Sang phiên chiều, lực cầu gia tăng giúp thị trường dần thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia chưa đủ mạnh trong khi lực bán dần gia tăng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index chưa thể chạm được mốc tham chiếu đã bị đẩy lùi sâu, xuyên thủng ngưỡng kháng cự 990 điểm vừa được tạo lập.
Đóng cửa, sàn HOSE có tới 207 mã giảm và 111 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 9,08 điểm (-0,91%) xuống 988,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ phiên hôm qua 165,18 triệu đơn vị, giá trị 4.243,13 tỷ đồng, tăng 23,74% so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 12,84 triệu đơn vị, giá trị hơn 646 tỷ đồng, trong đó riêng SAB thỏa thuận hơn 150 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index phiên 9/4 |
Nhóm VN30 là gánh nặng chính của thị trường khi chỉ còn một vài mã xanh nhạt như VCB, TCB, VPB, SSI, ngoại trừ VJC tăng tốt hơn nhờ thông tin tích cực từ việc tạm ứng cổ tức 10% trước ĐHCĐ, nâng mức chia cổ tức trong năm 2018 lên tới 55%. Chốt phiên, VJC tăng 1,8% lên 112.500 đồng/CP.
Trái lại, trong nhóm này có tới 22 mã đứng dưới mốc tham chiếu với các mã lớn tác động khá mạnh như VNM giảm 1,3% xuống 135.400 đồng/CP, VIC giảm 2,2% xuống 113.000 đồng/CP, VRE giảm 3,4% xuống 34.600 đồng/CP, VHM giảm 0,8% xuống 93.800 đồng/CP, GAS giảm 1,9% xuống 105.000 đồng/CP, SAB giảm 1,7% xuống 245.100 đồng/CP.
Đáng chú ý là cổ phiếu CTD. ĐHCĐ thường niên Coteccons đã thống nhất dừng lại kế hoạch sáp nhập cùng Ricons sau nhiều tranh luận ồn ào đã tác động không mấy tích cực tới diễn biến cổ phiếu CTD khi chịu áp lực bán ra mạnh. Đóng cửa, CTD giảm 7% xuống mức giá sàn 130.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 651.760 đơn vị và dư bán sàn 158.050 đơn vị.
Bên cạnh đó, ĐHCĐ Long Hậu cũng đã thông qua kế hoạch năm 2019 với doanh thu tăng 32% lên 631,65 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 27,4% so với kết quả năm 2018, đạt 127,76 tỷ đồng, khiến cổ phiếu LHG cũng giao dịch kém tích cực. Kết phiên, LHG đảo chiều sau 3 phiên tăng liên tiếp, với mức giảm 2,4% xuống 20.400 đồng/CP.
Không chỉ cổ phiếu lớn chịu áp lực bán mạnh, nhóm cổ phiếu thị trường cũng đua nhau giảm mạnh. Trong đó, AAA sau phiên tăng kịch trần ngày hôm qua nhờ thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh quý I/2019 khả quan cũng đảo chiều giảm 2,1% xuống 18.500 đồng/CP nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn, đạt 7,95 triệu đơn vị. Ngoài ra, các mã FLC, ITA, TTF, LCG, DLG, SCR, TSC… cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
Áp lực bán cũng khiến sàn HNX lao dốc mạnh trong phiên chiều.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 1,22 điểm (-1,12%) xuống 107,71 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 42,39 triệu đơn vị, giá trị 535,66 tỷ đồng, tăng 19,68% về lượng nhưng giảm 3,94% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,55 triệu đơn vị, giá trị 133,18 tỷ đồng, trong đó VCG thỏa thuận gần 3,3 triệu đơn vị, giá trị 88,91 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30 chỉ còn 2 mã tăng nhẹ là VC3 và VMC, còn lại hầu hết đều giảm điểm hoặc đứng giá. Đáng kể một số mã lớn là gánh nặng chính của thị trường như ACB giảm 1% xuống 30.500 đồng/CP, SHB giảm 2,6% xuống 7.500 đồng/CP, VCG giảm 2,6% xuống 26.500 đồng/CP, VCS giảm 2,7% xuống 67.600 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu khởi sắc hôm qua là dầu khí cũng chịu áp lực bán và lần lượt quay đầu đi xuống như PVS giảm 4,3% xuống 22.500 đồng/CP, PVI giảm 2,5% xuống 38.800 đồng/CP, PGS giảm 0,6% xuống 35.000 đồng/CP, PVB giảm 4,7% xuống 20.500 đồng/CP… Trong đó, PVS vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX, với khối lượng khớp lệnh gần 7,8 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ART cũng đảo chiều sau 2 phiên tăng trần liên tiếp trước đó, với mức giảm 3,2% xuống mức thấp nhất ngày 3.000 đồng/CP và khớp hơn 7,14 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, sắc đỏ cũng bao phủ trong cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,33%) xuống 56,58 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 12,5 triệu đơn vị, giá trị 251,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 12 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động với hơn 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và kết phiên tại mức giá 13.300 đồng/CP, tăng nhẹ 0,8%.
Trái lại, C4G sau 4 phiên tăng mạnh đã đảo chiều giảm khá sâu 5,2% xuống 11.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn 1,65 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM.
Trong khi đó, các mã lớn như HVN, GVR, VGI, DVN, QNS… đều giảm điểm, là những tác nhân chính đẩy thị trường đi xuống.