Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu: Ngành logistics đang rất cần các doanh nghiệp tiên phong
Nguyễn Long - 27/02/2024 15:48
 
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, nếu doanh nghiệp logistics vẫn bằng lòng với việc hoạt động trong phạm vi Việt Nam thì năng lực cạnh tranh của họ sẽ rất yếu do không được cọ xát với đối thủ bên ngoài, và cũng không quen với thông lệ kinh doanh quốc tế.

Chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8% - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, trong khi về lâu dài vấn đề chi phí logistics chưa thể giải quyết ngay, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam cần có những hành động mới.

Ba lợi thế của logistics Việt Nam và điểm yếu đường sắt

Ngành logistics Việt Nam luôn bị phàn nàn là có chi phí cao hơn so với các quốc gia khác, nhưng nhìn ở góc độ khác, ngành logistics Việt Nam có lợi thế gì?

Chi phí logistics cao như phản ánh cũng là một thực tế xuất phát từ vấn đề về hạ tầng và năng lực của doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý, hiệp hội cũng như doanh nghiệp đang nỗ lực để giải quyết. Mặc dù vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế.

Trước hết, Việt Nam có vị trí địa chính trị thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. Thực tế, khi chúng ta mở cửa, thu hút đầu tư thì Việt Nam đã vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới, tạo ra nguồn hàng lớn cho đầu vào của ngành logistics.

Thứ hai, Việt Nam cũng nằm ở vị trí mà lưu lượng hàng hóa đi qua rất lớn, đặc biệt là tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông, cửa ngõ trên con đường giao lưu khu vực Á - Âu cũng như cửa ngõ cho con đường đi vào lục địa Đông Nam Á và Tây Nam Trung Quốc. Đó là điều kiện để phát triển các dịch vụ liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hàng hóa.

Thứ ba, nguồn nhân lực của chúng ta khá dồi dào. Mặc dù trình độ chưa đáp ứng được ngay nhưng đây là nguồn nhân lực trẻ và sẵn sàng nắm bắt nhanh các công nghệ mới.

Trong những năm qua, một lợi thế rất quan trọng cho ngành là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua việc ban hành Kế hoạch hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh cho dịch vụ logistics, đưa dịch vụ logistics vào Nghị quyết Đại hội Đảng thứ XIII, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, ban hành Nghị quyết, Nghị định liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ logistics.

Nỗ lực đó góp phần hoàn thiện khung thể chế, là tiền đề để phát triển kinh doanh.

Để có thể phát triển ngành logistics Việt Nam tương xứng với tiềm năng cần có thêm những điều kiện gì?

Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến cho chi phí logistics của Việt Nam cao là do vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn tới 60%. Theo các tính toán, vận tải đường bộ phát huy lợi thế trong vòng 300 km trở lại. Còn khoảng cách dài hơn sẽ không còn tối ưu nữa, lúc đấy phải sử dụng các phương tiện như đường sắt, đường thủy.

Nhưng hiện nay, phần lớn hàng hóa vận chuyển Bắc - Nam vẫn còn vận chuyển bằng đường bộ, trong khi hệ thống đường sắt có lợi thế trải dài nhưng năng lực vận chuyển lại không khai thác được.

Giảm chi phí logistics là chuyện dài hạn. Nhìn chung có một số nhóm việc bao gồm từ hoàn thiện thể chế pháp luật, cải thiện hạ tầng cho đến nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực.

Về thể chế, có các văn bản luật và dưới luật trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, hải quan, các cơ quan quản lý chuyên ngành. Kể cả ngành công thương, đơn cử như việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ do Cục Xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm, hiện nay chúng tôi chỉ cấp trong vòng 4-6 tiếng đồng hồ.

Trong nhiệm kỳ này, chúng ta nhận thấy sự thay đổi khá rõ nét tại hệ thống đường cao tốc cùng các hạ tầng khác như Cảng hàng không Vân Đồn - cảng do tư nhân đầu tư và vận hành đầu tiên, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây mới sân bay Long Thành.

Về cảng biển, đang nối dài cảng Lạch Huyện và tiếp tục mở rộng cụm cảng Cái Mép. Chậm nhất là ngành đường sắt thì bây giờ cũng có chủ trương xây đường sắt cao tốc, dù khả năng thực hiện còn hơi xa.

Nhưng hiện nay khi nói về sân bay, chúng ta thường chỉ nói về lượng hành khách, trong khi cùng với đó, lượng hàng hóa đi qua sân bay cũng rất lớn. Nếu xây sân bay mới mà không dành diện tích tương xứng để làm kho lưu trữ hàng hóa, xây dựng trung tâm xử lý hàng hóa thì sau này đến lúc muốn phát triển lại không còn đất nữa.

Đáng lẽ chi phí có thể cắt giảm thì lại không còn dư địa để làm. Vì vậy, ngay từ khâu quy hoạch cũng như khi xây dựng hạ tầng, cần phải quan tâm tới vấn đề này.

Việc hình thành đội tàu vận chuyển container cũng như hãng hàng không chuyên chở hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam cũng rất cần thiết, để giúp chúng ta có năng lực tự chủ trong những khâu quan trọng của chuỗi dịch vụ logistics.

Giấc mơ chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm gì nhiều hơn để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tiềm năng đó?

Cộng đồng DN logistics hiện nay có khoảng 34.000 đơn vị, nhưng ở một số khâu một số chỗ hoạt động chưa đạt hiệu quả tối ưu. Để xử lý một công việc, chúng ta mất nhiều thời gian. Ví dụ trong giao nhận bưu chính, tốc độ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khi mà khối lượng hàng hóa ngày càng tăng, nếu chúng ta không có đủ phương tiện để xử lý chia chọn, giao hàng đến kịp thời cho người nhận thì chi phí lại bị đẩy tăng lên, dồn cho người tiêu dùng và DN sản xuất.

Tôi cho rằng nếu DN logistics vẫn bằng lòng với hoạt động trong phạm vi Việt Nam thì năng lực cạnh tranh của họ sẽ yếu do không được cọ xát với đối thủ bên ngoài và cũng không quen với thông lệ kinh doanh quốc tế. Rất cần DN có tư tưởng tiên phong đi ra thị trường quốc tế.

Hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng là ước mơ của nhiều DN, rất nhiều DN lớn từng tuyên bố kế hoạch huy động nguồn lực, đối tác, đề xuất với cơ quan quản lý để có thể thực hiện ước mơ này nhưng đến giờ vẫn chưa thể giải quyết. Vì sao vậy, thưa ông?

Có thể nói đó là mục tiêu rất tham vọng. Để làm được thì DN phải có vị thế tương đối lớn hoặc đặc biệt. Chuỗi cung ứng sản xuất nói chung và chuỗi dịch vụ logisitics là hai chuỗi song hành và trải dài, vượt qua cả biên giới Việt Nam. Nếu DN không có đủ bộ máy, cơ chế, con người để thực hiện, quản lý chuỗi đó thì không thể nói đến chuyện liên kết, quản lý được. Có chăng, chỉ mới thực hiện được việc liên kết các vùng sản xuất với nơi tiêu thụ trong nước hoặc đưa đến cửa khẩu để xuất khẩu.

Ngoài năng lực thì còn phải có uy tín bởi vì đây là thị trường, không thể liên kết bằng mệnh lệnh mà chỉ có thể thuyết phục người ta tham gia vào chuỗi. Nếu như bản thân DN đã làm được và ra kết quả thì các DN khác nhận thấy hiệu quả sẽ ‘tranh nhau’ xin được cộng tác.

Hiện nay trong mỗi lĩnh vực riêng cũng có những DN tạo ra được chuỗi liên kết nhưng năng lực còn nhỏ, chưa đủ tầm tạo ra ảnh hưởng cho cả ngành. Ví dụ các DN hàng hóa nông sản, đặc biệt là hàng có sự nhạy cảm về nhiệt độ như thủy sản, trái cây, rau quả. Họ cần có chuỗi cung ứng lạnh bao gồm các phương tiện bảo quản lạnh, container lạnh...

Nói về liên kết đúng nghĩa đúng tầm, hiện nay chúng ta đang rất thiếu.

Tấm gương Viettel Post

Việc Viettel Post tiên phong triển khai nhiều công nghệ hiện đại và tiên phong trong việc áp dụng robot AGV nói lên điều gì về sự thay đổi của các doanh nghiệp logistics trong nước?

Xu hướng chuyển đổi số đã diễn ra trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Logistics là ngành có tiềm năng và nhu cầu bức thiết về chuyển đổi số vì logistics trải dài không chỉ trên phạm vi địa lý mà còn trên các lĩnh vực kinh tế khác nhau. Nếu như không ứng dụng chuyển đổi số, sẽ trở lại câu chuyện về bài toán chi phí. Không vận dụng được công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc thì đương nhiên chi phí sẽ tăng.

Tuy nhiên, khả năng ứng dụng công nghệ của mỗi DN là khác nhau, vì nó phụ thuộc vào nhận thức của người đứng đầu và cả năng lực tài chính của DN. Dù biết là cần thiết, nhưng DN nhỏ cần ưu tiên cho các vấn đề cấp bách trước mắt cũng chưa thể dành nguồn lực cho công nghệ. Hoặc DN có quan tâm, có tài chính nhưng chọn hướng đi sai, đối tác sai thì dù đưa ra giải pháp nhưng giải pháp lại không góp phần cải thiện thực sự.

Với riêng ngành chuyển phát, đặc điểm của ngành là lưu kho ngắn nên điểm mấu chốt của DN là trung tâm chia chọn. Nếu công suất chia chọn càng lớn, năng lực phân chia hàng hóa càng nhanh thì hiệu suất càng cao.

Vừa rồi Viettel Post đã đầu tư tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh tại Khu công nghiệp Quang Minh. Theo DN, đó là tổ hợp công nghệ chia chọn có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam hiện nay, với khả năng tự động hóa 99% và xử lý tới 1,4 triệu bưu kiện/ngày. Có thể trong tương lai sẽ có những trung tâm lớn hơn việc đầu tư một trung tâm như vậy cho thấy quyết tâm của Viettel Post trong việc cải thiện hạ tầng, dám đầu tư để nâng cao hiệu quả.

200 robot AGV đang vận hành tại Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên ở Việt Nam của Viettel Post.

Còn về robot AGV, đây là công nghệ đã tương đối phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì chưa. Đưa robot vào hoạt động thể hiện sự nhanh nhạy của Viettel Post trong việc nắm bắt và ứng dụng công nghệ vào vận hành.

Khi thấy Viettel Post đưa vào ứng dụng thì một số DN trong nước cũng đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu. Điều là đặc điểm của những DN dẫn đầu, đó là tạo nên xu hướng. Người tạo ra xu hướng phải là người có sức ảnh hưởng thực sự.

Xác định logistics là một trong những cột trụ trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Viettel trong những năm tới và việc xây dựng hạ tầng logistics quốc gia là yếu tố quan trọng. Ông có suy nghĩ gì về hướng đi này của Viettel?

Trước hết, tôi cảm nhận đây là trách nhiệm mà Viettel Post đang tự xác định với mình. Điều đó rất đáng hoan nghênh, việc xây dựng hạ tầng logistics quốc gia là hết sức cần thiết và quan trọng mà Chính phủ đặt ra, cũng mong muốn là có những DN đủ tầm đủ sức tham gia, đặc biệt là ở những vị trí địa lý trọng yếu, những địa điểm vàng trên bản đồ đất Việt.

Viettel Post dự kiến “go global” cùng với việc xây dựng hạ tầng logistics quốc gia, ông đánh giá Viettel Post có thể trở thành đầu tàu cho ngành logistics tại Việt Nam không?

Việc đi ra thị trường quốc tế giúp chúng ta nâng cao năng lực kinh doanh nhờ học hỏi được từ chính thị trường và tìm ra cơ hội kinh doanh mà Việt Nam không có.

Bên cạnh đó, có đi ra bên ngoài thì chuỗi dịch vụ của chúng ta mới được nối dài và đem lại nguồn doanh thu, lợi nhuận lớn hơn nữa cho doanh nghiệp. Thị trường quốc tế đương nhiên là rộng lớn hơn thị trường Việt Nam rất nhiều.

Đối với Viettel, đây là DN đã có kinh nghiệm tiến ra thị trường quốc tế từ rất sớm và cũng rất thành công trong lĩnh vực viễn thông. Tôi đánh giá là một tấm gương cho DN Việt Nam nói chung và Viettel Post nói riêng.

Viettel Post vừa có năng lực, vừa có chiến lược, vừa xây dựng hạ tầng logistics quốc gia trong nước vừa tiến ra nước ngoài. Họ có thể đến đầu tư hạ tầng ở nước ngoài như xây dựng trung tâm chia chọn ở Lào, Campuchia, xây dựng công ty con hoặc mua lại doanh nghiệp sở tại để mở rộng kinh doanh ở các nước, ... Đó cũng là định hướng giúp DN nhỏ hơn nhìn theo tấm gương.

Môi trường kinh doanh hiện nay đối mặt với nhiều biến động bất ổn, DN cần chuẩn bị để thích ứng. Tôi mong Viettel có làm những điều có ý nghĩa để DN khác nhìn vào.

TTC Logistics đồng hành cùng Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023, Công ty cổ phần Dịch vụ Logistics Thành Thành Công (TTC Logistics) - đơn vị vận chuyển hàng lỏng tại Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư