Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Phó Chủ tịch Sơn La: Nông sản không phải chờ "giải cứu"
Sau một tháng ra mắt thương hiệu, mận hậu Ruby đã không đủ hàng để bán. Thương hiệu khi được giới thiệu tại Malaysia, Singapore đã rất được đón chờ.

Tại sao người Nhật Bản có thể sản xuất ra những quả mơ giá 100.000 đồng/quả, hay xoài có giá đến 800.000 đồng/quả? Đó là câu hỏi trong lòng tôi khi đi quan sát và học tập mô hình nông nghiệp ở các nước bạn.

Tôi công tác ở Huyện Mộc Châu từ năm 1991. Khi đó tôi làm ở ngành kiểm lâm huyện Mộc Châu, nơi có vùng “thung lũng mận Nà Ka” nổi tiếng bây giờ.

Tân Lập nối sang Yên Châu, là nơi sinh sống chủ yếu đồng bào người Mông, người Dao. Đời sống của đồng bào, kể cả một số hộ người Kinh rất khó khăn. Giai đoạn đó, những cây mận đầu tiên mới lác đác được trồng trên vùng núi này.

Cây mận Ruby trồng tại Sơn La
Cây mận Ruby trồng tại Sơn La

Đồng bào của huyện Mộc Châu hay của tỉnh Sơn La nói chung từ những năm 1990 đến 2000 chỉ sản xuất nông nghiệp theo canh tác nhỏ lẻ, phân tán. “Tiến bộ khoa học” cũng là thứ xa xỉ, dẫn tới tình trạng nghèo đói và cùng lắm chỉ đủ ăn.

Phải đến tận những năm 2010, khi chuyển đổi mô hình cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, gây giống cây trồng mới, trong đó có những cây ăn quả giá trị cao như cây mận trở thành vùng trồng quy mô, bà con mới có của ăn của để.

Sau này, khi tôi làm Chủ tịch UBND xã Nong Lay (Mộc Châu) trong 3 năm, cũng đã chứng kiến sự chuyển đổi tư duy mạnh mẽ ở bà con để có ngày hôm nay. Quả thật họ đã phải rất nỗ lực.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Lý do rất dễ nhìn thấy là quy trình sản xuất của những quả đó đều được người nông Nhật, người New Zealand hay Australia chăm sóc, quản lý và giám sát chặt chẽ, có quy trình từ khi bắt đầu cây trồng cho đến thu hái. Chất lượng sản phẩm được đặc trưng, được đánh giá, được thị trường ghi nhận, thì đương nhiên, phân khúc thị trường cao cấp sẽ sử dụng.

Hãy thử tính toán trên một cây mận. Nếu ta để nguyên 100 kg mận bình thường theo đúng sản lượng tự nhiên, không chăm sóc, không sản xuất theo quy trình, hạ cành tạo tán, giảm bớt sản lượng mận, chú trọng vào chăm sóc, từ phân hữu cơ cho đến nhiều bước chăm sóc khác thì quả mận chỉ thu được có 5.000 đồng/kg. Và như vậy, ta có được một tạ thì cũng chỉ thu được 500.000 đồng.

Nhưng nếu trong sản lượng tự nhiên là một tạ đó, ta lại chỉ chọn 20 kg thôi, nhưng 20 kg đó bán ra thị trường 70-100.000 đồng/kg thì mỗi cây mận ta thu được hai triệu đồng.

Hướng tới sản xuất như thế thì không bao giờ phải suy nghĩ đến việc giá thành của sản phẩm rẻ, không đủ điều kiện đầu vào của sản xuất, cũng không phải lo đi tìm các giải pháp để tiêu thụ nông sản.

Đầu tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói với báo chí, “nông sản không phải thứ để giải cứu”. Chúng ta đã có sản phẩm đặc hữu, sản phẩm chất lượng cao, giá thành lớn rồi thì đầu ra của sản phẩm có bao tiêu hết sức rõ ràng.

Mận hậu Ruby nhắm tới chất lượng và giá bán tốt
Mận hậu Ruby nhắm tới chất lượng và giá bán tốt

Đó cũng là thời điểm Sơn La quyết định phải tiến hành làm thương hiệu cho quả mận. Chúng tôi quyết định đặt tên cho những quả mận chất lượng cao nhất của Mộc Châu và Yên Châu là “mận hậu Ruby”.

Ngày 2/6/2021, giữa bối cảnh khó khăn và nhiều nơi vẫn đang kêu gọi “giải cứu nông sản”, chúng tôi ra mắt thị trường thương hiệu này.

Quả mận Ruby không phải tự nhiên trên cây đã có. Bằng kinh nghiệm của mình và sự tư vấn của doanh nghiệp, chúng tôi thiết quy trình chăm sóc, phải phân bón, phải tưới ẩm, kể cả khi thời tiết khí hậu có mưa đá thì phải mắc màn cho cây… Thậm chí trên một cành mà có 20 quả thì phải tỉa bớt lượng quả đi thì mận Ruby mới có như ngày hôm nay.

Những quả mận này tập trung chất lượng hơn số lượng. Ví dụ, thay vì trồng 800 cây thì ta chỉ trồng 450 cây đến 600 cây để giãn khoảng cách, sau đó hạ cành, tạo tán và  hạ sản lượng để tuyển chọn ra những quả mận được gọi là “mận hậu Ruby”, kích cỡ khoảng 18-20 quả/kg.

Từ cách làm đó, chúng tôi đã thay đổi tư duy, nhận thức của người dân rằng không phải trồng mận để đủ ăn, đủ sống nữa, mà quay sang trồng mận để làm giàu, và tiến tới phát triển kinh tế xã hội ổn định.

Và tin mừng là hướng đi của Sơn La được thị trường đón nhận tích cực. Chỉ sau một tháng ra mắt thương hiệu, mận hậu Ruby còn đang không đủ hàng để bán. Hàng nghìn khách vẫn đang chờ. Chúng tôi đưa được thương hiệu ra Malaysia, Singapore ngay trong tháng 6/2021 và nhận được rất nhiều lời khen ngợi về chất lượng quả mận.

Câu chuyện của mận hậu Ruby khiến chúng tôi tin rằng mình đang đi con đường đúng. Đó chỉ là chương đầu để tạo đà cho tất cả các sản phẩm khác của Sơn La, như nhãn, dâu tây rẻ quạt, thanh long ruột đỏ, bơ Sơn La, mít Sơn La...

Bởi vì mận hậu Ruby và những gì đã diễn ra trong một tháng qua không phải là cá biệt. Ngay bây giờ, bà con ở TP. Sơn La, ở huyện Thuận Châu, đã đi Yên Châu, Tân Lập để học tập mô hình canh tác mới, học mô hình hạ cành tạo tán, chăm sóc để cho ra những quả mận tốt nhất.

Như thế, chỉ trong năm nay thôi sẽ có rất nhiều diện tích chuyển sang mô hình đề cao “chất lượng hơn số lượng” như thế.

Ninh Thuận: Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Tỉnh Ninh Thuận sẽ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư