đấy" chắc sẽ nhớ hình ảnh ví von đầy triết lý này được đưa vào một tập phim.
Không thị trường chứng khoán nào tăng được mãi, đặc biệt khi tăng vượt giá trị được thừa nhận, khi mà hàng loạt mã lớn chứ không phải là một vài mã tăng giá đột biến,... Sự tác động của giá chứng khoán quốc tế có thể chỉ như một con bướm đậu vào một bên tạ, bẻ gãy sức nâng thị trường, vốn đến rất nhiều tự lượng margin đã rất cao.
Câu hỏi giờ đây là diễn biến thị trường sẽ thế nào trong phiên ngày mai, và một vài phiên tiếp tới trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán?
Câu trả lời có thể đến từ diễn biến nửa phiên chiều nay. Sau phiên sáng với hầu hết mã lớn "nằm sàn" thì lực cầu bắt đáy xuất hiện ở một số nhóm cổ phiếu đang nhận được sự quan tâm của dòng tiền như STB, HGP...
Bên cạnh đó là các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn đã được hãm bớt đà giảm, tỷ lệ % giảm đã giảm xuống còn một nửa.
Tại thời điểm 14h15’, sàn HOSE chỉ còn 29 mã giảm sàn, VN30 cũng chỉ còn 2 mã sàn là CII và ROS.
Trong đó, ngoài NVL vẫn đang bơi ngược dòng thì còn có STB, HPG và VCB, chỉ số hồi lên trên ngưỡng 1.022 điểm.
Việc chỉ số giảm rất sâu đã khiến dòng tiền tham lam không ít đổ vào thị trường, bất chấp khả năng tiếp tục điều chỉnh đang được dự báo còn khá lớn.
Tuy nhiên, đà tăng này không giữ được lâu, lực bán một lần nữa lấn át, chỉ số nhanh chóng đi xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC.
Trong năm 2018 này, đợt khớp lệnh ATC trong rất nhiều phiên đã khiến giới đầu tư ngỡ ngàng, có phiên kéo chỉ số lên rất cao, ngược lại, có những phiên đột biến từ xanh về đỏ chỉ trong đợt này.
Phiên ATC hôm nay tuy không thể kéo thị trường giành lại màu xanh, nhưng cũng đã giúp VN-Index lấy lại mốc tâm lý trên 1.000 điểm.
Chốt phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 45 mã tăng, 262 mã giảm, trong đó 71 mã giảm sàn, VN-Index giảm 37,11 điểm (-3,54%), xuống 1.011,6 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 480 triệu đơn vị, giá trị 15.122,12 tỷ đồng, tăng 70,2% về giá trị và tăng 82,1% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 116,1 triệu đơn vị, giá trị 5.695,9 tỷ đồng, đáng kể là có 94,5 triệu cổ phiếu VRE ở mức giá sàn, giá trị 4.512 tỷ đồng.
Nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường đã có một số cổ phiếu cố gắng bứt phá như VIC, HPG, NVL, MSN khi không còn sắc đỏ khi chốt phiên.
Cụ thể, VIC vươn lên tham chiếu ở mức 81.100 đồng/cổ phiếu, khớp 6,41 triệu đơn vị; NVL tăng 0,2% lên 81.800 đồng/cổ phiếu, khớp 1,75 triệu đơn vị; MSN vươn lên từ giá sàn, tăng 1,5% lên 86.000 đồng/cổ phiếu, khớp 1,87 triệu đơn vị; HPG tăng 1,8% lên 58.000 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần 15 triệu đơn vị, đứng thứ 2 trên sàn sau STB.
Một số cổ phiếu khác đáng chú ý cũng không còn xanh mắt mèo hoặc giảm mạnh như VNM (-2,56%), VCB (-1,12%), ACB (-2,8%), MWG (-3,6%).
Tuy nhiên, nhiều mã vẫn nằm sàn hoặc sát mức giá sàn như VRE, GAS, PLX, BVH, BID, CTG.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu ngoài HPG nêu trên, đáng chú ý còn có STB khi cũng hồi mạnh trở lại, chốt phiên tăng 1,7% lên 15.400 đồng/cổ phiếu, khớp 32,94 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản.
Cổ phiếu vừa bị loại ra khỏi VN30 là KBC cũng có thanh khoản rất sôi động với hơn 6,8 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng 2,4% lên 12.900 đồng/cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường thì tình hình vẫn khá xấu, khi hầu như không mã nào tăng điểm khi kết phiên, mặc dù có một số ít mã đã thoát mức giá sàn như HQC, SCR, ITA, DIG, DXG, OGC, FIT… còn lại thẳng tiến mức giá sàn như HAG, FLC (2 mã này khớp từ 13 đến hơn 15 triệu đơn vị), cùng HNG, DLG, ASM, HAI, IDI, AMD…khớp lệnh từ hơn 2 triệu đến 3,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã hãm bớt được đà giảm, nhưng sự phục hồi của VGC, CEO, SHN, NVB đã không thể bù đắp hết cho những mất mát ở nhóm cổ phiếu chi phối lớn như PVS, SHB, ACB, SHS, VCG, HUT.
Trong đó, SHB khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 46,2 triệu cổ phiếu, chốt phiên chỉ còn giảm 2,5% xuống 11.600 đồng/cổ phiếu; PVS vẫn nằm sàn, giảm 9,8% xuống 21.800 đồng/cổ phiếu, khớp 13,53 triệu đơn vị; ACB giảm 2,8% xuống 38.900 đồng/cổ phiếu, khớp 7,32 triệu đơn vị; SHS giảm 2% xuống 19.900 đồng/cổ phiếu, khớp 5,51 triệu đơn vị; VCG giảm 3% xuống 22.500 đồng/cổ phiếu, khớp 4 triệu đơn vị; HUT giảm mạnh 8,2% xuống 8.900 đồng/cổ phiếu, khớp 4 triệu đơn vị.
Các mã tăng lại có thanh khoản thấp hơn nhiều như VGC tăng 4% lên 23.400 đồng/cổ phiếu, khớp 1,88 triệu đơn vị; CEO khớp 1,7 triệu đơn vị, tăng 1% lên 10.400 đồng/cổ phiếu; SHN khớp 1,54 triệu đơn vị, khớp 1,54 triệu cổ phiếu.
Chốt phiên này, HNX-Index giảm 3,21 điểm (-2,78%), xuống 115,64 điểm. Tổng khối lượng giao địch đạt hơn 116,52 triệu đơn vị, giá trị 1.657,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,4 triệu đơn vị, giá trị 123 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM cũng phần nào đó nhận được lực cầu bắt đáy quay trở lại, nhưng chốt phiên vẫn mất tới gần 3,5% do 17 mã thanh khoản tốt nhất sàn không mã nào tăng, mặc dù giống như HOSE và HNX là nhiều mã đã thoát giá sàn.
Cụ thể các mã đáng chú ý có LPB, giảm 6,7% xuống 13.900 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh duy trì dẫn đầu với 5,1 triệu đơn vị; HVN giảm 12,5% xuống 45.500 đồng/cổ phiếu, khớp 2,76 triệu đơn vị; DVN giảm 13,8% xuống 19.300 đồng/cổ phiếu, khớp 2,67 triệu đơn vị; SBS giảm 10,3% xuống 2.600 đồng/cổ phiếu, khớp 2,33 triệu đơn vị.
Đó là tất cả những mã có trên 1 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã còn lại chỉ còn TOP và PXL đứng tham chiếu, còn lại cũng đóng cửa trong sắc đỏ như ACV, VGT, VIB, MSR, QNS, SDI…
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,98 điểm (-3,48%), xuống 54,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,91 triệu đơn vị, giá trị 284,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,29 triệu đơn vị, giá trị 68,29 tỷ đồng.
Bình tâm trở lại để nhìn vào 2 phiên giao dịch hôm qua và hôm nay có thể thấy, diễn biến giảm không phải là một "tai nạn". Vẫn có những lực kéo để thị trường tăng điểm đến từ kết quả kinh doanh tốt của doanh nghiệp, của sự khởi sắc về kinh tế vĩ mô, của "vùng trũng" thu hút vốn ngoại, của sự hào hứng từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước,... Nhưng cú sụt giảm này cũng là sự nhắc nhở rằng, sự hưng phấn không thể duy trì quá lâu, thị trường cần có những nhịp điều chỉnh để đi lên bền vững.
Có nhiều mã vốn hóa trung và nhỏ có kết quả kinh doanh tốt chưa tăng giá những tháng gần đây, những mã này xứng đáng được dòng tiền quan tâm, thay vì chỉ cho các mã trụ kéo chỉ số.
Sự điều chỉnh là cần thiết, tiếc rằng nó diễn ra vào thời điểm trước Tết, một kỳ nghỉ dài, có thể khiến Tết thiếu đi thi vị với nhiều nhà đầu tư, nhưng sẽ giúp một năm mới Mậu Tuất bình an hơn.