Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giao 9 nhiệm vụ với Bộ Kế hoạch Đầu tư trong 6 tháng cuối năm
Anh Trung - 18/07/2019 15:56
 
Đánh giá cao những đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như ngành kế hoạch, đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý 9 nhóm vấn đề Bộ cần triển khai từ nay đến cuối năm để giúp Chính phủ đạt được những chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Nghe bài viết này tại đây :

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục quán triệt những phương châm Chính phủ đề ra trong năm 2019, đặc biệt là nội hàm "bứt phá", tinh thần bứt phá cần mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm. Tiếp tục thực hiện đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Trung ương đối với phát triển kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2019, cũng như Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục khơi thông các động lực tăng trưởng và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần triển khai quyết liệt, hiệu quả 6 giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019 tại Nghị quyết 23 của Chính phủ. Luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục tồn tại, hạn chế. Thường xuyên theo dõi, linh hoạt ứng phó phù hợp diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Nỗ lực tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là vấn đề tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, đảm bảo những cân đối lớn.

Thứ hai, với tư cách là "tổng tham mưu trưởng" kinh tế cả nước, Tổ trưởng Tổ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ cần tiếp tục phát huy tinh thần trên, chủ động hơn nữa, và có phối hợp nhiều hơn nữa với các chính sách vĩ mô khác như tài khoá, tiền tệ, thương mại, các cân đối lớn của nền kinh tế để có những đánh giá, phân tích, cập nhật kịp thời. Qua đó, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp căn cơ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và khai thông động lực tăng trưởng.

Thứ ba, ngành kế hoạch đầu tư và thống kê phải xác định nhiệm vụ chính là xây dựng thể chế, xây dựng cơ chế chính sách để vận hành toàn bộ nền kinh tế. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng cơ chế chính sách, các khung khổ pháp luật, các mô hình phát triển mới.

Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xác định xây dựng thể chế chính sách để kiến tạo phát triển như là nhiệm vụ, chức năng bao trùm, trung tâm. Đặc biệt, có cơ chế chính sách để phát triển các mô hình kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới trong cuộc cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này không những chỉ về công nghệ mà có ý kiến cho rằng, cuộc cách mạng thiên về phát hiện nhu cầu hơn là về công nghệ. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, vô số nhu cầu có thể phát hiện để khai thác. Đây là cơ hội để rút ngắn khoảng cách phát triển nếu hành động đúng và đi đúng đường.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải trở thành một trung tâm đổi mới, sáng tạo. Dù đã có đề án xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là trung tâm đổi mới sáng tạo cả nước, phải đi tiên phong, đi đầu trong cải cách và đổi mới thể chế…

Ngoài ra, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu thành lập tổ công tác, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, liệt kê những vướng mắc trong thể chế đang là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển không chỉ riêng của Bộ mà là của cả nước. Đồng thời, đưa ra định hướng khắc phục, sửa chữa. Thêm nữa, cần đưa ra được danh mục các vấn đề phải hoàn thiện về thể chế, thử nghiệm thể chế để đón bắt những xu hướng mới trong thời đại 4.0.

Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Đầu tư theo đối tác công - tư (PPP), Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát tinh thần Đề án, Nghị quyết sắp tới của Bộ Chính trị về vấn đề này, trong đó nổi lên rất nhiều vấn đề mới. Cần có tư duy mới và cách nhìn khác mới có thể giải quyết được những vấn đề về khung khổ pháp lý trong hoạt động đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp.

"Tôi cũng đề nghị tổ chức hội nghị tập huấn Luật Đầu tư công sửa đổi, rà soát một lần nữa vướng mắc trong việc giải ngân. Vướng mắc về thể chế là đúng rồi, nhưng một phần còn do tổ chức thực hiện. Rồi vấn đề quy hoạch là nội dung quan trọng, liên quan nhiều lĩnh vực, nhất là đầu tư phát triển. Đề nghị tháo gỡ vướng mắc những vấn đề chuyển tiếp và những vấn đề hướng dẫn tổ chức thực hiện lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương như thế nào. Việc này làm tốt sẽ khơi thông động lực tăng trưởng", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Hiện đã có những hội nghị chuyên đề về vấn đề này, đã thành lập đoàn kiểm tra ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, trên cơ sở đó phải tạo ra chuyển biến căn bản từ nay đến cuối năm về giao vốn cũng như giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây có thể coi là điểm yếu cơ bản của nước ta trong những năm gần đây. 

Thứ năm, đề nghị  Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm tốt trách nhiệm cơ quan thường trực của các chương trình mục tiêu Quốc gia, và Thường trực Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Từ nay cuối năm có 3 hội nghị quan trọng, đó là tổng kết 15 năm kinh tế tập thể hợp tác xã, Hội nghị toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Tổng kết 10 năm về xây dựng nông thôn mới; tổ chức hoạt động cầu truyền hình trong ngày quốc tế vì người nghèo để huy động sự chung tay của xã hội.

Thứ sáu, quan tâm nhiều hơn nữa đến phát triển doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả DNNN, triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Chủ trì xây dựng công bố sách trắng về khu vực hợp tác xã. Tiếp tục làm tốt hơn vai trò thu hút đầu tư nước ngoài. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, cần phải xây dựng, thiết kế được những bộ lọc để lựa chọn được những doanh nghiệp FDI phù hợp. Thực hiện tốt đề án Định hướng thu hút FDI Thủ tướng đã ký. Đấu tranh không khoan nhượng với đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" và lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ hàng hoá.

Thứ bảy, khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách 2020 theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16, sớm xây dựng báo cáo kế hoạch phát triển KT-XH và tài chính ngân sách năm 2020 để trình Hội nghị Trung ương 11 và kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Đây là nhiệm vụ thường niên hết sức quan trọng.

Đề nghị Bộ tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nên chăng, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của 5 năm tới, tập trung toàn lực để hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc kết nối các địa phương.

Thứ tám, với vai trò là cơ quan thường trực của Tiểu ban KT-XH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ kết quả nghiên cứu khảo sát các vùng miền của đất nước, các tỉnh, thành, các địa phương, nghiên cứu chắt lọc những kết quả đã đặt hàng cục, vụ, viện, địa phương. Đề nghị Tổ biên tập chắt lọc ra những gì có chất lượng cao nhất và sớm có dự thảo để có nhiều thời gian chỉnh sửa ra sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Cuối cùng, đề nghị Bộ quan tâm nhiều hơn công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như ngành kế hoạch và đầu tư. Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết 04 và Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về học tập, làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, tác phong Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, cả về đạo đức, phẩm chất, trình độ. Tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ngành kế hoạch, đầu tư, thống kê.

"Mong muốn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như cá nhân tôi, làm sao trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động nhanh nhạy hơn đối với các tình hình, diễn biến; đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn; quyết liệt, sâu sát, đeo bám hơn trong chỉ đạo tổ chức thực hiện; trách nhiệm, tận tuỵ hơn trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao; nhanh hơn về tiến độ cũng như chất lượng hơn trong các sản phẩm", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắn nhủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tiên phong cải cách, đổi mới
6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu thế tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Trong thành tựu này có đóng góp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư