Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Phó Thống đốc: Bà con nghĩ vay vốn khó, nhưng thực tế thủ tục rất đơn giản
Thùy Liên - 17/10/2020 12:22
 
Trước thực trạng tín dụng đen đang nở rộ, đẩy nhiều gia đình vào cảnh đau lòng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khuyên bà con có nhu cầu chính đáng nên mạnh dạn tìm đến ngân hàng.
f
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Cho vay tiêu dùng, sản xuất chính đáng: Ngân hàng sẵn sàng

Sáng nay (17/10), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết,  nhu cầu tín dụng của bà con hiện tại rất lớn, nhưng chưa thể tiếp cận nhiều với ngân hàng. Nhiều bà con nghĩ đến ngân hàng là rất khó khăn, nhiều thủ tục. Trong khi đó lại có nhiều người lợi dụng việc ba còn chưa hiểu biết đầy đủ để cho vay với lãi suất "cắt cổ", khiến cho bà con rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Thực tế các thủ tục vay vốn ngân hàng rất đơn giản, dễ dàng, lãi suất thấp nếu bà con có nhu cầu vay vốn phục vụ tiêu dùng, sản xuất kinh doanh chính đáng.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống của người dân, doanh nghiệp, góp phần cùng với Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

Trong phạm vi, chức năng nhiệm vụ của mình, NHNN đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về tín dụng đen, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, hạn chế tín dụng đen, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân.

Bên cạnh đó, NHNN không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến; đưa ra các chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi Covid 19; Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn; chỉ đạo NHCSXH hoàn thiện Phương án mở rộng cho vay tiêu dùng; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức. Các tổ chức tín dụng đã đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng để thực hiện các nghiệp vụ như cho vay, thu nợ, mở tài khoản, huy động tiết kiệm, chi trả kiều hối, phát hành thẻ, nộp Ngân sách Nhà nước...

Mạng lưới tổ chức tín dụng, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền được mở rộng và phát triển nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. ..

Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.

Tín dụng góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến 30/9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) ước đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.

Chương trình cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng của Agribank (khách hàng có nhu cầu vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng), đến cuối tháng 9/2020 đã cho 408.898 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 18.645 tỷ đồng, dư nợ đạt 2.525 tỷ đồng. Cuối năm 2019 Agribank  ban hành chương trình cho vay thẻ thấu chi tại thị trường nông thôn (sử dụng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ).  

Thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Dù vậy, để góp phần hạn chế tín dụng đen, nhất là tại địa bàn nông thôn, bên cạnh ngành ngân hàng tích cực cấp tín dụng, NHNN cho rằng, rất cần có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về tín dụng đen, đưa ra các chế tài đủ sức răn đe đối với các đối tượng tham gia đường dây tín dụng đen...

Tín dụng 9 tháng tăng 6,09%, nửa triệu tỷ đồng đã được bơm ra nền kinh tế
Trong đó, dư nợ tín dụng ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 63%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư