Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phó giám đốc Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN: Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn nhất khu vực
Phương Anh - 02/05/2019 17:14
 
Đây là phát biểu của ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019 đang diễn ra.
.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN  phát biểu tại sự kiện. 

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019 đang diễn ra, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, trong mắt các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến ASEAN, trong những năm gần đây Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn nhất khu vực. So với các nước khu vực và chính mình, Việt Nam đã làm được nhiều việc.

Tuy nhiên với các doanh nghiệp Mỹ, họ kỳ vọng Việt Nam sẽ thành công nhiều hơn khi đáp ứng một số điểm sau đây:

Tầm nhìn của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới không chỉ nên bó hẹp trong nền kinh tế mà cần phải xác định vai trò trong nền kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt các doanh nghiệp nên tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của một số lĩnh vực kinh tế quan trọng: nông nghiệp, du lịch, Nội dung số, y tế, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu... 

Theo ông, khi xác định sân chơi toàn cầu, Việt Nam chủ động tham gia xây dựng và triển khai luật chơi quốc tế. Ngoài việc tạo các điều kiện thuận lợi, cơ chế khuyến khích phù hợp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam cần phát triển chính sách và quy trình tổng thể để bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp không chỉ ở thị trường trong nước mà phải cả ở thị trường nước ngoài.

"Một khi doanh nghiệp tin tưởng vào ý chí và năng lực của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư tại Việt trong các giao dịch trên thị trường quốc tế, họ sẽ có thêm động lực để đầu tư", ông Thành nói.

Ông cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cần có tư duy quản lý để phát triển (pro-growth) thay thế tư duy quản lý truyền thống hay lo sợ rủi ro. Tư duy quản lý truyền thống thì mãi mãi đi sau, vì bao giờ cũng phải chờ người khác làm trước để học. Tư duy quản lý để phát triển mới thực sự tạo cơ hội bứt phá, đi trước người khác, sẵn sàng chấp nhận rủi ro ở một mức độ nhất định.

Đối với những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo dựa trên những công nghệ mới mang tính đột phá (disruptive), thay đổi cả luật chơi, cuộc chơi, cần thiết kế mô hình quản lý mới phù hợp, thậm chí phải xây dựng lại từ đầu. Trong giai đoạn quá độ, cần tư duy quản lý theo hướng nới lỏng, cởi bỏ các hạn chế, điều kiện đối với các mô hình kinh doanh truyền thống, thay vì tư duy siết chặt, tức là ép các mô hình kinh doanh mới chui vào khuôn khổ quản lý cũ. 

Cách mạng 4.0 đưa các doanh nghiệp về vạch xuất phát nếu mạnh dạn, tự tin Việt Nam hoàn toàn có lợi thế trong cuộc đua mà không cần mất nhiều thời gian và nguồn lực.

Nền kinh tế phải vỗ tay bằng 2 bàn tay là nhà nước và thị trường
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, Nhà nước có vai trò điều tiết, thị trường và đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư